Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Để những ngôi làng Việt Nam có màu xanh vĩnh hằng

(22:12:06 PM 29/08/2013)
(Tin Môi Trường) - Tác giả Phạm Thị Hải, Kỹ sư Lâm học Khóa 11 (1966 -1971), Tập thể Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam đã có bài viết trên VACNE giới thiệu về "Ý tưởng về những ngôi làng Việt Nam không bị ngập chìm trong bão lũ và màu xanh vĩnh hằng trên bản đồ hình chữ S Việt Nam". TMT giới thiệu cùng bạn đọc ý tưởng của KS Hải.

 

 

Ảnh minh họa: Internet

 

Nước mưa “ hạt ngọc của trời” mang đến sự sống cho muôn loài cỏ cây vạn vật. Song nước mưa cùng với sự biến đổi của khí khậu toàn cầu sẽ trở thành thảm họa vô cùng lớn đối với con người nếu không điều tiết nước một cách hợp lý nơi thừa và thiếu nước sẽ mất đi hoặc nước sẽ nhấn chìm và cuốn trôi tất cả. Hàng năm sự thiệt hại của thiên tai nên đến 13.000 tỉ đồng. Là người dân Việt Nam tôi thấy xót xa về điều đó.

 

Nước không phải là tài nguyên vô tận vì sẽ có một ngày “nước còn quý hơn dầu mỏ” . Nước quý như thế nhưng chúng ta chưa chủ động giữ nước, những cánh rừng đại ngàn ngày càng lùi xa nhường chỗ cho đất trống đồi núi trọc sa mạc hóa, mùa vàng bội thu trở thành thóc lép vì hạn hán. Rồi có lúc sức mạnh dư thừa không hợp lý của nước thả sức tàn phá xóm làng trên con đường mà thác lũ đi qua. Tôi mạnh dạn đưa ra ý tưởng.

 

Giữ nước và chia cắt dòng chảy ngay từ thượng nguồn bằng cách tạo ra nhiều hồ sông trên núi bền vững theo đường đồng mức. Tôi nhớ một câu nói của ai đó “ Cần có nhiều cái chân thật để sáng tạo nên nhiều cái vĩ đại”. Ta hãy nhìn những người nông dân thường dùng bể, chum, chậu để hứng nước mưa dùng quanh năm. Ý tưởng của tôi cũng xuất phát từ những công việc giản dị đó.

 

I. Giữ nước chia cắt dòng chảy ngay từ thượng nguồn

 

Vùng thượng nguồn là đồi núi chiếm 3/4 diện tích cả nước. Lượng nước có thể gấp 3 lần so với Đồng Bằng. Đồng Bằng nhỏ hẹp men theo bờ biển hình chữ S Việt Nam, vừa chịu áp lực của nước biển dâng, vừa chịu áp lực của nước thượng nguồn đổ về thảm họa sẽ rất lớn. Vì thế ngoài việc thực hiện chủ trương của chính phủ ngăn sông, ngăn biển giữ gìn an ninh bờ cõi càn phải có công trình tạo ra hồ sông trên núi bền vững giữ nước ở thượng nguồn. Càng nhiều hồ sông giữ nước càng giảm thiểu sự tàn phá đồng bằng. Hơn nữa vùng thượng nguồn đất đai rộng lớn dân cư thưa thớt có diện tích đất trống đồi núi trọc nhiều. Vùng đất hoang hóa không canh tác được là nơi xây dựng công trình hồ chứa nước sẽ tiết kiệm được diện tích biết bao. Hồ chứa thượng nguồn làm cho rừng nguyên sinh, rừng thứ sinh nghèo kiệt nhanh chóng phục hồi. Diện tích đá ong hóa, hiện tượng sa mạc hóa dần dần được đẩy lùi. Khi có nhiều hồ chứa nước vùng thượng nguồn màu xanh của rừng trở lại, sự sống sinh sôi. Chim muông thú kéo về quần tụ. Nhiệt độ không khí giảm, hạn chế tác hại của gió bão, mưa lụt sạt lở đất. Ta nói làm gì để màu xanh luôn vĩnh hằng trên bản đồ hình chữ S Việt Nam thì hồ sông giữ nước ở thượng nguồn sẽ trả lời câu nói đó.

 

Tôi mơ ước hồ chứa thượng nguồn sẽ là vành đai phòng hộ kiên cố bảo vệ vùng hạ lưu đồng bằng dân cư đông đúc và các công trình dân sinh kinh tế trọng yếu.

 

II. Xây dựng các công trình giữ nước thượng nguồn trên đường đồng mức

 

Có một câu nói của ai đó “Dòng sông yên lặng đôi bờ nở đầy hoa”

 

-Nếu đặt dòng chảy ở vị trí chênh cao sẽ tạo ra thác nước, phong cảnh đẹp, đập thủy điện….

 

-Hồ sông chứa nước thượng nguồn xây dựng cùng độ chênh cao sẽ tạo nên dòng chảy êm đềm tĩnh lặng thực sự giữ nước tưới tiêu cho đồng bằng trung du miền núi. Ta đã từng nhìn thấy hình ảnh những chàng trai, cô gái Tày Nùng múa xòe bên dòng sông đầy hoa và nắng vàng rực rỡ mỗi độ tết đến xuân về. Cuộc sống thật thanh bình. Hãy làm nhiều hồ chứa nhỏ kiên cố trải đều trên diện rộng sẽ tốt cho việc thực thi, tốt cho việc thi công, việc tưới tiêu nước và an toàn cho dân. Cần có sơ đồ mạng các bể chứa của từng vùng miền, quản lý thật chặt chẽ nghiêm ngặt các hoạt động tưới tiêu nước. Về mùa khô tất cả các bể chứa, hồ chứa đều phải hoạt động xả hết nước. Hồ chứa thượng nguồn xả hết nước vào những cánh đồng, những cánh rừng, vùng đất hoang hóa, vào bể chứa ở thấp hơn bằng những đường ống dẫn nước (kiểu ống dẫn dầu). Cứ như thế nước thượng nguồn đổ về kênh rạch vùng đồng bằng. Tất cả những hồ nước tụ nhiên, hồ nước xây dựng cũ và mới hãy tìm mọi cách dẫn hết nước về xuôi chống hạn. Có như thế mùa mưa bể mới có chỗ giữ nước. Hồ chứa thượng nguồn ở trên cao ta nên làm hồ nhỏ, vật liệu xây dựng nhẹ, bền, vững chắc để đảm bao an toàn. Có thể tham khảo vật liệu xây dựng Tháp Chăm, đền chùa của đồng bào Khome Nam Bộ, Thành nhà Hồ,… Có thể dùng nhựa cao cấp hoặc bằng cao su lót lòng hồ. Trong từng vùng địa chất cho phép có thể đào sâu xuống lòng hồ, hồ sẽ giữ nước nhiều hơn và kiên cố hơn, khi xây dựng đặt hệ thống xả nước ngay trong lòng hồ để dễ tưới tiêu hết nước.

 

-Nếu địa hình tạo ra được nhiều hồ chứa lớn kiên cố ta nên làm nhiều hồ nhỏ vệ tinh xung quanh để dự trữ nước. Không thể để nước tĩnh lặng về mùa khô, phải bằng mọi cách chủ động dẫn nước về vùng hạn hán, không thể để hồ nước đầy mà cây cối khô héo chẳng những lãng phí tài nguyên mà mùa mưa không có chỗ chứa nước gây thảm họa cho đồng bào. Ta hãy mạnh dạn sử dụng ½ số tiền mà thiên tai gây thiệt hại hàng năm để thử nghiệm làm hồ chứa và ống dẫn nước.

 

-Nhiều hồ sông chứa nước thượng nguồn theo đường đồng mức, tốc độ dòng chảy xuống đồng bằng giảm đi. Lượng nước của dòng sông tự nhiên qua nhiều gềnh thác bớt đi làm cho dòng sông tự nhiên trở nên hiền hòa hơn phòng tránh lũ lụt hạn hán, sạt lỡ đất. Những hạt đất mịn được lắng đọng lại ở vách đá lưng đồi sẽ làm tăng diện tích trồng lúa nương tỉa ngô cho đồng bào miền núi, đất mầu lắng xuống lòng hồ không bị cuốn trôi ra biển dần dần bồi tụ thành miền đất mới.

 

III.Phương pháp thực hiện

1.Có 4 phương pháp:

 

-Vận dụng địa hình tự nhiên một cách hợp lý. Nổ mìn phá đá làm nguyên liệu tại chỗ, gia cố tôn tạo và xây dựng thành hồ sông trên núi. Tuy nhiên vẫn tôn trọng thiên nhiên là chính, phần gia cố tôn tạo bằng 1/4 mà thôi.

 

-Khi xây dựng hồ sông trên núi cần sử dụng bản đồ địa hình chọn vị trí có cùng độ chênh cao để xây dựng thành hồ thành sông tĩnh lặng. Khảo sát thực địa vào mùa khô, sau trận mưa to. Thăm dò ý kiến địa phương để tìm nơi xây dựng một cách thỏa đáng nhất

 

-Khi gia cố xây dựng bao quanh các quả đồi lân cận tạo thành hồ sông trên núi chú ý để 3/4 diện tích bề mặt của quả đồi quay về phía lòng hồ, có như thế hồ sẽ kiên cố và rộng hơn. Nước từ triền đồi đổ xuống lòng hồ nhiều hơn và tiết kiệm vật liệu xây dựng công trình.

 

-Xây dựng hồ sông trên núi tổng hợp trí tuệ của nhiều ngành khoa học. Tôi mạn phép nghĩ tới ngành xây dựng, thủy lợi, mỏ địa chất, địa chính du lịch… Để đạt được kết quả tốt hơn. Chú ý điều tiết tiếp dòng chảy sau khi nước được giữ lại ở hồ chứa.

 

2. Tiêu chí đạt được

 

-Giảm được tốc độ dòng chảy xuống đồng bằng giữ được nước mùa mưa, điều tiết và sử dụng hết nước trong mùa khô. Đây là mục tiêu then chốt quyết định sự thành công của hồ chứa. Cần kiểm tra tuyệt đối khắt khe

 

-Ưu tiên xây dựng hồ sông trên núi ở những nơi thường xảy ra lũ lụt sạt lở đất.

 

-Xây dựng hồ sông trên núi phát huy được tính năng phòng hộ nơi đông dân cư, vùng kinh tế trọng yếu ảnh hưởng tốt đến phát triển nông lâm ngư nghiệp.

 

-Xây dựng hồ sông trên núi đảm bảo tính an toàn, hiệu quả tiết kiệm và không phủ định mặt tốt của công trình khác.

 

IV.Những biện pháp chia cắt dòng chảy( có 8 biện pháp)

 

1. Xây dựng hồ sông trên núi ở những nơi điều kiện tự nhiên tạo ra dòng thác

 

Ở Việt Nam 3/4 diện tích đồi núi, núi cao vực sâu tạo nên những dòng thác trút nước xuống đồng bằng. Ngay chân thác ta hãy lấy đất đá xây dựng hồ chặn thác nước lại. Tuy nhiên với địa hình tạo ra dong thác lớn ta nên chia cắt và cải tạo địa hình để tạo thành nhiều dòng thác nhỏ. Từ đó dưới chân thác tạo ra nhiều bể chứa nhỏ mới an toàn cho dân và nước được phân phối đều trên diện rộng. Hồ chứa cũng xây theo đường đồng mực.

 

2. Tạo hồ trên núi từ những quả đồi dãy núi gần nhau để giữ nước chia cắt dòng chảy

 

Trong tự nhiên có những quả đồi, núi đá gần nhau ta cũng khai thác đá gia cố nối liền chúng tạo thành hồ trên núi. Đường dông của đồi núi là đường trút nước xuồn lòng hồ chú ý để 3/4 bề mặt quả đồi quay về phía lòng hồ.

 

3. Tạo hồ trên núi từ những thung lũng tự nhiên hay nhân tạo.

 

Có những thung lũng được hình thành 1 cách tự nhiên, có những thung lũng được hình thành do ta đỏ đất đá gia cố nối liền các quả đồi gần nhau mà thành. Ta hãy khoét sâu mà rộng những thung lũng đó với cùng độ chênh cao. Đất đá được dồn về phần còn lại chưa khép kín của thung lũng cũng tạo thành hồ trên núi. Mùa mưa nước theo đường dông đồi núi đổ xuống lòng hồ.

 

4.Chia cắt dòng chảy từ các con sông suối dài ở thượng nguồn

 

Có những con sông con suối dài, chảy qua nhiều ghềnh thác. Nếu cứ như thế trong mùa mưa nước đổ về đồng bằng rất lớn. Nếu cùng độ chênh cao của dòng sông, suối ta đổ thật nhiều đất để gia cố chặn lại biến nó thành hồ thành sông tĩnh lặng hơn. Nước đầy hồ tràn bờ sẽ giảm tốc độ dòng chảy xuống đồng bằng. Nước tràn đến đâu gặp địa hình thuận lợi tập trung nhiều nước ta lại tạo hồ chứa tiếp. Càng nhiều đập đá chặn sông suối. Mùa mưa sẽ giữ được nhiều nước ở thượng nguồn, mà đất đá vùng núi cao có thiếu gì đâu.

 

5.Chia cắt dòng chảy bằng cách tận dụng các con khe con suối, khe cạn ở thượng nguồn

 

Ai đã từng sẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. Ai đã từng làm công tác lâm nghiệp đều đi qua các con khe, con suối. Về mùa khô các con sông, con suối này rất hiền lành. Bộ đội, thanh niên xung phong có thể bắt tôm cua cá làm bữa ăn tươi trên đường hành quân nhưng về mùa mưa nó trở thành thủy thần hung bạo. Ta hay chinh phục nó bằng cách nạo vét sông suối sâu xuống, dồn đất đá hai bên thành xây kín lại theo đường đồng mức và như thế ta giữ được nước thượng nguồn, chia cắt được dòng chảy, giảm tốc độ và tránh sạt lở đất.

 

6.Ở những điểm hội tụ của nhiều con khe ta nên tạo ra hồ chứa nước (tụ thủy)

 

Bằng cách nổ mìn phá đá, nạo vét sâu xuống lòng hồ gia cố thêm ta sẽ được hồ chứa nước. Tôi nghĩ có nhiều hồ chứa nước thượng nguồn có thể tránh được lũ quét, sạt lở đất.

 

7.Nên giảm lưu lượng nước trên dòng sông lớn

 

Ta đi ngược dòng các con sông đó về phía thượng nguồn. Hãy xem có con suối nào đổ về dòng sông này, hay chia cắt dòng chảy của nó bằng các biện pháp:

 

Nổ mìn lấy đá ngăn nhiều đoạn trên con suối này. Nước sẽ tràn đi ra nhiều nhánh khác và nước cũng được giữ lại ở các con suối nhỏ, hồ nhỏ. Như thế lưu lượng nước của dòng sông lớn sẽ giảm đi. Tuy nhiên phải theo dõi dòng chảy và điều tiết cho phù hợp nếu không sẽ phản tác dụng gây nguy hiểm.

 

8.Trong thực tế mùa mưa này, chỗ nào ngập sâu, con đường nào bị nước lũ phá hủy mạch, ta hãy khoanh lại, gia cố tạo thành hồ thành sông. Vị trí này là điểm chọn lọc tự nhiên sẽ chính xác. Công trình nào bị ngập sâu quá, đoạn đường nào hư hỏng nặng nề ta mạnh dạn di dời đi nơi khác sẽ hợp lý hơn thánh thiệt hại cho nhiều năm sau.

 

VI.Kết luận về việc xây dựng hồ sông trên núi

 

-Khi có được hồ sông trên núi sẽ mang lại bình yên, trù phú cho làng bản. Đồng bào cần xuông núi sống quây quần thành làng bản theo quy hoạch nông thôn mới. Điện, đường, trường, trại, văn hóa, y tế sẽ đến với từng người dân miền núi.

 

-Đồng bào xuống núi, những thung lũng nhỏ lẻ, những dãy núi điệp trùng có thể gia cố, tôn tạo và xây dựng thành hồ sông trên núi. Ở đâu có dân, ở đó phải có phòng hộ lũ lụt. Nhiều hồ sông trên núi ở thượng nguồn sẽ trở thành vành đai kiên cố phòng hộ cho vùng hạ lưu đồng bằng. Có như thế những ngôi làng Việt mới không bị ngập trong bão lũ.

 

- Nhìn lại lịch sử dân tộc hàng nghin năm tới nay, để có những cánh đồng lúa phì nhiêu quanh năm 2, 3 mùa lúa chín. Ông cha ta đã lấy đất đá về xuôi ngăn sông ngăn biển, những con sông đào kênh rách chằng chịt vùng đồng bằng tất cả chỉ dựa vào sức người. Ở đây ta xây dựng hồ sông trên núi dựa vào địa hình tự nhiên là chính lại có máy móc trí tuệ thời hiện đại, ước tính có thể giảm được 3/4 công sức vậy chúng ta có nên làm hay không? Nên chăng ta hãy thử nghiệm từng phần làm đâu được đó, làm từ dễ đến khó, hồ nhỏ đến lớn, vừa làm vừa rút kinh nghiệm.

 

- Trong điều kiện kinh tế hạn hẹp trước hết tập trung xây hồ chứa ở vùng khô hạn nhất, vùng thường xuyên xảy ra lũ lụt. Hãy cứu lấy những cánh rừng đại ngàn đang ngày một mất đi, hãy trả lại màu xanh cho vùng đồi trọc hoang hóa. Ở những nơi này ta cũng tạo nhiều hồ chứa nhỏ trên diện rộng có nước màu xanh sẽ nhanh chóng phục hồi tăng khả năng giữ đất, giữ nước hạn chế tác hại của thiên tai (cách làm như trên). Có như thế màu xanh mới thực sự vĩnh hằng trên bản đồ hình chữ S Việt Nam.

 

- Thời nào cũng thế con người luôn luôn nhỏ bé trước thiên nhiên hùng vĩ, người Việt xưa và nay luôn cảm nhận sự huyền bí, linh thiêng của vũ trụ, cảm nhận về hồn thiêng sông núi. Họ thờ các vị thần thánh, thờ những người anh hùng hào kiệt dân tộc. Họ cầu cho quốc thái dân an, cầu cho mưa thuận gió hòa. Họ vừa thỉnh cầu, vừa hành động. Là hậu duệ của người Việt cổ xưa, chúng ta hãy cùng thắp hương cầu cho tổ quốc yên bình, cầu cho mưa thuận gió hòa. Cầu cho ý trời và lòng người hòa hợp. Chúng ta cũng vừa thỉnh cầu vừa hành động. Không có gì tự nhiên mà có, chúng ta nên tiếp tục ngăn sông, ngăn biển và nếu chăng chúng ta tạo nên nhiều hồ sông trên núi hạn chế thiên tai bảo vệ hạ lưu và đồng bằng.

 

- Xây dựng hồ sông trên núi cũng gian nan vất vả như xây dựng đường mòn Hồ Chí Minh, gian nan như đưa pháo vượt qua núi cao của chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử và cũng gian nan như những người anh hùng của đoàn tàu không số đường Hồ Chí Minh trên biển, đó là lẽ thường tình. Cuộc chiến chống thiên tai, dich họa đều giông nhau, đều cùng mục đích giữ gìn biên cương tổ quốc, giữ gìn tài sản tính mạng cho nhân dân, mang lại sự bình yên no ấm và hạnh phúc cho dân tộc. Chống thiên tai, dịch họa, ở vị trí ngang tầm. Xây dựng hồ sông trên núi thực sự khó khăn.

 

- Có người nói thiên nhiên thế nào hãy để nguyên như thế chỉ cần trồng nhiều rừng là được. Câu nói đó đúng nếu môi trường sống vẫn bình yên nhưng giờ đây, lũ lụt xảy ra liên miên hàng năm. Tốc độ hoang hóa, sa mạc hóa đất rừng rất nhanh. Không có hồ chứa nước làm sao màu xanh của rừng mới phục hồi được. Đồi trọc hoang hóa thì nhiều. Rừng nghèo kiệt, cây con mới trồng đường kính <1cm làm sao có thể ngăn cản gió bão lũ lụt được. Trồng rừng chưa lớn đã bị chặt phá, vì thế tôi nghĩ phải có nhiều hồ sông trên núi giữ nước tưới mát cho những cánh đồng, cánh rừng ở thượng nguồn. Công trình này xây dựng tuy tốn kém vất vả nhưng tôi nghĩ đó là kết cục có hậu hơn cả. Hiện nay dân số Việt Nam đã gần 100 triệu người. Tất cả hoạt động sống của con người, các công trình dân sinh kinh tế, tái thiết đất nước phần lớn tập trung trên diện tích 1/4 đất đai cả nước, điều đó đã quá chật chội. Vì thế các công trình điều tiết nước cho đồng bằng đặt ở thượng nguồn là hợp lý.

 

- Xây dựng hồ sông trên núi thực sự khó khăn nhưng không viển vông nếu ta suy nghĩ 1 cách thấu đáo toàn diện.

 

- Ông cha ta đã từng xây dựng biết bao công trình nguy nga đồ sộ tô điểm cho non sông gâm hoa của tổ quốc như chùa Yên Tử, chùa Hương, chùa Phật tích, đền Hùng, đền Kiếp Bạc, đền Đô, đền Trần, thành Cổ Loa, thành nhà Hồ. Phần lớn các công trình này đều dựa vào vách đá tự nhiên kết hợp với trí tuệ, sức mạnh của con người, những kỳ tích thiêng liêng ấy, con cháu người Việt chúng ta mãi mãi biết ơn, mãi mãi tự hào và trân trọng. Chúng ta là những người kế tiếp truyền thống đó. Hãy thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Đào núi và lấp biển, có chí ắt làm nên” trong công trình tiếp theo của lịch sử. Ngăn sông, ngăn biển tránh nước biển dâng, xây dựng hồ sông trên núi tránh mưa nguồn suối lũ giữ đất, giữ nước để màu xanh luôn vĩnh hằng trên bản đồ hình chữ S Việt Nam. Để những ngôi làng Việt Nam không bị ngập chìm trong bão lũ.

 

- Ta đã từng đổ móng xây dựng dưới lòng biển, lòng sông còn được giờ đây ta xây dựng móng công trình trên nền đất đồi núi chắc sẽ thành công.

 

Tôi mơ ước có một ngày nắng vàng rực rỡ trên quê hương tôi có sự họp mặt của các nhà khoa học, thiên văn học, toán học, cùng với các loại máy phát sóng diệu kỳ tìm ra mối quan hệ giữa nước và hồ chứa để nước mãi là hạt ngọc của trời mang sự sống cho con người, cỏ cây, vạn vật.

KS PHẠM THỊ HẢI (Khu Tập thể Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam)