Trong suốt năm 2012, Myanmar có thể nói là cái tên được nhắc tới nhiều nhất trong giới doanh nhân Việt Nam. Rất nhiều cuộc thăm dò, khảo sát đã được thực hiện, nhưng khởi công được dự án thì tới giờ phút này mới chỉ có ông bầu Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai.
Năm 2009, bầu Đức đã thuê chiếc Airbus với giá 70.000USD để sang Myanmar và ông tuyên bố đã được tận mắt chứng kiến “mỏ vàng cuối cùng còn sót lại của châu Á".
Rồi đến ngày 5/6/2013, khu phức hợp Hoàng Anh Gia Lai Myanmar Center đã được động thổ tại Cố đô Yangon.
Xét về quy mô, dự án có tổng diện tích 8 ha, nằm trên vị trí đắc địa bậc nhất vùng Yangon này dự kiến sẽ được triển khai trong hai giai đoạn, với tổ hợp khách sạn 5 sao, văn phòng cho thuê, trung tâm thương mại, căn hộ cao cấp...
Chính vì thế, tổng mức đầu tư của dự án cũng được đẩy lên mức 440 triệu USD, thay vì 300 triệu USD như dự kiến ban đầu.
Mảnh đất vàng giữa trung tâm Yangon được bầu Đức mua với giá chỉ 750 USD/m2 là lý do HAGL đầu tư vào thị trường này.
Lý giải về mức tăng mạnh này, bầu Đức cho biết: "Ban đầu, khi lựa chọn đất để triển khai dự án này, chúng tôi áp dụng chuẩn xây dựng khác, và cũng dự kiến quy mô nhỏ hơn. Nhưng sau đó, Chính phủ Myanmar yêu cầu áp dụng chuẩn xây dựng của Mỹ, đồng thời bắt buộc phải xây các công trình BĐS loại A, nên HAGL quyết định tăng tổng mức đầu tư".
Tuy nhiên, lý do thực sự khiến bầu Đức quyết định đầu tư vào Myanmar và rót một số tiền lớn vào thị trường này thì chỉ gần đây mới được hé lộ.
Nguyên nhân chính là mảnh đất vàng hơn 7 ha giữa trung tâm Yangon được bầu Đức mua với giá chỉ 750 USD/m2, hứa hẹn sẽ mang lại nguồn thu lớn cho HAGL.
Thị trường mới, giàu tài nguyên, nhiều tiềm năng lại có mức giá hời thì có lý gì ông chủ HAGL lại bỏ qua?
Động thái này của bầu Đức đã khiến không ít người nhớ lại hai thị trường khác là Lào và Campuchia. Cùng là những thị trường mới nổi, có nguồn tài nguyên dồi dào, phong phú cùng các cánh rừng bạt ngàn, các chính sách thông thoáng, mở rộng cửa đón các nhà đầu tư như HAGL.
Tuy nhiên, chỉ sau một thời dài đầu tư trồng cao su, mía đường tại hai quốc gia này, HAGL đã bị một tổ chức phi chính phủ cáo buộc phá rừng, gây ảnh hưởng đến đời sống sinh thái của người dân Lào, Campuchia.
Cụ thể, ngày 3/5, tổ chức Global Witness (tổ chức Nhân chứng toàn cầu) công bố bảng báo cáo mang tên Rubber Barons (tạm dịch là Những ông vua cao su).
Bản báo cáo bao gồm 51 trang phân tích và clip kèm theo. Trong đó, tổ chức trên đã chỉ đích danh hai công ty Việt Nam là HAGL và Tập đoàn công nghiệp cao su đang tham gia vào nhiều hoạt động phá rừng, chiếm đất tại Lào và Campuchia.
Những quan điểm của Global Witness trong bản báo cáo cho biết, những người sống trên các khu đất được giao lại cho HAGL đã bị đuổi ra khỏi nhà mà không được bồi thường thỏa đáng hoặc không được bồi thường chút nào.
HAGL đã gây ra những hủy hoại về môi trường và xã hội. Sau khi được nhượng đất để trồng cao su, HAGL đã phá rừng và vận chuyển gỗ về Việt Nam, đồng thời lấn ra khỏi khu vực được nhượng đất. Dân địa phương phải đối mặt với sự nghèo đói vì mất rừng, mất đất trồng lúa.
Với những cáo buộc trên, tổ chức này khuyến cáo chính phủ hai nước Lào và Campuchia phải ngừng ngay mọi hoạt động liên quan đến hai công ty và cho điều tra để xử lý tất cả những hoạt động trái pháp luật được phát hiện. Đồng thời tổ chức này lên án Deutsche Bank và IFC đã tài trợ tài chính cho những hoạt động của HAGL tại Lào và Campuchia.
Mặc dù ngay sau đó, bầu Đức đã liên tiếng phủ nhận toàn bộ nội dung cáo buộc của Global Witness, song cổ phiếu và niềm tin của người dân, các đối tác của HAGL đã sụt giảm đối với Tập đoàn này.