Nói thẳng là có chuyện lách luật
PV:- Thưa ông, câu chuyện phá rừng trồng cao su, làm thủy điện đã được báo chí đề cập nhiều trong thời gian qua. Dù có cả ảnh chụp lại những khu vực rừng nói là nghèo nhưng lại ngổn ngang gỗ song nhiều địa phương vẫn chối rằng không có chuyện phù phép phá rừng. Họ cho rằng vẫn làm theo quy định. Là người trực tiếp đi khảo sát rừng tại những khu vực này, xin ông chia sẻ thêm?
Ông Chu Quốc Cổn: - Phải nói thẳng là chắc chắn có chuyện lách luật là chính. Theo quy định phải là “rừng nghèo kiệt” mới được chuyển đổi (tức là dưới 50m3/ha), nhưng nhiều địa phương đã bỏ chữ “kiệt” đi và cho phép chuyển đổi.
Hiện nay bản thân bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng nhìn ra vấn đề này và không cho phép chuyển đổi nữa.
Tuy nhiên rất nhiều địa phương đã kịp thời phá rừng và đến bây giờ nhiều diện tích rừng được cho là nghèo nhưng thực chất không phải là rừng nghèo mà là rừng giàu. Lý do là vì nếu không xác định hiện trạng cũ họ cũng nhanh chóng chuyển thành rừng nghèo (trên bản đồ và số liệu) đã lách đi để khai thác.
Nói thật là những công ty lâm nghiệp khi đề xuất các dự án chuyển đổi chủ yếu là để khai thác gỗ, nếu không họ cũng khó tồn tại.
Có hai vấn đề lợi dụng để khai thác gỗ nhưng thực tế những người yêu rừng thì không thể “bắt quả tang” khi các đơn vị này vào khai thác mà chỉ tiếp cận được khi họ đã phá rừng xong.
Tuy nhiên, chỉ cần nhìn trên diện tích rừng khi họ đã khai thác xong cũng có thể thấy được rừng đã bị tàn phá như thế nào.
Những người tâm huyết với ngành lâm nghiệp xem đây là nỗi đau bởi số phận của những cánh rừng đã bị chặt hạ không thương tiếc.
PV: - Đồng ý với ông là không thể đi đến từng dự án, từng diện tích rừng xin chuyển đổi để chứng kiến tận mắt nhưng chỉ cần dựa trên số liệu về diện tích rừng trước đây và diện tích rừng mới được trồng hiện nay, hoặc vẫn còn bỏ trống thì sẽ thấy được đã có bao nhiêu rừng bị phá đi. Ông có thể chia sẻ điều này?
Ông Chu Quốc Cổn: - Thực tế rừng chuyển đổi sang trồng cao su như ở khu vực Tây Nguyên đã chuyển đổi quá nhiều so với mức cần thiết.
Hiện số liệu mới nhất chúng tôi đang thực hiện kiểm kê lại rừng, đất rừng ở khu vực Tây Nguyên mới có thể đưa ra đánh giá chung về rừng. Dự kiến khoảng cuối năm nay hoặc đầu năm 2014 sẽ phải hoàn thành công việc này.
Tuy nhiên mới đây Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn từng báo cáo công nhận 79% diện tích trồng mới cao su từ đất rừng tự nhiên, trong số này không phải toàn bộ diện tích này đều là rừng nghèo kiệt.
Mới đây tổ chức quốc tế Forest Trends đã công bố con số 397.879 m3 là thống kê chính thức về lượng gỗ tận thu từ diện tích 66.838 ha diện tích rừng tự nhiên đã và đang bị chuyển đổi trong khuôn khổ của trên 200 dự án trồng cao su được thực hiện tại Tây Nguyên. Con số này nói lên rất nhiều điều.
Chắc chắn có bao che, lợi ích nhóm
PV: - Dư luận đặt vấn đề tồn tại “nhóm lợi ích” trong hoạt động này, ông có chia sẻ băn khoăn này của dư luận không, thưa ông?
Ông Chu Quốc Cổn: - Chúng tôi đã đi khảo sát thực tế thấy rằng thực chất chuyển đổi rừng sang trồng cao su thì... chuyển rừng giàu là chính. Doanh nghiệp không bán được gỗ rất buồn. Rõ ràng có chuyện bao che, lách để phá rừng.
Chuyện lợi ích nhóm, dung túng, bao che của các địa phương để doanh nghiệp phá rừng lấy gỗ đã quá rõ ràng. Không phải riêng bản thân tôi thấy điều này mà ngay cả GS Nguyễn Ngọc Lung, Viện Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng - bậc cao niên trong ngành lâm nghiệp từng khẳng định điều này rất nhiều lần.
Ông Trần Hữu Nghị, giám đốc Tropenbos Việt Nam cũng khẳng định kết quả nghiên cứu cho thấy quá trình chuyển đổi rừng sang trồng cao su tại một số địa phương đã bị lạm dụng, không phải chỉ bởi các công ty cao su mà còn cả do sự ưu ái của chính quyền địa phương. Thậm chí con số 397.000m3 gỗ rừng tự nhiên còn chưa chắc chắn là đã phản ánh đúng tình hình thực tế, bởi có thể con số còn nhiều hơn thế.
PV: - Thưa ông, vậy còn việc phá rừng làm thủy điện thì sao? Con số này hiện nay như thế nào và đang nói lên điều gì?
Ông Chu Quốc Cổn: - Việc phá rừng làm thủy điện cũng đã được giới chuyên môn cảnh báo nhiều. Ngoài những dự án mang tính chất quốc gia buộc phải đánh đổi thì các thủy điện nhỏ hiện nay cũng đang góp phần “tích cực” vào việc phá rừng và hủy hoại môi trường.
Diện tích rừng bị phá quá lớn khiến môi trường đang bị mất cân bằng, bão lũ tàn phá khốc liệt hơn, ô nhiễm đất, nguồn nước đã thể hiện rõ. Liên tục những thông tin về lũ lụt cuốn trôi nhà cửa, thiệt mạng người dân chính là hệ quả của việc phá rừng.
Xin trân trọng cảm ơn ông!