Máy bay dễ gặp sự cố nếu va vào chim trời - Ảnh: Mai Vọng
Theo ông James, hàng không Mỹ cũng là một trong những “nạn nhân” của chim trời. Năm 2011, có tới 2.000 vụ chim trời va vào máy bay. Đặc biệt là ngỗng trời, thống kê năm 2012, số lượng ngỗng trời ở Mỹ tăng 17% và chủ yếu sinh sống ở quanh sân bay.
“Thậm chí có trường hợp ngỗng trời va vào khiến máy bay tê liệt động cơ buộc phải hạ cánh xuống biển”, ông James kể.
Hàng không Mỹ cũng đã chi ra rất nhiều tiền nhằm giúp máy bay phòng tránh chim trời. Cụ thể, hàng không Mỹ đã chi 2,5 triệu USD/năm nghiên cứu thói quen sinh sống, tập quán của chim trời ở gần sân bay. Đến nay, Mỹ đã có hơn 100.000 cơ sở dữ liệu liên quan đến thói quen của chim trời.
Ngoài ra, hàng không Mỹ đã hợp tác với các nhà sinh vật học, động vật học để tìm ra thói quen cũng như cách phòng tránh chim trời.
“Có những cách phòng chống chim trời rất đơn giản. Như ngỗng Canada không thích một loại cỏ nào đó thì sân bay Mỹ trồng nhiều loại cỏ đó để ngỗng không tìm tới làm tổ. Những dữ liệu nghiên cứu về chim trời sẽ được chúng tôi chuyển cho Việt Nam nếu ngành hàng không các bạn đề nghị”, ông James khẳng định.
Cục phó Cục Hàng không Việt Nam Lưu Thanh Bình cho hay chim trời cũng là một trong những vấn nạn đe dọa hàng không Việt Nam. Cục Hàng không cũng đang tìm nhiều biện pháp hạn chế chim trời sống quanh sân bay.