Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Một thủy điện, mất hơn 59 ha rừng

(16:29:28 PM 30/09/2013)
(Tin Môi Trường) - Việt Nam đứng đầu các nước Đông Nam Á về khai thác năng lượng thủy điện; có điều nhà máy mọc lên đến đâu, rừng bị tàn sát đến đó, dân tình khốn đốn.

“Cần nhanh chóng thành lập một ủy ban nghiên cứu để thẩm định cũng như tìm ra nguyên nhân vì sao có nhiều đề án xây dưng thuỷ điện được duyệt ở nước ta nhiều đến như thế!”. Phản hồi từ bài viết “Thủy điện tàn sát” gần 50.000 ha rừng” trên số báo ra ngày 30-9, bạn đọc Duy Linh đã kiến nghị như vậy.

 

Tàn sát khủng khiếp!

 

Đông đảo bạn đọc đã gửi thông tin phản hồi, cho rằng các số liệu mà bài viết đưa ra là rất đáng báo động. Không thể tin một đất nước nhỏ bé có đến 834 dự án thủy điện và hơn 50.000 ha rừng bị tàn phá để nhường chỗ cho các nhà máy thủy điện.
 

Khu vực xây dựng Nhà máy Thủy điện EA K’TUOR có nhiều thực vật quý hiếm trong sách đỏ Việt Nam và thế giới.Ảnh: CAO NGUYÊN
 
 
Tính ra, cứ 1 thủy điện, có đến hơn 59 ha rừng bị tàn phá. Mức độ tàn phá rừng của thủy điện khủng khiếp như thế, cùng với nạn phá rừng của lâm tặc, tình trạng chặt phá rừng trồng cao su, nuôi tôm diễn ra khắp nơi đang làm cho rừng ngày càng nghèo đi.
 
 
“Những cái thủy điện không có tác dụng tốt, gây nguy hiểm cho người dân thì ai cũng thấy!  Số lượng rừng bị tàn sát quá lớn, vậy số tiền thu được đã vào tay ai? Ai phải chịu trách nhiệm trước người dân và đất nước về những thảm họa, thiên tai đã và đang xảy ra từng ngày gây lũ lụt, chết người?...” -  bạn đọc Nguyễn Trí  nói. Còn theo bạn đọc Trần Bất Cập: “Tôi có  đi công tác ở một số nước Đông Nam Á, thấy người ta cũng làm đường qua  rừng nguyên sinh nhưng vẫn giữ được rừng. Còn ở ta, đường đi đến đâu rừng hết đến đấy. Đó là nói về làm đường, còn làm làm thủy điện thì bao nhiêu rừng bị phá thì chỉ có… chủ đầu tư mới biết.  Cứ lên Tây Nguyên,  sẽ thấy rừng đang mất dần”.
 
 
Trước nạn phá rừng làm thủy điện diễn ra ở khắp nơi, bạn đọc bày tỏ băn khoăn Việt Nam sẽ trả giá đắt cho việc làm này. Thực tế trong khi hầu hết các nước thận trọng khai thác năng lượng từ thủy điện thì Việt Nam lại làm ngược lại.
 
 
Dẫn chứng cho thấy, theo thống kê từ trang web của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA), ở Nhật Bản, thủy điện chỉ chiếm 3% nguồn cung cấp năng lượng trong năm 2005, so với 20% từ năng lượng than đá và 13% năng lượng nguyên tử. Ở Indonesia và Malaysia, năm 2009, thủy điện chỉ chiếm 2% nhu cầu năng lượng quốc gia. Còn Trung Quốc, mặc dù các nhà máy thủy điện được xây dựng khá rầm rộ nhưng năng lượng thủy điện chỉ chiếm 6% tổng nguồn cung cấp năng lượng của nước này. Ngược lại ở Việt Nam, thủy điện chiếm 20% nguồn năng lượng cung cấp ở Việt Nam, cao nhất ở Đông Nam Á.
 
 
Đừng bắt thế hệ sau trả giá
 
 
Đêm 26-9, 3 công nhân đã tử vong trong lúc đang làm việc trong hầm dẫn nước Nhà máy Thủy điện La Hiêng (xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên). Nguyên nhân dẫn đến 3 cái chết oan uổng này được ông Nguyễn Đình Triết, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên, kết luận do sự làm ăn cẩu thả của đơn vị thi công.
 

Phong trào làm thủy điện đã gây ra những hậu quả nặng nề. Trong ảnh: Đập Nhà máy Thủy điện Ia Krêl 2 (huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) vỡ toang hồi tháng 6-2013, xóa sổ  nhiều diện tích cây trồng của người dân. Ảnh: CAO NGUYÊN
 

Đến đêm 29-9, kênh dẫn dòng Nhà máy Thủy điện Sêrêpốk 4A (xã Ea Huar, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) bị vỡ một đoạn 10 m, dân ngập lụt, hư úng nhiều hoa màu của nông dân. Trước đó một ngày, một phím tràn của Thủy điện Dakrông bị vỡ, chính quyền tỉnh Quảng Trị  chỉ đạo di dời dân sống ở phía dưới đập này.

 

Trong hơn 2 năm qua, Nhà máy Thủy điện Sông Tranh 2 liên tiếp xảy ra động đất và rò rỉ nước. Trong khi chủ đầu tư kết luận mọi việc vẫn nằm trong mức độ cho phép, bình thường thì người dân huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam ở vùng hạ du mất ăn mất ngủ vì quả nước khổng lồ treo lơ lửng trên đầu mình. Chính quyền huyện Bắc Trà My tiếp cả trăm đoàn cán bộ đến khảo sát, mỏi mệt lo tính toán phương án di dời dân.

 

 
Nên chuyển hướng sử dụng năng lượng
 

Theo các chuyên gia, Việt Nam nên hạn chế phát triển các nhà máy điện, thậm chí phá bỏ những nhà máy điện không hiệu quả, tác động xấu đến môi trường như một số nước đã làm. Thay vì tập trung khai thác năng lượng từ thủy điện, Việt Nam nên chuyển hướng đầu tư khai thác các nguồn năng lượng sạch từ gió, thủy triều, năng lượng sinh học và các năng lượng có thể tái chế khác.

Hầu hết các dự án nhà máy thủy điện khác, nhất là ở Quảng Nam (22 dự án đang triển khai), Quảng Ngãi (57 dự án)… không bảo đảm việc tái định cư cho người dân. Người dân mất đất vì thủy điện đã không có nhà để ở, thiếu đất canh tác, nghèo lại càng nghèo hơn.

 

Rõ ràng, bên cạnh cái lợi là khai thác được năng lượng điện phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt thì cái hại, tác động xấu từ thủy điện đối với môi trường sinh thái, cộng đồng, an sinh xã hội, việc làm của người dân là vô cùng lớn.

 

Cho rằng Chính phủ phải quyết liệt hơn trong việc chỉ đạo quy hoạch, thẩm định kỹ trước khi cho phép triển khai các dự án thủy điện, bạn đọc Hà Thăng còn kiến nghị cần rà soát lại tiêu chuẩn thiết kế cân đối hài hòa giữa lợi ích của chủ đầu tư với yêu cầu bảo vệ môi trường, nhất là dòng chảy tối thiểu xuống hạ lưu. “Các thủy điện nhỏ phá nhiều rừng phải dứt khoát loại bỏ vì tác hại đã nhãn tiền” – bạn đọc Hà Thăng đề nghị.

 

Còn theo bạn đọc Giang Sơn, cách đây hàng chục năm, đã có rất nhiều ý kiến cảnh báo về hậu quả mà thủy điện gây ra nhưng một số dự án thủy điện vẫn ra đời, lộng hành phá hoại rừng, ăn cắp tài nguyên đất nước, gây ra biết bao nhiêu thiệt hại cho nhân dân do lũ lụt. “Theo tôi, chính phủ cần sàng lọc và có biện pháp ngăn chặn các hoạt động phá hoại  làm thủy điện? Nếu bây giờ chúng ta không hành động, thế hệ mai sau sẽ trả giá”.

Duy Quốc (báo NLĐ)