Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Đắk Lắk: Xuất hiện nhiều đàn voi rừng phá hoại cây trồng

(01:10:11 AM 14/09/2013)
(Tin Môi Trường) - Cuối tháng 8 và đầu tháng 9, nhiều đàn voi rừng đã di chuyển ra bìa rừng để kiếm ăn, phá hoại hàng trăm héc-ta cây trồng cùng nhiều tài sản của người dân, doanh nghiệp tại 2 huyện Buôn Đôn và Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk.


Xuất hiện nhiều đàn voi rừng phá hoại cây trồng -Ảnh minh họa IE


Các đàn voi đã di chuyển ra khỏi rừng đến kiếm ăn tại nhiều nương rẫy của đồng bào ở các xã Ea Mar, Krông Na (huyện Buôn Đôn), Ia J’lơi, Ia R’vêr (huyện Ea Súp) và tàn phá gần 30 héc-ta hoa màu, cây trồng vụ hè thu của người dân các xã này. Hầu hết cây trồng ở giai đoạn sắp thu hoạch nên khi bị voi rừng phá hoại người dân gần như mất trắng. Nhiều đàn voi cũng xuất hiện tại khu vực sản xuất của Công ty TNHH Hoàn Vũ (đóng trên địa bàn huyện Ea Súp) phá hoại hơn 50 héc-ta chuối và hơn 2.000 mét ống nhựa thuộc hệ thống tưới nước nhỏ giọt của Công ty.

Theo khảo sát của Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk, hiện trên địa bàn tỉnh có ít nhất 5 đàn voi rừng cư trú với số lượng khoảng 60 – 80 cá thể. Các đàn voi này thường di chuyển rất rộng để kiếm ăn tại khu vực vùng lõi của Vườn quốc gia Yok Đôn và cánh rừng liền kề thuộc 2 huyện Buôn Đôn và Ea Súp. Trước tình trạng voi rừng thường xuyên về phá hoại hoa màu của người dân, Trung tâm bảo tồn voi Đắk Lắk đã cử cán bộ về địa phương hướng dẫn người dân đốt lửa sớm trước khi trời tối - thời điểm voi bắt đầu kéo về nương rẫy kiếm ăn. Trung tâm khuyến cáo người dân không nên vào rừng ban đêm và ngủ lại nương rẫy ở những khu vực đàn voi thường xuất hiện; khuyến khích người dân chuyển đổi, chọn các loại cây trồng voi rừng không ưa thích như ớt, vừng, cao cao…và canh tác cách xa bìa rừng để hạn chế sự phá hoại của voi rừng; đồng thời phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương xua đuổi voi rừng. Trung tâm cũng thường xuyên cảnh báo sớm với chính quyền và người dân ở những nơi có nhiều khả năng voi rừng kéo về kiếm ăn để đồng bào chủ động phòng tránh, xua đuổi voi nhưng tránh làm tổn hại đến voi.

(TTXVN)