Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Đắk Lắk: Chặt phá, lấn chiếm trái phép 9.680 ha rừng, đất rừng- Ảnh minh họa IE
15 công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh được giao quản lý trên 198.000 ha rừng, đất rừng. Trong thời gian dài, các công ty này buông lỏng quản lý, thiếu vốn đầu tư đã để dân di cư ngoài kế hoạch ồ ạt vào sâu trong rừng lén lút phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép, lập các khu dân cư, khu sản xuất .
Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên lâm nghiệp Chư M’Lanh (Ea Súp) được giao quản lý trên 14.720 ha rừng, đất rừng, nhưng đã để cho người dân, chủ yếu là đồng bào di cư đến ngoài kế hoạch chặt phá, lấn chiếm trái phép 6.000 ha rừng để gieo trồng các loại cây lương thực, cây cao su. Công ty Buôn Ja Wầm (Cư M’gar) cũng bị người dân chặt phá, lấn chiếm trên 460 ha rừng, đất rừng trái phép để trồng cà phê, điều, các loại cây lương thực…
Đã xảy ra nhiều lần tranh chấp đất đai giữa các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên lâm nghiệp với các hộ dân gây phức tạp tình hình an ninh nông thôn. Ngay tại tiểu khu 547A (Công ty Buôn Ja Wầm), đồng bào đã lấn chiếm trái phép một khu đất tự ý cất lên 19 ngôi nhà và chiếm dụng 34 ha đất rừng để sản xuất nông nghiệp. Công ty đã phối hợp cùng với chính quyền địa phương nhiều lần vào tuyên truyền, vận động đồng bào về định cư ở các khu quy hoạch, đồng thời giải toả toàn bộ nhà cửa, hoa màu để trồng lại rừng. Thế nhưng, chỉ trong thời gian ngắn, cán bộ công ty rút đi là đồng bào tiếp tục vào nhổ bỏ cây rừng mới trồng để lấn chiếm đất trái phép canh tác…
Để từng bước khắc phục tình trạng trên, tỉnh đã có kế hoạch chuyển các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên lâm nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh kém hiệu quả, buông lỏng công tác quản lý bảo vệ rừng thành các ban quản lý rừng, đồng thời, tăng cường củng cố, đầu tư các công ty còn lại để thực hiện có hiệu quả công tác quản lý bảo vệ rừng.
Tỉnh cũng thành lập các đoàn kiểm tra về phối hợp cùng với các địa phương, chủ rừng kiểm tra, giải toả, thu hồi và chỉ đạo trồng lại rừng ở những vùng đất mới lấn chiếm. Các đơn vị chức năng cũng tiếp tục rà soát, đánh giá lại tình hình đất sản xuất và cuộc sống của người dân ở các vùng có các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên lâm nghiệp đang quản lý để trên cơ sở đó bố trí lại đất đai phù hợp với nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của từng đơn vị và đất sản xuất cho các gia đình thực sự thiếu đất sản xuất. Tỉnh cũng kiến nghị Chính phủ sớm hỗ trợ kinh phí để triển khai Đề án đo đạc địa chính, cắm mốc ranh giới của các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên lâm nghiệp, các ban quản lý rừng…nhằm từng bước loại bỏ tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất rừng trái phép.