Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Đối thoại trực tuyến “Gỡ vướng mắc, thúc đẩy tiến độ cấp sổ đỏ” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng 27/9.
Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ TNMT Nguyễn Mạnh Hiển tại cuộc đối thoại trực tuyến “Gỡ vướng mắc, thúc đẩy tiến độ cấp sổ đỏ” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng 27.9 tại Hà Nội.
Gần 19% đất ở đô thị và 15% đất nông thôn chưa có sổ đỏ
Theo Thứ trưởng Bộ TNMT Nguyễn Mạnh Hiển, thực hiện NQ 3 của Quốc hội và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, các địa phương đã coi công tác này như một nhiệm vụ trọng tâm.
Năm 2013, hầu hết các tỉnh, TP trong cả nước đã có chỉ thị, thành lập ban chỉ đạo, nhóm công tác thực hiện Nghị quyết 30. Đặc biệt các địa phương bám sát Chỉ thị 1474 và 05 của Thủ tướng Chính phủ về việc xác định khối lượng giấy chứng nhận còn tồn đọng, trên cơ sở đó phân bổ chỉ tiêu cho từng quận, huyện.
“Việc triển khai trên thực tế gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc, nhưng đến nay, Bộ TNMT đã cùng với các bộ, ngành tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc của các địa phương và có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Cùng với đó, bộ đã kiểm tra, đôn đốc các địa phương, lãnh đạo Bộ đã trực tiếp đến các địa phương chậm tiến độ hay còn gặp vướng mắc để chỉ đạo giải quyết.
Mặt khác, Bộ thường xuyên giao ban với các tỉnh có số lượng tồn đọng còn nhiều (22 tỉnh), tổ chức giao ban 3 tháng, 6 tháng/ lần, trên cơ sở đó giải quyết vướng mắc đồng thời đôn đốc địa phương đảm bảo thực hiện theo đúng kế hoạch đề ra”- Thứ trưởng Hiển nói.
Theo Bộ TNMT, với sự cố gắng của trung ương và các địa phương, đến nay cả nước đã cấp được 36,5 triệu giấy chứng nhận với tổng diện tích 20,36 triệu ha, đạt 84,1% diện tích cần cấp giấy chứng nhận của cả nước.
Về đất ở đô thị, tỷ lệ cấp đạt 81,1%; còn 29 tỉnh đạt dưới 85%. Với đất ở nông thôn, tỷ lệ chung của cả nước đã cấp đạt 85,5%m, nhưng vẫn còn tới 27 tỉnh đạt dưới 85%.
Trong khi đó, Chỉ thị 05 của Thủ tướng nêu rõ đối với các trường hợp đủ điều kiện, phải phấn đấu tỷ lệ cấp đạt 95%, bình quân chung phải đạt 85% đối với tất cả các loại đất.
“Trong Chỉ thị của Thủ tướng ghi rõ địa phương nào không hoàn thành thì phải xem xét trong việc bình xét thi đua hàng năm. Địa phương nào không hoàn thành phải báo cáo giải trình với Thủ tướng. Ngay cả Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo không quyết liệt, không hoàn thành nhiệm vụ thì lãnh đạo Bộ cũng phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng.
Điều quan trọng là chúng ta phải thấy được trách nhiệm của từng cá nhân, vị trí để thực hiện nhiệm vụ được giao. Đây là nhiệm vụ phức tạp, trong thời gian ngắn, số lượng tồn đọng nhiều, nguồn nhân lực có hạn nên chúng ta phải xem xét kết quả đạt được trong bối cảnh thực tế thực thi nhiệm vụ để chúng ta đánh giá mức độ hoàn thành”- Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển khẳng định.
Hà Nội: Sổ đỏ cho 80.000 căn hộ dự án tồn đọng có được giải quyết?
Một câu hỏi bức xúc được đặt ra tại buổi đối thoại trực tuyến là vừa qua, Văn phòng chính phủ đã có văn bản thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về những giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc cấp giấy chứng nhận cho người sử dụng đất, nhất là người mua nhà đất tại các dự án phát triển nhà ở. Vậy thành phố Hà Nội đã triển khai thực hiện kết luận này như thế nào, kết quả đã cấp được bao nhiêu giấy chứng nhận sau khi có kết luận này?
Ông Nguyễn Hữu Nghĩa- PGĐ Sở TNMT Hà Nội cho biết, sau khi tiếp nhận Thông báo 327, TP đã tổ chức giao ban ngay với các quận huyên để triển khai thực hiện thông báo và chỉ đạo thành lập ngay đoàn liên ngành tổ chức thanh tra, kiểm tra. Sở TNMT đã thông báo trực tiếp cho tất cả các chủ đầu tư có dự án phát triển nhà ở để họ liên hệ với sở nộp hồ sơ thực hiện công tác kê khai cấp giấy.
Kết quả sau 1 tháng thực hiện Thông báo 327, TP đã cấp được gần 6.000 giấy chứng nhận, trong đó, khoảng 1.600 giấy chứng nhận thuộc các dự án phát triển nhà ở.
“Trên địa bàn Hà Nội, hiện có 223 dự án phát triển nhà ở, trong đó đã và đang triển khai tầm 70%. 223 dự án tương ứng với khoảng 220.000 căn hộ gồm cả thấp và cao tầng. Đến nay đã bàn giao cho người mua nhà khoảng 120.000 căn hộ và cấp giấy 30.000 căn. Còn khoảng 80.000 căn chưa được thực hiện cấp giấy”- ông Nghĩa khẳng định.
Trên thực tế, TP Hà Nội hiện còn khoảng 90% dự án chung cư, khu đô thị đã bàn giao nhà, nhưng người dân vẫn chưa được cấp sổ đỏ, thậm chí cả với những dự án đã làm đúng thủ tục quy định.
Ví dụ, như dự án Khu chung cư Happy House Garden dù đã bàn giao căn hộ từ cuối năm 2010 và 100% số hộ dân đã hoàn thành các nghĩa vụ tài chính với chủ đầu tư, nhưng đến nay vẫn chưa thể có được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và nhà ở.
Trong trường hợp này, nguyên nhân chủ yếu là do chủ đầu tư chưa hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ với Nhà nước. Tuy nhiên hướng xử lý chủ đầu tư vi phạm sẽ được TP thực hiện như thế nào để không ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người dân trong việc được cấp sổ đỏ?
Trả lời nội dung này, ông Nguyễn Hữu Nghĩa khẳng định tình trạng trên ở Hà Nội (cũng tương tự như ở TP Hồ Chí Minh) là đúng như dư luận đang phản ánh.
Đối với trường hợp chủ đầu tư làm đúng quy định, thì đảm bảo không có trường hợp nào là không được cấp giấy chứng nhận. 30.000 giấy chứng nhận đã được cấp như ông nói ở trên chính là thuộc những trường hợp làm đúng quy định. Còn 80.000 giấy chứng nhận tồn động là nằm trong diện chủ đầu tư có sai phạm.
Theo ông Nghĩa, sai phạm của chủ đầu tư thường là nợ nghĩa vụ tài chính; hai là xây dựng không đúng quy hoạch, xây dựng sai mật độ và có sự chuyển đổi chủ đầu tư. Dự án Happy House Garden thuộc đơn vị HUD3 là thuộc diện có các sai phạm nói trên.
“Về giải pháp trong thời gian tới để thực hiện Thông báo 327 của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, TP sẽ có phương án giải quyết tách bạch giữa lỗi và trách nhiệm của chủ đầu tư đối với nhà nước thì nhà nước xử lý, còn nếu là lỗi của người dân thì người dân phải chịu trách nhiệm. Người dân không có lỗi thì sẽ thực hiện việc kê khai và cấp giấy. Có thể cấp thẳng cho người dân thông qua các cơ quan địa phương hoặc chủ đầu tư phải thực hiện nghĩa vụ kê khai để cấp giấy cho người dân”- ông Nghĩa khẳng định.