Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Chưa có cơ sở khẳng định có trà phế thải lấy từ Bình Dương rồi tuồn về các cơ sở chuyên làm trà bẩn tại Lâm Đồng như báo chí đã nêu.-Ảnh minh họa
Chi cục đã tiến hành kiểm tra đột xuất tại Công ty TNHH Tân Hiệp Phát và Công ty TNHH URC Việt Nam là những đơn vị sản xuất nước giải khát có sử dụng nguyên liệu trà xanh và thải ra bã trà.
Kết quả cho thấy bã trà của các DN này được bán cho HTX Dịch vụ môi trường Phước Tân, tại Đồng Nai và Công ty TNHH giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu Rồng Vàng tại Thuận An.
Sau đó, bã trà xanh được bán tiếp cho 1 cơ sở ở Bình Dương và một cơ sở ở Quận 4, TP. Hồ Chí Minh để tái chế làm trà phục vụ khâm liệm, mai táng. Từ ngày 3/5/2013, Công ty URC đã ký hợp đồng với Xí nghiệp xử lý chất thải thuộc Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước – Môi trường Bình Dương để xử lý chất thải. Tại đây, bã trà được thu gom hàng ngày và vận chuyển đi xử lý bằng phương pháp chôn lấp.
Lần theo thông tin báo Tuổi trẻ đưa về cơ sở có tên giao dịch là “Cơ sở trà Huy Hoàng” (giấy phép ĐKKD số 46F8017381 do Phòng Tài chính-Kế hoạch Thị xã Thuận An cấp), Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Bình Dương đã kiểm tra và cho biết cơ sở này có thu mua bã trà từ Công ty giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu Rồng Vàng. Bã trà sau khi phơi, sấy khô và trộn lẫn với vỏ hạt cà phê, xác hoa nhài đóng gói thành bao 8-10kg để phục vụ mai táng, tẩm liệm. Hỗn hợp trà này không thể dùng làm trà uống vì trong xác trà có nhiều bụi đất, có cả cọng trà, vỏ hạt cà phê, xác hoa nhài… khi ngửi không còn mùi hương của trà.
Ông Lư Quan Hoàng, người đứng tên trong Giấy chứng nhận ĐKKD và là cháu ông Phước mà báo nêu, đã xuất trình hợp đồng mua bán trà thành phẩm của cơ sở này với một số cơ sở mai táng tại Bình Dương, Tây Ninh, Bến Tre, Bình Phước… và khẳng định chưa bao giờ bán hàng cho các cơ sở làm trà thực phẩm.
Còn tại Lâm Đồng, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Lâm Đồng sau khi kiểm tra đột xuất 6 cơ sở chế biến trà tại Bảo Lộc đã cho biết các hóa đơn nhập hàng về và kiểm tra hàng hóa tại kho chưa phát hiện có trà phế thải từ Bình Dương đưa về đây.
Nguồn nguyên liệu chủ yếu của các cơ sở chế biến chè tươi ở Bảo Lộc được mua chủ yếu từ nông dân trồng chè và mua nguyên liệu từ các cơ sở chế biến chè trong tỉnh. Có một số cơ sở kinh doanh nguyên liệu chè già, chè cọng để sản xuất chè không làm thực phẩm. Bã chè từ các cơ sở sản xuất và sơ chế chè được dùng làm phân bón, không dùng làm thực phẩm.
Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Bộ NNPTNT, cho biết hiện đang yêu cầu các Chi cục tại các địa phương trên tiếp tục mở rộng kiểm tra. Tuy nhiên, dựa trên kết quả xác minh ban đầu như vậy, chưa có cơ sở khẳng định có trà phế thải lấy từ Bình Dương rồi tuồn về các cơ sở chuyên làm trà bẩn tại Lâm Đồng như đã nêu.