Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Khi nào Việt Nam có tên trên bản đồ lặn sâu tự do?

(19:15:10 PM 01/10/2013)
(Tin Môi Trường) - Theo cách tính của Viện Tài nguyên thế giới (Word Resources Institute) và Tổ chức Môi trường của Liên Hiệp Quốc, bờ biển Việt Nam dài 11.409,1km (gấp 3,5 lần so với chiều dài được công bố chính thức theo phương thức đo đạc cổ điển). Thế nhưng, những môn thể thao dưới nước, đặc biệt là môn lặn sâu và lặn tự do gần như chưa có sức hấp dẫn.

Biển-Thế giới của môn lặn

 

 

Chuẩn bị lặn

 

Cũng như  các môn thể thao mạo hiểm đòi hỏi tính thử thách cao độ, lặn sâu và lặn tự do bắt buộc cơ thể thích nghi với những điều kiện mới trong môi trường nước, áp suất, ánh sáng, sinh vật và nhiệt độ xung quanh giảm dần. Người tham gia ngoài có cơ thể khỏe mạnh thì tinh thần tập trung, luôn giữ cân bằng trở thành điều kiện cần. Một cách để để con người luyện tập phản xạ có điều kiện và cải thiện chất lượng sống.

 

Năm 1992, Hiệp hội Quốc tế phát triển Sự ngưng thở (AIDA – International Association for the Development of Apnea) thành lập để đảm bảo an toàn và kỹ năng cho các nghề và các môn thể thao như lặn tự do. Từ đó, lặn tự do trở nên phổ biến và cuốn hút giới trẻ nước ngoài. Các quốc gia có diện tích biển rộng lớn như Venezuela, Hy Lạp, Ai Cập, New-Zealand lần lượt có các thành viên hiện diện trong bảng Kỷ lục thế giới- Lặn tự do.

 

Điển hình, Carlos Coste sinh năm 1976 tại Venezuela đang được biết đến như “vua lặn” của bộ môn thể thao cực kì kén chọn này. Anh bắt đầu luyện tập chuyên nghiệp lặn tự do từ năm 1996 và ngay lập tức lập được kỷ lục quốc gia trong năm 1998. Năm 2003, Carlos trở thành người đầu tiên vượt qua mức giới hạn sâu hơn - 100m ngâm mình dưới đáy biển và nhận danh hiệu kỷ lục gia do Guinness World Records. Năm 2006, anh tiếp tục phá vỡ kỷ lục của AIDA, thích nghi với sự biến đổi môi trường với độ sâu 140m tại Biển Đỏ, Ai Cập…

 

Trong thời gian gần đây, Carlos mở một trường đào tạo lặn tại quê nhà và anh hay đi một số nước để phổ biến môn thể thao mới mẻ này. Anh cho biết, bên cạnh đam mê lặn biển thì anh cũng rất thích chia sẻ kỹ năng lặn tự do để khám phá biển với mọi người.

 

Giới trẻ trong khu vực cũng đang lân la tìm hiểu và tham gia bộ môn lặn đầy thú vị này. Ở Thái Lan, dọc bờ biển Phuket không khó để tìm ra dịch vụ tổ chức lặn biển, đặc biệt là lặn tự do. Các tổ chức được AIDA công nhận, hoạt động hợp pháp và an toàn , khiến môn thể thao này thật sự phổ biến tại đất nước có ngành du lịch phát triển như Thái Lan.

 

Việt Nam có bờ biển trải dài, các điểm đến như vịnh Hạ Long, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc luôn được đánh giá là tiềm năng, có nhiều hang được thế giới nhắc đến như Sơn Đoong, Phong Nha. Có nhiều cảnh đẹp và thiên nhiên phong phú nhưng đâu đó vẫn tồn tại những điều kiện chưa đủ hấp dẫn để thu hút từ khách du lịch cho đến các tay chơi thế giới như Carlos Coste.

 

Bằng chứng là trong tháng 9/2013 vừa qua, « vua lặn » Carlos Coste đã chọn biển ngoài khơi xa Hong Kong làm địa điểm thử thách mới. Tại đây Carlos Coste đã lặn sâu tự do ở độ sâu khoảng 140 mét trong khoảng 4 phút với chiếc đồng hồ thể thao Oris chịu được áp lực nước.

 

Khi nào Việt Nam có tên trên bản đồ lặn thế giới?

 

 

Vua lặn tự do Carlos Coste chuẩn bị khám phá biển Hong Kong

 

Từ năm 2012, có hai bạn trẻ du học Úc đem theo đam mê biển trở về quê hương và quyết định giới thiệu và phát triển môn thể thao cá tính này. Nhân Phạm và Ngọc Anh cùng nhau bắt tay thực hiện giấc mơ ấp ủ từ bấy lâu. Viet Divers, sau sáu tháng chính thức thành lập đã có hơn 50 học viên. Những chuyến đi về nối tiếp nhau Sài Gòn – Nha Trang, chấp cánh đam mê đôi bạn trẻ.

 

Nhân Phạm, Viet Divers chia sẻ:các khách du lịch tham gia lặn biển tại Nha Trang hiện nay phần nhiều cũng chỉ bì bõm dùng máy trợ khí lặn để tham quan 1 vùng biển nhỏ. Dịch vụ khám phá, du lịch biển còn thô sơ và mang tính tự phát. Các huấn luyện viên chủ yếu từ những ngư dân chuyển sang làm du lịch, hoặc một số ít huấn luyến viên qua vài khóa huấn luyện của các câu lạc bộ từ Nga, Úc sang. Chứ chưa phát triển thành một hiệp hội hay được một tổ chức lặn như AIDA chứng nhận.

 

Để thu hút khách du lịch riêng thế mạnh về biển của Việt Nam, điều kiện đầu tiên cần đến là hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng phát triển. Các cụm sân bay quốc tế như Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh, Phú Quốc là một tín hiệu đáng mừng. Đối với môn thể thao khám phá biển như nhảy dù, lặn biển... điều cần thiết phải có kỹ thuật viên có trình độ hỗ trợ người tham gia.

 

Song song, cần phải đa dạng hóa và chuyên nghiệp hóa các môn thể thao và dịch vụ giải trí dưới nước. Đương nhiên, phát triển kiến thức cho ngư dân và dân địa phương sẽ là một lợi thế vừa là một thách thức của Việt Nam. Do ngư dân hiện nay đang gặp khó khăn việc đánh bắt xa bờ do không đủ phương tiện, mặt khác, họ phải đối diện với trình độ ngoại ngữ hạn hẹp để giao tiếp với huấn luyện viên nước ngoài và khách du lịch quốc tế.

 

Như Carlos Coste chia sẻ, các điểm đến anh hay chọn để tham gia các lớp huấn luyện ngắn ngày của mình tại châu Á thường là Hong Kong, Thai Lan và Malaysia vì các chuyến bay đến đây đều không phải quá cảnh, các phương tiện di chuyển đến các nơi lặn rất đa dạng và an toàn. Đặc biệt là có rất nhiều thông tin chi tiết về các vùng biển đẹp đầy thú vị để anh khám phá cùng với những người hâm mộ biết đến anh.

 

Mới đây, Bộ Văn hóa Thể thao - Du lịch vừa thông qua đề án "Phát triển du lịch biển, đảo và vùng ven biển Việt Nam đến năm 2020". Không biết đến khi nào Việt Nam mới trở thành điểm đến thật sự, khi mà, những môn thể thao dưới biển được rất ít người quan tâm và biết đến.

HOA LINH tmt