Vào sáng 1/10 hơn 1.000 hộ dân ở 5 xã Tân Trường, Trường Lâm, Mai Lâm, Trúc Lâm, Hải Thượng... bị ngập sâu trong nước từ 1-1,5m, có nơi ngập đến 2m nước.
Toàn bộ trâu, bò, lợn gà của bà con cũng bị nước lũ cuốn trôi hết. Lực lượng cứu hộ của xã đã phải di dời 200 hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm.
Tại Thừa Thiên – Huế, hồ thủy lợi Tả Trạch (xã Dương Hòa, thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên-Huế) hàng tấn củi, phách gỗ từ thượng nguồn đổ về phủ kín các cổng xả tràn.
Được biết, công trình hồ chứa nước Tả Trạch lớn nhất tỉnh Thừa Thiên-Huế và đứng thứ hai của khu vực miền Trung, với sức chứa 646 triệu m3 nước, đang trong giai đoạn hoàn thiện.
Trước đó vài ngày, kênh dẫn dòng thủy điện Sêrêpốk 4A bất ngờ bị vỡ.
Vụ vỡ đập thủy điện Ia Krêl 2 gần đây, khi sự cố xảy ra, cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương, trực tiếp là Sở Công thương Gia Lai đã không nắm bắt được các yếu tố kỹ thuật về đảm bảo an toàn đập. Thậm chí, Sở Công thương cũng như Sở Xây dựng đều không phát hiện việc chủ đầu tư thay đổi thiết kế nhằm giảm chi phí đầu tư.
Những vụ việc này thêm một lần nữa đang chứng minh mặt trái của thủy điện. Trong khi việc phá rừng làm thủy điện lại vẫn đang được nhiều ông chủ đề đạt để làm.
Lâm tặc lợi dụng mưa bão vận chuyển gỗ
Trong khi các địa phương đang nỗ lực cứu trợ dân do ảnh hưởng của bão thì trên tỉnh lộ 15A đoạn đi qua các xã Gia Hanh, Thường Nga của huyện Can Lộc (Hà Tĩnh), lợi dụng lúc trời mưa bão, lâm tặc đã sử dụng xe máy ồ ạt tuồn gỗ về xuôi.
Chỉ khoảng 15 phút sáng 30/9, có tới hàng chục chiếc xe gắn máy phóng như bay, trên xe chở toàn gỗ. Lợi dụng lúc trời mưa bão, lâm tặc đã ngang nhiên chở gỗ, có nhiều xe chở gần 1 khối gỗ dàn ngang đua nhau chạy hết sức nguy hiểm.
Một số người dân địa phương cho biết, ngày thường cũng có một số xe máy chở gỗ đi qua nhưng thường vào tầm 1 - 2 giờ sáng. Còn mấy hôm nay do mưa bão nên hiện tượng này diễn ra ồ ạt, mới hơn 7h sáng đã có trên dưới 10 xe chở gỗ chạy qua.
Ông Nguyễn Xuân Mẫn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Can Lộc thừa nhận có tình trạng trên. "Số gỗ này chủ yếu được vận chuyển từ Hương Khê đi qua Khe Giao rồi về Can Lộc. Những ngày này, lâm tặc lợi dụng tình hình mưa bão, các lực lượng chức năng lo tập trung cho việc phòng chống bão lụt nên ồ ạt để vận chuyển gỗ".
Trước đó, lợi dụng nước sông Bung lớn do thủy điện A Vương xả tràn, một nhóm lâm tặc đã vận chuyển hàng chục bè gỗ, chủ yếu là chò, lim… về xuôi.
Ông Đỗ Tuấn - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Nam Giang-Quảng Nam, cho biết một nhóm lâm tặc đã kết bè và vận chuyển 32 phách gỗ (khoảng 7m3) trên sông Cái (đoạn qua thôn Pà Căng, xã Cà Dy, huyện Nam Giang).
Hồ đập, thủy điện phá rừng đang bộc lộ mặt trái, song sự nguy hiểm còn rình rập sự an toàn của người dân nhiều hơn mỗi khi bão, lũ lại cộng hưởng thêm sự nguy hại. Trong khi đó rừng vẫn tiếp tục bị phá bởi lâm tặc, thủy điện và những dự án trồng cây công nghiệp khác.