Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Người dân đang chờ nước sạch- Ảnh minh họa IE
Toàn tỉnh Đồng Tháp có 322 trạm cấp nước tập trung, qua kiểm tra của Trung tâm Y tế dự phòng thì có đến 191 mẫu nước của các trạm này không đạt các chỉ tiêu về asen, sắt, vi sinh, clorua, nitric, clo dư, độ trong.
Để khắc phục tình trạng nước sinh hoạt bị ô nhiễm asen, sắt tại các trạm cấp nước, từ năm 2012, tỉnh triển khai thực hiện dự án đầu tư hệ thống xử lý ô nhiễm asen, sắt cho 30 trạm cấp nước tập trung của tỉnh tại 5 huyện Cao Lãnh, Tháp Mười, Lấp Vò, Tam Nông và Lai Vung với tổng vốn đầu tư trên 10 tỷ đồng. Quy mô của dự án là lắp đặt 30 hệ thống xử lý nước bị nhiễm sắt, asen, amoni, vi sinh tại các trạm cấp nước tập trung. Hệ thống điều khiển hoàn toàn tự động, xử lý bằng công nghệ ozon, công suất thiết kế 12m3/giờ, diện tích lắp đặt thiết bị 4m x 6m, vật liệu sử dụng bằng composite và inox nhằm giảm thiểu chi phí và thời gian bảo trì. Toàn bộ công nghệ được lắp đặt và bảo vệ trong nhà bao che kết cấu thép có rào lưới B40.
Theo đánh giá của Sở Khoa học và Công nghệ Đồng Tháp, dự án này đã đáp ứng kịp thời nước có chất lượng tốt phục vụ nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt cho dân cư trong vùng dự án, đảm bảo sức khoẻ cộng đồng, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; đồng thời từng bước hoàn thành mục tiêu quốc gia đến năm 2020 về cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề cần được khắc phục như: đơn vị quản lý vận hành, khai thác trạm cấp nước phải có khả năng tự khắc phục một số sự cố cơ bản; đảm bảo cung cấp đủ nước trong giờ cao điểm. Vấn đề lớn nhất hiện nay là việc tính giá tiêu thụ nước thấp hơn giá thành trong khi không có nguồn kinh phí cấp bù dẫn đến tình trạng thu không đủ bù chi ở các trạm cấp nước được đầu tư hệ thống xử lý asen, sắt. Điều này đã hạn chế tư nhân tham gia quản lý vận hành, khai thác công trình.