Theo ông Thanh, khi chuyển thành công ty TNHH một thành viên thì Sở GTVT không còn duyệt quỹ lương của các công ty này nữa.
Với giải trình trên, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân chất vấn: “Vậy là các doanh nghiệp này không còn thuộc trách nhiệm của Sở GTVT nữa mà là trách nhiệm của Ủy ban phải không?".
Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM: "Dạ, em không nói vậy. Không phải vậy…".
Theo ông Thanh, hiện Sở GTVT và các sở Lao động - Thương binh và xã hội (LĐ-TB-XH), Tài chính đang rà soát lại việc quản lý, chi trả tiền lương tại 4 công ty này.
Chủ tịch Lê Hoàng Quân “bắt mạch”: “Anh nói mình không quản lý vậy thì rà soát lại làm chi?”.
|
Đồng thời, ông Quân hỏi Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM: “Có quy định nào cho chuyển hợp đồng lao động từ dài hạn sang ngắn hạn không?”.
Ông Thanh xác nhận: “Cái đó là sai”.
Chủ tịch UBND TP.HCM: “Vậy là sai hoàn toàn rồi. Vậy mình xử sao?”.
Phó giám đốc Sở GTVT: “Việc quản lý nhân công, doanh nghiệp hiện giờ hoàn toàn là trách nhiệm của giám đốc doanh nghiệp”.
Ông Lê Hoàng Quân kết luận: Doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Ủy ban nhưng quản lý chuyên môn vẫn thuộc Sở.
Trình bày thêm về vụ việc, ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH, xác định: vừa qua, Sở LĐ-TB-XH có phối hợp với Chi cục Tài chính doanh nghiệp nhà nước tiến hành thanh tra các đơn vị công ích 100% vốn Nhà nước (8 đơn vị) và hầu hết đều có sai phạm.
Theo ông Khiết, sai phạm chủ yếu là các đơn vị chỉ ký hợp đồng thời vụ cho hầu hết các lao động, mặc dù các lao động này có người đủ điều kiện để ký hợp đồng có thời hạn, có người đủ điều kiện ký hợp đồng không thời hạn. Các đơn vị trên chỉ ký hợp đồng lao động 3 tháng/lần, để không đóng bảo hiểm.
Ngoài ra, “các đơn vị trên cũng lấy quỹ lương của người lao động chi trả cho cán bộ viên chức. Điều này hoàn toàn sai phạm kể cả về việc quản lý tài chính và đạo đức”, ông Khiết nhấn mạnh.
Công nhân Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh - Ảnh: D.Đ.Minh
Bên cạnh đó, bà Lê Ngọc Thùy Trang, Chi cục trưởng Chi cục Tài chính doanh nghiệp nhà nước nói: Vấn đề xây dựng quỹ lương phải trên cơ sở định mức; thông tư 27 rất rành mạch 2 quỹ tiền lương: của ban điều hành và của người lao động.
Theo bà Trang, nếu lấy quỹ tiền lương của người lao động trả cho ban điều hành là sai, cố tình làm sai. Bà Trang cho rằng không thể chấp nhận việc lấy quỹ tiền lương chung để chi cho ban điều hành.
Bà Trang dẫn chứng, theo thông tư 27: hướng dẫn tiền lương khi chuyển qua công ty TNHH một thành viên là mỗi năm các doanh nghiệp phải báo cáo quỹ tiền lương thực hiện theo phê duyệt của Ủy ban nhưng hiện nay không có doanh nghiệp nào thực hiện báo cáo.
Trong khi việc báo cáo này là cơ sở để giám sát, quản lý và Ủy ban giao định mức hằng năm.
Thu hồi tiền sai phạm, giải quyết lại chế độ cho công nhân
Trao đổi với phóng viên, ông Quân nhận định về mức lương khủng của lãnh đạo các công ty công ích: "Mức thu nhập đó gấp gần hai chục lần lương tôi, tức lương chủ tịch UBND TP, cũng là ngang lương với Bộ trưởng".
"Ban quản lý các doanh nghiệp có sáng kiến, làm việc hiệu quả, có lợi nhuận cao, có thể vận dụng cơ chế chính sách để nâng cao thu nhập, có thể hưởng thêm xứng đáng chứ không phải quá đáng", Chủ tịch UBND TP.HCM nói.
Trả lời báo chí về chỉ đạo xử lý sai phạm trong vụ việc trên, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân cho biết: “UBND TP giao cho Sở Nội vụ, Sở Tài chính rà soát sự việc. Bởi vì, sai thì có sai rồi nhưng sai ở mức độ nào phải rà soát lại cơ chế chính sách. Căn cứ vào kết luận của cơ quan chức năng (Sở Nội vụ và Sở Tài chính). Những vấn đề cố tình sai phạm phải xử lý nghiêm. Cũng như TP cũng đã thành lập hội đồng kỷ luật để xử lý sai phạm".
Theo ông Quân, thực hiện cho đúng quy định phải thu hồi toàn bộ số tiền sai phạm. Phần nào của công nhân thì phải thực hiện giải quyết lại đúng chế độ, chính sách cho công nhân.