Nền kinh tế sắp phải trả giá
Thep ông Mai Xuân Hùng, Phó Chủ nhiệm UBKT Quốc hội, ở Việt Nam trừ dầu khí, than và một số khoáng sản khác rất đa dạng phong phú. Nhưng ở đâu có khoảng sản thì ở vùng đó lại rất là nghèo. Ở đâu có khoáng sản thì ở đó môi trường bị hủy hoại. Nguyên nhân của tình trạng này được ông Hùng cho rằng: vấn đề quản trị chiến lược còn yếu.
Câu chuyện này có lẽ đã kéo dài mấy chục năm qua, để rồi ngay cả ông Ông Lại Hồng Thanh, Cục trưởng cục Kiểm soát hoạt động Khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường phải cay đắng thừa nhận: Nhà nước hiện không nắm được thực trạng “tài sản” của mình cũng như không kiểm soát được sản lượng khai thác của doanh nghiệp.
“Với các doanh nghiệp, trách nhiệm thực hiện quản lý tài sản của nhà nước còn nhiều bất cập. Nhà nước chưa kiểm soát được lượng khai thác của doanh nghiệp. Công tác thống kê kiểm kê chưa được thực hiện nên không kiểm soát được nguồn thu từ thuế tài nguyên. Việc báo cáo định kỳ, thống kê kiểm kê còn chưa tốt, phụ thuộc hoàn toàn vào báo cáo của doanh nghiệp”, ông Thanh cho biết.
Công tác quản lý yếu kém, không tính toán để sử dụng hợp lý đã khiến không ít quốc gia quá dựa dẫm vào tài nguyên và rơi vào vòng xoáy của “lời nguyền tài nguyên”.
Theo ông Phạm Quang Tú, Phó Viện trưởng Viện Tư vấn phát triển (CODE) thì Việt Nam đang có nguy cơ đứng chân này chân kia, cận kề của miệng bẫy.
Ông Tú minh chứng nhận định này bằng một chỉ số đánh giá toàn cầu là Chỉ số quản trị tài nguyên vừa công bố hồi tháng 5 đối với 58 quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam.
Nghiên cứu chia các quốc gia thành 4 nhóm: đạt yêu cầu, đạt được một phần, yếu kém và mất kiểm soát. Và Việt Nam đứng thứ 43/58, đứng thứ cuối cùng trong nhóm yếu kém.
“Có nghĩa là chỉ cần sẩy chân một chút chúng ta sẽ rơi vào nhóm mất kiểm soát, đây chính là những nước đang phải hứng chịu lời nguyền tài nguyên. Chính vì vậy chúng ta phải quan tâm hơn đến vấn đề quản lý và khai thác tài nguyên hiệu quả, tiết kiệm. Nếu chúng ta cứ tiếp tục khai thác như thời gian vừa qua, hậu quả để lại sẽ vô cùng lớn", ông Tú nói.
Đây là một thực tế mà không chỉ các nhà nghiên cứu mà ngay cả cơ quan quản lý, giám sát cũng phải thừa nhận.
Ông Phạm Gia Túc, phó chủ tịch phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam lại chia sẻ: “Chúng tôi đi khảo sát ở Tuyên Quang thấy thực trạng một doanh nghiệp khai thác chế biến khoáng sản nộp ngân sách cho địa phương được 5 tỉ đồng một năm, thế nhưng, nguyên đoạn đường doanh nghiệp này sử dụng vận chuyển khoáng sản và làm hỏng, tỉnh phải đầu tư 30 tỉ đồng”.
Theo vị chuyên gia này, nếu chỉ nhìn con số báo cáo của việc múc tài nguyên lên bán và trích một phần nhỏ cho nhà nước, cộng với việc các doanh nghiệp khai thác đã tàn phá đường xá thì sẽ thấy lời cảnh báo là đúng.
Bán thô thu không đáng kể, thất thu ngân sách ai chịu?
Ông Tú cho biết, rõ ràng nhà nước bị thất thu từ việc khai thác tài nguyên của đất nước bởi “từ trước tới này chúng ta luôn lầm tưởng việc khai thác thô tài nguyên đem xuất khẩu ra thị trường để thu lại ngân sách là tốt, nhưng đó chỉ là cái tốt trước mắt và thực tế thì nhà nước thu được từ nguồn này không đáng kể”.
Theo nghiên cứu gần đây của Viện CODE về việc khai thác khoảng sản Titan tại Bình Định, doanh nghiệp càng chế biến sâu bao nhiêu thì nguồn thu của nhà nước tăng lên bấy nhiêu.
Ở trong chuỗi khai thác Titan nếu doanh nghiệp chế biến thành sản phẩm pigment thì nhà nước thu ngân sách lên đến 34-35% tổng doanh thu của doanh nghiệp. Trong khi đó, nếu doanh nghiệp chỉ sản xuất ra ilmenit, một dạng quặng ở dạng thô thì nhà nước chỉ được hưởng từ 1-2%, tối đa là 3% doanh thu của doanh nghiệp.
Nói như chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh: "Chúng ta cần phải xem xét vấn đề lợi ích nhóm trong vấn đề quản lý tài nguyên khoáng sản như thế nào? Thực tế thời gian qua, Bộ Tài nguyên cấp phép ít, địa phương cấp nhiều, có tình trạng các địa phương chia nhỏ mỏ.
"Phải đánh giá năng lực giám sát của chúng ta như thế nào? Trách nhiệm của chính quyền địa phương phải có quy định rõ ràng, cấp nào chịu trách nhiệm, cấp nào giám sát. Nếu không có thì sẽ ảnh hưởng không nhỏ".