Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Ô nhiễm môi trường ở xã biển Ngư Lộc-Thanh Hóa ngày càng nghiêm trọng -Ảnh minh họa IE
Sống chung với rác
Nhiều người biết đến Ngư Lộc bởi nơi đây nổi tiếng với Lễ hội cầu ngư làng Diêm Phố (xã Ngư Lộc ngày nay), nổi tiếng bởi cả một xã chỉ có diện tích 0,46km2 nhưng có tới gần 17.000 nhân khẩu với 3.200 hộ cùng sinh sống, nổi tiếng bởi đây là một trong những địa phương có mật độ dân số cao nhất Việt Nam, khoảng 36.000 người/km2, với diện tích trung bình chỉ có 22m2 đất/người. Ở Ngư Lộc phổ biến là những căn nhà rộng chừng hơn 30m2 cho 6 nhân khẩu sinh sống. Bên cạnh đó, cũng có không ít những ngôi nhà chỉ rộng hơn 20m2, thậm chí chỉ rộng chưa đầy 10m2.
Không có đất nông nghiệp nên gần 17.000 con người ấy sống bằng nghề khai thác hải sản trên biển, hậu cần nghề cá và dịch vụ thương mại. Toàn xã hiện có 315 tàu thuyền đánh bắt hải sản ngoài khơi, thu hút trên 2.500 lao động trực tiếp. Kéo theo đó là các dịch vụ hậu cần nghề cá, dịch vụ thương mại phát triển, tạo nhiều công ăn việc làm cho người dân, các nghề này sử dụng một lượng lớn túi nilông, bao bì, thùng xốp, chất rắn... đựng các mặt hàng nên lượng rác thải, nước thải hằng ngày là rất lớn. Theo thống kê của UBND xã Ngư Lộc, mỗi ngày người dân nơi đây thải ra môi trường trên dưới 7 tấn rác thải. Do không có đất để quy hoạch thành bãi rác, nên toàn bộ số rác này được tống ra biển, gây ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng. Hàng nghìn m3 rác thải dồn ứ, chất thành đống dọc theo mép biển.
Bên cạnh đó, do đất chật, người đông, nguồn nước thải sinh hoạt và sản xuất trong dân thường xuyên bị ứ đọng ở hệ thống cống rãnh trong làng, thậm chí tràn lênh láng ra đường làng, ngõ xóm gây mùi hôi thối nồng nặc. Những hôm hè oi bức, hoặc nồm trời, không thể tả hết mùi hôi thối, ngột ngạt, khó chịu ở vùng quê này. Dù chưa có số liệu thống kê đầy đủ, nhưng đã có rất nhiều người dân nơi đây thường xuyên mắc phải các chứng bệnh như tiêu chảy, đau mắt, viêm đường hô hấp. Cuộc sống của người dân Ngư Lộc đang từng ngày đối mặt với nhiều khó khăn, chính quyền các cấp đã đưa ra nhiều giải pháp, nhưng xem ra vẫn bế tắc.
Trên con đê chắn sóng dài 1,2 km chạy sát mép biển dọc theo địa bàn xã, cũng là tuyến giao thông chính của Ngư Lộc nối liền với các xã biển khác của huyện Hậu Lộc, hàng ngày, hàng nghìn con người vẫn vật lộn với cuộc mưu sinh. Tờ mờ sáng, những lao động chính trong nhà lại theo thuyền ra biển đánh bắt cá tôm, chiều đến, thuyền cập bờ, phụ nữ trong làng lại tập trung bên bờ biển, lội bì bõm qua lại trên núi rác thải dọc theo mép nước để đưa thủy hải sản từ tàu cá lên bờ. Không những chế biến cá, tôm cùng các mặt hàng hải sản khác ngay cạnh bãi rác, ngư dân còn phơi cá ngay dọc con đê. Để rồi tất cả những thứ phế liệu bỏ đi từ các mặt hàng hải sản cũng không nhỏ lượng nước rửa lại theo đó trôi xuống biển.
Tất cả những ô nhiễm, những sinh hoạt tùy tiện, phản cảm này chung quy lại cũng vì lý do đất chật, người đông mà ra. Ngư Lộc được coi là xã giàu nhất của huyện Hậu Lộc, nhưng đối lập với số liêu này, điều kiện sống của người dân lại hết sức khó khăn. Toàn xã có 7 thôn thì mỗi thôn chỉ có chừng hơn 100 m2 đất được sử dụng để xây nhà văn hoá, không có đất dành cho khu vui chơi, giải trí cho người dân, trẻ nhỏ. Hai trường học phải chung một sân tập thể dục. Nhiều hộ dân ở Ngư Lộc đang giàu lên, có điều kiện mua sắm ô tô riêng, nhưng đường xá chật hẹp, không có chỗ đỗ xe, nên dân đành đi xe máy. Cách đây trên dưới 10 năm, toàn xã chỉ có khoảng 1.000 cái nhà vệ sinh (với dân số xấp xỉ 3.000 hộ). Đến nay, theo thống kê mới nhất của xã Ngư Lộc, số lượng nhà vệ sinh trong xã đã tăng lên đáng kể, nhưng vẫn còn 20% số hộ (tương đương 650 hộ gia đình) chưa có nhà vệ sinh. Đất ở đây chật đến mức các gia đình muốn xây nhà vệ sinh cũng không có chỗ để xây, vì vậy, có muốn xây nhà vệ sinh thì người dân phải đợi đến khi xây lại nhà, rồi làm nhà vệ sinh ngay trong nhà chứ không đủ đất để xây nhà vệ sinh tạm như vẫn thường thấy ở các vùng quê khác? Vì vậy việc sử dụng nhà vệ sinh nhờ nhà anh em, hàng xóm, hoặc xả ngay xuống biển cũng là nỗi thường tình ở xã biển này. Hỏi ra, bà con trong xã cũng biết, cũng hiểu về ô nhiễm môi trường sống, nhưng nếu không đổ rác, không đi vệ sinh xuống biển thì biết xả những "nỗi buồn" này ở đâu?
Để rồi, cứ chiều đến, dọc con đê biển, từng đám trẻ con vẫn hồn nhiên chạy nhảy trên bãi rác ven biển, té nước đùa nghịch, thậm chí đá bóng ngay sát mép nước, bởi ngoài nơi này, chúng biết chơi ở nơi nào khác. Cũng dọc con đê bê tông ấy, người lớn, trẻ nhỏ túm 7, túm 3 trò chuyện rôm rả sau một ngày làm việc, học hành mệt nhọc. Cạnh đó, biển vẫn rì rào, rác vẫn ngập ngụa, bốc lên mùi hôi thối, rác cứ chồng lên rác mỗi ngày, mỗi giờ ở xã biển này!
Loay hoay tìm giải pháp
Trước thực trạng trên, hết năm này đến năm khác, chính quyền xã Ngư Lộc đã nhiều lần đề nghị các cấp, các ngành hỗ trợ, tạo quỹ đất để xã xây dựng một bãi rác, nhưng chưa được. Bà con trong xã Ngư Lộc cho biết chỉ còn trông chờ vào nhà máy xử lý rác thải dự kiến đặt tại xã Minh Lộc (xã biển nằm kế bên Ngư Lộc), tuy nhiên, dù năm 2010 UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt "Dự án Xây dựng công trình xử lý rác và chất thải ở các xã vùng biển của huyện Hậu Lộc" với mức kinh phí lên tới 9 tỷ đồng đặt tại xã Minh Lộc, nhưng hiện tại, công trình này chưa được xây dựng. Và như một vòng quay luẩn quẩn, người dân chỉ còn biết mang rác đổ ra biển, để rồi những con sóng lớn, bão to lại cuốn rác trả về.
Được biết, chính quyền và người dân Ngư Lộc cũng đã nhiều lần đề nghị cấp trên điều chỉnh quy hoạch, cắt một phần đất của các xã lân cận cho Ngư Lộc làm đất ở, làm bãi rác, hoặc mạnh dạn quai đê lấn biển để tạo quỹ đất cho địa phương. Nhưng mọi kiến nghị của Ngư Lộc đều rơi vào im lặng...
Ông Nguyễn Văn Ngữ, Chủ tịch UBND xã Ngư Lộc cho biết: "Để xử lý tình thế, thời gian gần đây, UBND xã đã thực hiện phương án thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải trong nhân dân về nơi tập kết rác theo quy định. Mỗi nhân khẩu trong xã đồng ý đóng 7.000 đ/người/tháng để thuê xe chở rác đi nơi khác tiêu hủy, đồng thời xã cũng vận động người dân không đổ rác thải ra biển nữa. Tuy nhiên, số tiền 7.000đ/người/tháng này mới chỉ đủ để hàng ngày nạo vét các tuyến đường, rãnh thoát nước trong xã, 2 cống qua đê, thu gom và vận chuyển rác sinh hoạt hàng ngày ra khỏi địa phương. Chứ khó khăn lớn nhất hiện nay chính là kinh phí cho việc thu gom, xử lý và vận chuyển rác tồn đọng tại tuyến đê biển đi nơi khác xử lý".
Cũng đã nhiều lần UBND xã Ngư Lộc đã có công văn gửi UBND huyện Hậu Lộc xin mức kinh phí xử lý, vận chuyển rác tuyến đê biển khoảng 450 triệu đồng và hỗ trợ kinh phí xử lý môi trường hàng năm nhưng vẫn chưa có phúc đáp của UBND huyện. Ông Ngữ cho biết: "Nếu có được nguồn kinh phí này để thuê phương tiện, máy móc vận chuyển rác, bà con trong xã sẵn sàng đóng góp ngày công để cùng chính quyền xử lý triệt để nguồn rác tồn đọng lâu năm trên bờ biển".
Vấn đề ô nhiềm môi trường biển ở Hậu Lộc bao giờ mới được giải quyết đang là câu hỏi lớn chưa có lời giải đáp ở xã biển này. Người dân đang hàng ngày sống chung với đủ loại thứ độc hại, môi trường biển ven bờ thì chết dần đi vì ô nhiễm. Mong mỏi lớn nhất của người dân cũng như chính quyền xã Ngư Lộc là mau chóng có sự chung tay giúp sức, sự vào cuộc kịp thời của các cấp chính quyền cao hơn để giải tỏa đống rác hơn 1.000m3 dọc ven biển nơi đây, trả lại cho Ngư Lộc một môi trường sống trong lành, để câu hát "Về Ngư Lộc tấp nập người xe qua/ Biển xanh bao la, thuyền ra khơi xa, lung linh nắng mới", lại ấm áp trên môi bao người con xa xứ mỗi khi nhớ về làng biển này.