Phóng sự truyền hình “Ai chắp cánh cho thần chết?” do Dũng Chinh (phóng viên Đài PT-TH Bình Định) thực hiện cuối năm 2012 đoạt giải B Giải báo chí Bình Định năm 2013.
Tuy nhiên, gần đây thông tin về tác giả đã dựng chuyện, làm sai lệch bản chất sự việc, lừa dối thương binh để đạt được mục đích đã khiến các nhà quản lý rối bời.
Người cụt chân, cụt tay điều khiển ôtô - Ảnh cắt từ clip phóng sự chiếu trên VTV
Cũng theo ông Phụng, tác giả Dũng Chinh (PV Đài PT-TH Bình Định) đã gửi tác phẩm báo hình “Ai chắp cánh cho thần chết” tham dự giải thưởng của tỉnh khi đã đoạt giải khuyến khích trong Liên hoan Truyền hình toàn quốc. Theo tiêu chí chấm Giải báo chí của tỉnh thì tác phẩm không phải thẩm tra, chỉ xét duyệt với giải thưởng tương đương hoặc cao hơn chứ không cần phải chấm.
Cùng quan điểm với ông Phụng, trả lời báo chí, giám đốc Đài PT-TH tỉnh Bình Định Phạm Vĩnh Thái cho biết, đã chỉ đạo các phòng ban chức năng của đài tiến hành kiểm tra về tính xác thực của tác phẩm.
“Chỉ sau khi kiểm tra thì mới có thể khẳng định tác giả có cố ý dàn dựng hay không, sai hay đúng cụ thể như thế nào sẽ có cách xử lý thích hợp” - ông Thái nói.
Sai về bản chất
Phóng sự "Ai chắp cánh cho thần chết" được cho là nhân danh lòng nhân ái, lừa thương binh đóng phim nhưng lại biến thành phóng sự, đã chiếu trên trên đài truyền hình VTV1, ngày 28/6, trong chương trình tin tức giao thông buổi sáng.
Phóng sự khẳng định, hai người thương binh, một người bị cụt cả hai chân, một người cụt tay nhưng vẫn lái xe ô tô phăm phăm trên đường. Điều đáng ngạc nhiên là cả hai người này đều được cấp bằng lái xe ô tô bình thường, như lời phóng sự nói.
Sau khi phóng sự phát sóng, hai người thương binh là: ông Đinh Dương Hải (51 tuổi) ngụ tại số 41, Tô Ngọc Vân (P.Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn, Bình Định), thương binh 1/4 (hạng đặc biệt), bị cụt cả hai chân và người còn lại là anh Nguyễn Văn Nhung (45 tuổi) cụt 1 cánh tay phải từ nhỏ do máy xát gạo cứa, hiện ngụ tại thôn Phụ Đức, thị trấn Bồng Sơn (Hoài Nhơn - Bình Định) đã vô cùng bức xúc vì bị lừa dối, biến không thành có gây bức xúc trong dư luận.
Nhân vật được cho là mù mắt, cụt tay vẫn hàng ngày lái xe mưu sinh. (Ảnh cắt từ clip)
Ông Nguyễn Quả - Chánh Thanh tra Sở GTVT Bình Định, cho biết qua đối chiếu nội dung, chiếu hình ảnh trên phim thì đúng là ông Hải có ngồi lên chiếc xe 7 chỗ và điều khiển xe khách chạy tuyến Quy Nhơn - Gia Lai nhưng bản chất thì không như lời bình của phóng sự.
Ông Nguyễn Quả khẳng định, qua hai sự việc trên, cả hai đều không có giấy phép lái xe và đã được cơ quan chức năng địa phương nghiêm cấm, không cho hoạt động từ những năm trước đây. Nhân vật trong phóng sự khẳng định họ được nhà báo nhờ đóng vai quay phim, dựng cảnh và là người thật chứ việc làm không có thực.
Bản kết luận mới đây của Thanh tra Sở GTVT Bình Định cũng khẳng định, phóng sự “Ai chắp cánh cho thần chết” của phóng viên Dũng Chinh phát trên Đài Truyền hình Bình Định ngày 29/1/2013, sau đó được phát lại trên VTV1 ngày 28/6 sai bản chất sự việc.
Phóng sự này được dàn dựng nhằm phản ánh thực trạng đào tạo lái xe xuống cấp, từ đó báo động nguy cơ TNGT nhưng lại lừa thương binh, dàn dựng trong bối cảnh không thực tế.
Phủ nhận dàn dựng
Trái ngược với những lời cáo buộc nêu trên, PV Dũng Chinh trong bản tường trình vẫn một mực phủ nhận không thừa nhận chuyện dàn dựng, nói sai bản chất.
Bản tường trình của Dũng Chinh viết: “Hưởng ứng năm ATGT 2012, tôi xây dựng kế hoạch thực hiện một phóng sự xung quanh vấn đề này… Mục đích của phóng sự là cảnh báo để góp phần hạn chế các vụ tai nạn giao thông…Xuyên suốt phóng sự “Ai chắp cánh cho thần chết” tôi có đưa ra các vụ TNGT chết người và rút ra nguyên nhân từ đâu?
Thực tế tôi rút ra nguyên nhân cụ thể: Các trung tâm đào tạo lái xe mở ra quá nhiều (Bình Định có 5 Trung tâm, hàng năm đào tạo khoảng 8.000 lái xe) nhưng chưa chú trọng chất lượng…
Một số lái xe chưa qua đào tạo vẫn cầm vô lăng (đây là điểm nhấn trong phóng sự) đặc biệt là 4 nhân vật tàn tật thì có 1 người đang hành nghề lái xe tại Quảng Ngãi, 3 nhân vật còn lại tôi khẳng định chưa qua trường lớp đào tạo và không nêu đích danh tên ai, hình ảnh dùng kỹ xảo che mặt họ. Tất cả hiện đang cư trú tại Bình Định, cả 3 trường hợp chưa qua học nghề lái xe nhưng vẫn lái xe hằng ngày…”.
Tuy nhiên, nội dung phóng sự đã phát sóng lại không đúng nội dung như phóng viên này đã nói.
Lời bình có đoạn: "Bình Định có trên 5 cơ sở dạy nghề, hàng năm xuất xưởng khoảng 8.000 bác tài. Thời buổi khách hàng là thượng đế, không ít trung tâm có mở dịch vụ trọn gói cho các thượng đế lắm tiền mà ko cần học lái xe nghiêm túc mà vẫn có bằng lái xe theo yêu cầu, đó là kiểu học giả bằng thật…”.
Nội dung đoạn bình luận này chính là minh chứng cho việc những người thiếu một vài bộ phận trong cơ thể (4 nhân vật khuyết tật trong phóng sự) hiện đang lái xe lưu hành trên các tuyến đường kể cả mưu sinh lẫn đưa đón hành khách trên tuyến đường Quy Nhơn – Gia Lai hiểm nguy vẫn đang hiện hữu.
Với lời bình trên, gắn với hình ảnh các nhân vật người cụt hai chân, người cụt tay đang lái xe ô tô, tác giả không thể phủ nhận việc đã biến sự việc không có thành có trên hiện tại và vẫn đang diễn ra hàng ngày. Bởi thực tế chính Dũng Chinh đến nhờ họ diễn, chứ không phải đây là công việc hàng ngày họ đang làm. Như vậy, có thể khẳng định nội dung phóng sự đã sai về bản chất.