Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Thân trúc đen
Lá trúc đen
Trúc đen Phyllostachys nigra Ảnh: Phạm thành Trang
Ở Việt Nam, tre trúc là loài cây có giá trị to lớn về nhiều mặt, cả về kinh tế, xã hội và văn hoá. Tre trúc là nhóm lâm sản ngoài gỗ có thể xếp thứ hai sau gỗ.
Trong Sách Đỏ Việt Nam năm 1996 và năm 2007 của Bộ Khoa học công nghệ và Môi trường: Loài Trúc đen (Phyllostachys nigra Munro, 1868) mới được phát hiện và đem trồng làm cảnh ở Việt Nam trong một số năm gần đây. Trúc đen có dáng, màu sắc đẹp, lạ nên đã và đang trở thành một cây cảnh triển vọng. Trúc đen là loài hiếm, số lượng cây ít, vùng phân bố hẹp (chỉ tập trung ở độ cao khoảng 1.200m trở lên ở Sa Pa (tỉnh Lào Cai) và huyện Mèo Vạc, huyện Hoàng Su Phì (tỉnh Hà Giang), có ý nghĩa khoa học, cần được bảo tồn nguồn gen. Tình trạng bảo tồn thuộc phân hạng VU a1a (sẽ nguy cấp).
Trúc đen có thân ngầm mọc tản, đường kính thân ngầm bình quân 1.5cm. Thân khí sinh Trúc đen là thân rỗng, hình trụ, thẳng, mọc tản, cao 6-7 m. Lóng Trúc đen hơi dẹt và có 2 rãnh dọc 2 bên. Điểm nổi bật nhất của Trúc đen là ở cây trưởng thành toàn bộ thân khí sinh có màu tím đến tím đen, bóng. Ở cây non thân khí sinh có màu tím đen hoặc vàng nâu, xanh lục nhạt. Cây già thân khí sinh màu đen xám, có địa y bám vào. Mỗi mắt trên đốt mang 2 cành, một cành to, một cành nhỏ. Phần gốc cành sát với thân hơi dẹt, tạo với thân một góc 45o. Lá quang hợp của cây có hình trái xoan thuôn dài, đầu lá nhọn, đuôi lá hơi thuôn bề dài lá 8- 12 cm, rộng 1- 1.2 cm. Tai lá dạng lông, có 10- 15 lông dài khoảng 0.5 cm, thìa lìa xẻ sợi. Lá mo nang của Trúc đen rất mỏng, màu nâu vàng. Cành hoa dạng bông ngắn, dài 3,5-5cm.
Theo kết quả điều tra mới nhất tại Sa Pa (Lào Cai) Trúc đen phân bố ở hai xã Bản Khoang và Tả Van (là vùng đệm của VQG Hoàng Liên), Trúc đen tập trung ở độ cao trên 1300m với diện tích còn rất ít (khoảng 700m2), phân bố tập trung ở gần khe suối, nơi có độ ẩm cao. Hiện nay, người dân tại Bản Khoang lấy loài Trúc này (cả thân, lá) kết hợp với một số loại cây rừng khác để làm thuốc chữa bệnh như: các bệnh về phong thấp và bệnh hậu sản. Đặc biệt, các bài thuốc này chỉ tồn tại ở cộng đồng người H’mông tại xã, không truyền ra bên ngoài, bởi theo phong tục của người dân tộc thiểu số ở Việt Nam có kinh nghiệm chữa bệnh bằng thuốc nam (thuốc chữa bệnh bằng thực vật) nói chung, người dân tộc H’mông nói riêng thì các bài thuốc truyền thống của gia đình chỉ truyền lại cho người thân trong gia đình (đặc biệt là người con dâu). Vì vậy, bài thuốc có sử dụng đến loài Trúc đen mang tính đặc trưng của người H’mông ở khu vực này.
Bên cạnh đó, măng Trúc đen được người dân khai thác làm thức ăn, họ cho rằng măng loài này là ngon nhất trong mấy loài tre khác hiện có tại địa phương (Trúc cần câu, Tre gai, Mai,…), măng Trúc đen chỉ ra tập trung vào tháng 2 và tháng 3 âm lịch. Sau khi Trúc đen ra măng, người dân dịa phương có thói quen là khai thác toàn bộ nên dẫn đến hiện tượng không có thế hệ sau. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng của diện tích Trúc còn lại. Đặc biệt, người dân chưa có ý thức trong việc gây trồng để mở rộng diện tích loài này (người dân địa phương chủ yếu khai thác dựa vào diện tích sẵn có) dẫn đến suy giảm cả về số lượng và chất lượng.
Điều đáng nói ở đây, các nghiên cứu sâu về Trúc đen tại khu vực này nói riêng và Việt Nam nói chung là chưa có. Hơn bao giờ hết cần có những nghiên cứu cụ thể của các nhà khoa học về loài này nhằm thoát khỏi nguy cơ bị tuyệt chủng trong tương lai.