Trong tổng số sáu lò phản ứng tại Fukushima, hiện chỉ còn hai lò phản ứng số 5 và 6 là TEPCO chưa có quyết định cuối cùng tháo dỡ hay không. Song ông Abe cũng nêu rõ TEPCO cần "đặt thời hạn" để giải quyết vấn đề.
Chủ tịch TEPCO Naomi Hirose cho biết sẽ đưa ra quyết định về hai lò phản ứng còn lại vào cuối năm nay đồng thời cam kết sẽ hoàn tất việc xử lý tình trạng nước nhiễm xạ rò rỉ trong quá trình làm nguội các lò phản ứng bị tan chảy vào cuối tháng 3/2015.
Kế hoạch này sẽ cần thêm 1.000 tỷ yen (tương đương 10 tỷ USD) cho cuối tài khóa 2014, cùng với 1.000 tỷ yen đã được chi cho các biện pháp an toàn khẩn cấp sau thảm họa.
Hiện nước nhiễm xạ nồng độ cao đang tăng lên mỗi ngày tại nhà máy là hệ quả của việc liên tục bơm nước vào ba lò phản ứng. Số nước nhiễm xạ này được cất trữ trong hàng trăm bồn chứa lớn đặt trong khuôn viên nhà máy và có nguy cơ rò rỉ bất cứ lúc nào.
Gần đây nhất, 300 tấn nước nhiễm xạ được cho là đã thoát ra khỏi một trong các bồn chứa này và một phần trong số này đã chảy ra biển thông qua các kênh thoát nước.
Toàn bộ hoạt động đánh bắt cá ngoài khơi Fukushima đã bị trì hoãn từ tháng 9 trong bối cảnh xuất hiện những dấu hiệu ô nhiễm từ tổ hợp hạt nhân này.
Trước đó, Cơ quan Hạt nhân Nhật Bản đã bắt đầu khảo sát về nồng độ phóng xạ cesium trong nước biển ở Fukushima để kiểm tra tác động của sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi.
Cuộc khảo sát sẽ được tiến hành trong phạm vi 20km ngoài khơi và 50km về phía Nam và phía Bắc nhà máy Fukushima Daiichi.
Các nghiên cứu trước đây chỉ tập trung ở một số điểm nhất định xung quanh nhà máy điện Fukushima Daiichi. Tuy nhiên, lần này, cuộc khảo sát là nhằm phân tích sự lan rộng của phóng xạ thông qua cuộc khảo sát phạm vi rộng.
Trước đó CNN đưa tin, lò phản ứng hạt nhân số 4 tại nhà máy Oi thuộc tỉnh Fukui, phía tây của Nhật Bản, được ngừng hoạt động vào nửa đêm hôm 18/9, Tất cả 50 lò phản ứng hạt nhân của Nhật Bản hiện đều đã ngừng hoạt động. Chính phủ Nhật hiện vẫn chưa tiết lộ về thời điểm cũng như liệu có bất cứ lò phản ứng nào trong số này hoạt động trở lại hay không.
Người dân Nhật Bản đã hoài nghi về năng lượng hạt nhân và các cơ quan kiểm soát nguồn năng lượng này, kể từ khi thảm họa động đất và sóng thần 3/2011 gây ra hiện tượng rò rỉ tại ba lò phản ứng hạt nhân ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi.
Trước khi thảm họa Fukushima xảy ra, 30% nguồn cung cấp điện của Nhật Bản là năng lượng hạt nhân. Do đó, khi các lò phản ứng hạt nhân ngưng hoạt động, Nhật Bản phải tăng cường nhập khẩu năng lượng hóa thạch.