Hàng ngàn ngôi nhà ở huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa chìm trong biển nước
Mưa lớn từ tối 30-9 đến sáng 1-10 khiến cho hàng ngàn ngôi nhà ở huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa chìm trong biển nước, giao thông trên tuyến Quốc lộ 1A qua đây bị cô lập hoàn toàn.
Có mặt tại xã Trường Lâm, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa, nơi có nhiều người dân bị cô lập trong nước lũ nặng nhất. Tại đây nước trắng bao phủ khắp nơi, xã có 13 thôn thì có 7 thôn chìm trong nước, trên 200 hộ dân với 800 nhân khẩu bị cô lập hoàn toàn.
Anh Nguyễn Văn Nam, ở thôn Trường Sơn, xã Trường Sơn, huyện Tĩnh Gia mếu máo: “Nước lũ đã cướp mất của gia đình nhà tôi toàn bộ trâu, bò, lợn gà, hơn 3 sào lúa cũng đang chìm trong nước. Tài sản của gia đình chỉ trông chờ vào mấy con trâu, bò, giờ trắng tay không biết lấy chi mà sống”.
Nước nhấm chìm xã Trường Lâm, huyện Tĩnh Gia
Gia đình nhà anh Nguyễn Văn Thắng, ở xóm 1 thôn Trường Sơn, cũng bị thiệt hại nặng nề, gia đình có vài trăm con gà, vịt cũng bị nước lũ cuốn phăng, thiệt hại hàng chục triệu đồng.
Ông Nguyễn Thế Thống, Chủ tịch UBND xã Trường Lâm, cho biết tối qua mưa lớn cộng với vỡ đập Đồng Đáng trên địa bàn, khiến cho xã chìm trong nước. “Chúng tôi đã kêu gọi bà con nhanh chóng đảm bảo tính mạng, tài sản để đối phó với lũ. Đến sáng 1-10, nước lên quá lớn khiến toàn bộ 7/13 thôn chìm trong nước với 500 hộ, trong đó có 200 hộ bị cô lập, chúng tôi đã thông báo lên cơ quan cấp trên, đến 16 giờ chiều ngày 1-10, toàn bộ trên 200 hộ dân vùng nguy hiểm được đưa đến nơi an toàn. Tuy nhiên, toàn bộ gia súc, gia cầm trên địa bàn đều mất hết, gây thiệt hại nặng nề cho người dân” - ông Thống cho biết.
Hồ Đồng Đáng ở xã Trường Lâm, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa bị vỡ
Còn ông Trương Bá Phúc, Bí thư huyện ủy Tĩnh Gia, cho biết do ảnh hưởng của cơn bão số 10 đã gây mưa lớn tại huyện Tĩnh Gia, với lượng mưa đo được có nơi là 785 mm. Mưa lớn đã làm đập thủy lợi Đồng Đáng (xã Trường Lâm) và đập Thung Cối (xã Phú Lâm) bị vỡ, hồ Cây Trầu (xã Trúc Lâm) bị hư hỏng nặng, đê chắn lũ Cầu Tây (xa Trúc Lâm), bị vỡ 20m, đường liên xã bị sạt lở 10.000 m3… có trên 1.000 hộ dân bị cô lập hoàn toàn.
Quốc lộ 1A tắc nghẽn đoạn qua tỉnh Thanh Hóa
Chiều cùng ngày, ông Nguyễn Đức Quyền, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa, đã có mặt tại vũng lũ huyện Tĩnh Gia để chỉ đạo công tác phòng chống lũ. Theo ông Quyền, trước mắt không được để xảy ra chết người, không được để ai bị đói khát. Những nơi bị cô lập cần đưa người dân đến nơi an toàn, đồng thời cung cấp các nhu yếu phẩm cho người dân. “Đặc biệt các cấp chính quyền không được chủ quan” - ông Quyền nói.
Ông Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phó Ban thường trực văn phòng lụt bão Trung ương, đã có mặt kiểm tra tình hình vùng lũ Tĩnh Gia, Thanh Hóa và đánh giá cao công tác phòng chống lụt bão của tỉnh Thanh Hóa. Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng đề nghị các cấp các ngành lưu ý mực nước lên xuống của các hồ đập trên địa bàn để có phương án xả lũ hợp lý.