Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Tôm hùm đỏ là loài có hại cho môi sinh, chưa được phép nuôi ở Việt Nam. Ảnh: Gia Bảo
Ông Võ Thanh Hùng, Phó chủ tịch UBND xã Trường Long Tây, Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang cho biết, người dân xung quanh phát hiện hộ ông Lê Văn Mến ở ấp Trường Phước B nuôi tôm hùm đỏ hơn một tháng qua. Nhiều con thoát ra ngoài khu vực ao nuôi, đào hang khắp nơi trong đồng ruộng để ở và cắn nát cây cỏ, rau bèo xung quanh.
Chính quyền địa phương đã đến lập biên bản hiện trường, đồng thời báo cáo Tổng cục Thủy sản để có biện pháp giải quyết.
Theo tường trình của ông Mến, cuối tháng 7 có một người quen ở Sài Gòn nhờ nuôi giúp 49 kg tôm hùm đỏ, thả trong ao cá nhà ông. Trọng lượng khoảng 15-18 con một kg. "Thấy con tôm có màu sắc lạ lùng so với tôm càng xanh, tôm sú, tôi tưởng là tôm kiểng nên nhận lời", nông dân này cho biết. Ngày 18/8, ông Mến tá hỏa khi bị chính quyền địa phương đến kiểm tra ao tôm và thông báo đó là tôm hùm đỏ nước ngọt ở châu Mỹ, chưa cho phép nuôi tại Việt Nam.
Cơ quan chức năng đã xác định, bầy tôm hùm đỏ được ông Mến nuôi là của ông Bùi Quốc Hải, Trưởng phòng kinh doanh một công ty kinh doanh thủy sản tại TP HCM. Làm việc với cơ quan chức năng, ông Hải cho biết đã đưa 4 kg tôm hùm đỏ từ Mỹ về TP HCM bằng cách xách tay, không có giấy chứng nhận kiểm dịch và giấy tờ cho phép thả nuôi. Sau đó, ông tiếp tục mua thêm 39 kg nữa đem về nhờ ông Mến chăm sóc. Trong quá trình vận chuyển, tôm chết khoảng 1 kg.
Phần lớn tôm hùm đỏ dưới ao nhà ông Mến đã được ông Hải đưa về Sài Gòn. Hiện tại, ao còn nuôi khoảng 10 kg. Do loại tôm này chưa xác định được nguồn gốc xuất xứ, các giấy tờ có liên quan, về đặc tính sinh trưởng cũng như tác động với môi trường sinh thái, nên cơ quan chức năng đã yêu cầu ông Hải phải sớm cung cấp chứng từ nhập khẩu. Song qua nhiều lần hứa cung cấp giấy chứng nhận nhập khẩu bầy tôm hùm đỏ, ông trưởng phòng kinh doanh này đã biến mất cùng với khoảng 20 kg tôm, hiện cơ quan chức năng tỉnh Hậu Giang chưa thể liên lạc được.
Chỉ nuôi mới hơn nửa tháng tính cho đến khi biết được sự thật tôm hùm đỏ, nhưng người nông dân đã thấm thía tác hại của loài thủy cầm này. Ông Mến cho biết, tôm hùm đỏ hung dữ hơn so với tôm càng xanh. Chúng có đôi càng to bè nên đào hang rất giỏi và sống trong hang như cua. Các cây cỏ, rau bèo quanh ao nuôi đều bị tôm hùm đỏ dùng càng kẹp gãy hay ăn trụi hết. Thậm chí bị người bắt, chúng dùng càng kẹp chặt không chịu buông.
Tôm hùm đỏ nuôi tại ao của ông Lê Vân Mến ở Hậu Giang. Ảnh: Quỳnh Như
Từ khi biết là tôm hùm đỏ, gia đình ông Mến sợ quá không chăm sóc nữa mà bỏ đói chúng. Nhiều người hàng xóm lén bắt tôm hùm nước Mỹ ăn xem có ngon hơn tôm càng xanh không. Trong khi đó nhiều con tôm hùm đỏ trong ao nhà ông Mến đã thoát ra ngoài môi trường, vì điều kiện rào chắn (bằng lưới mùng) quanh ao quá sơ sài.
Cán bộ kỹ thuật nông nghiệp của xã Trường Long Tây cho biết thời gian gần đây đã bắt được nhiều con tôm loài này ở đầm ruộng ngoài khu vực ao nuôi. Ông Mến cũng thừa nhận khi mới thả nuôi, do không biết cách rào chắn nên tôm bò ra khỏi ao ra ngoài. Sau đó mặc dù đã có rào lưới mùng, nhưng tôm hùm đỏ đã đào những hang sâu trong đất để trú ngụ và thoát ra ngoài.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Minh Đức, Quyền Chi cục trưởng Quản lý đo lường chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Hậu Giang, cho biết, sau khi kiểm tra ao nhà ông Mến, cơ quan này đã báo Tổng cục Thủy sản để có hướng xử lý thích hợp.
Ông Chu Tiến Vĩnh, Phó Tổng cục trưởng Thủy sản (Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn) cho biết, Việt Nam chỉ mới cấp phép cho Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I nhập loài tôm hùm đỏ nuôi khảo nghiệm và đến nay vẫn chưa có kết quả cho nuôi đại trà. Do đó bất cứ ai nhập tôm này về đều vi phạm và buộc tiêu hủy.
Dự kiến trong tuần này Bộ sẽ có công văn yêu cầu Sở nông nghiệp Hậu Giang tiến hành tiêu hủy hết bầy tôm hùm đỏ.
Theo các nhà chuyên môn, tôm hùm đỏ có vỏ cứng, cặp càng to, khối lượng thịt thấp (khoảng 15 đến 20% trọng lượng cơ thể). Loại sinh vật ngoại lai này khi thoát ra ngoài có thể sẽ gây hại cho các công trình thủy lợi bởi chúng đào hang rất sâu. Đây là loại tôm ăn tạp nên khi phát tán ra ngoài có thể làm hại các loài tôm bản địa.
Hồi tháng 7, Công ty TNHH Phú Thành ở Sóc Trăng cũng nhập trái phép tôm hùm nước ngọt về nuôi nên bị buộc phải tiêu hủy toàn bộ. Trước đó, Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thủy sản Cần Thơ nhập 40 tấn rùa tai đỏ độc hại về nuôi, hiện không thể tái xuất được.