Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Làng nghề lưỡi câu Mỹ Hòa nhộn nhịp vào mùa "đón" lũ
Theo ông Trần Thiện Tâm, tổ trưởng làng nghề lưỡi câu Mỹ Hòa: S ản xuất lưỡi câu là nghề truyền thống có bề dầy hình thành, phát triển, gắn bó với người dân lao động nơi đây từ hàng chục năm qua, năm 2007 đã được UBND tỉnh An Giang công nhận “Làng nghề truyền thống Lưỡi câu Mỹ Hòa”. Qua bao thăng trầm nhưng không có hộ bỏ nghề. Hiện 186 hộ làm nghề đã giải quyết cho gần 1.000 lao động tại chỗ (nhiều nhất so với các làng nghề truyền thống tiểu thủ công nghiệp) trong tỉnh An Giang. Những năm gần đây, bên cạnh làm lưỡi câu cá nước ngọt, các hộ dân còn sản xuất lưỡi câu ếch, rùa, đặc biệt là câu cá biển... Sản phẩm này được đưa đi tiêu thụ ở khắp các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long, ra tận miền Trung và cả thị trường Campuchia, Malaisia và Lào. Ông Tâm cho biết thêm, trong số này có 40 hộ vừa sản xuất vừa là chủ cơ sở đầu mối thu gom tiêu thụ, số còn lại 146 hộ với trên 600 lao động làm gia công, có thu nhập hiện nay từ 25.000 đồng - 120.000 đồng/ngày/lao động tùy theo công đoạn.
Ông Bùi Tấn Thành, chủ cơ sở sản xuất lưỡi câu “Trí Thành”, đã có 4 đời làm nghề trên 60 năm, cho biết: Sản phẩm của làng nghề rất phong phú với hơn 10 chủng loại có tên lưỡi câu rùa, hòa ung, ó, câu đúc, móng heo, vịnh chèo…. với gần 30 kích cỡ lớn nhỏ khác nhau. Các sản phẩm phải qua gần chục công đoạn làm rất tỉ mỉ, phức tạp như quay dây, vuốt thẳng, chặt thành đoạn, cắt ngạnh, quay mũi, gõ mũi, uốn lưỡi, dập đích, xóc bóng. Cái hay của nghề làm lưỡi câu Mỹ Hòa, các hộ sản xuất đã tính toán tổ chức làm theo hình thức dây chuyền, mỗi lao động phụ trách một công đoạn, nhờ vậy quen tay nên làm ra sản phẩm rất nhanh, đạt tiêu chuẩn cao về chất lượng được người tiêu dùng tín nhiệm. Năm nay nước lũ lên chậm, nhưng mỗi cơ sở cũng làm, thu gom dự trữ 500 - 700 muôn (vạn) lưỡi câu cá các loại, để kịp thời cung ứng cho thị trường khi có yêu cầu.
Bà Nguyễn Thị Bạch tham gia làm nghề từ hơn 10 năm nay cho biết: Nghề làm lưỡi câu ở Mỹ Hòa phụ thuộc vào thời tiết, nhưng vẫn hoạt động được quanh năm. Bởi mùa nước nổi thì làm lưỡi câu cá đồng nước ngọt, mùa khô làm lưỡi câu cá biển nên giải quyết được rất nhiều lao động ở địa phương, ở mọi lứa tuổi trung niên, người già hay trẻ em đều làm được. Nhất là học sinh tranh thủ thời gian nghỉ hè làm nghề kiếm thêm thu nhập để đóng học phí, mua sắm đầy đủ dụng cụ học tập cho năm học mới.
Ông Trần Thiện Tâm, tổ trưởng làng nghề lưỡi câu Mỹ Hòa cho biết: Hoạt động của làng nghề đã giải quyết được nhiều lao động cho địa phương, có khả năng giúp các hộ thoát nghèo làm giàu, thấp nhất cũng đủ trang trải cho cuộc sống hàng ngày. Hiện nay nhiều cơ sở đang rất khó khăn về nguồn vốn nhưng hơn 10 năm gần đây các cơ sở không được vay vốn ưu đãi từ nguồn vốn “Phát triển làng nghề” của địa phương. Các cơ sở này phải tự tranh thủ nguồn vốn vay thế chấp từ các ngân hàng, tín dụng hay vay bên ngoài nên hạn chế phát triển so với các làng nghề truyền thống tiểu thủ công nghiệp trong tỉnh.