Hố này có đường kính rộng 7-8m, hình tròn, có độ sâu hơn 10m.
Nguy hiểm hơn nữa là cũng tại vị trí này, ngày 23/8 đã xảy ra việc tương tự. Để khắc phục tình trạng, Công ty khai thác đá Sông Thao đã đổ 18 xe đất, đá xuống hố, rồi san phẳng miệng hố.
Nhưng đến chiều ngày 26/8 thì hố tử thần lại "nuốt chửng" 18 xe đất đá này để tạo thành một hố sâu, sau đó tại nơi xảy ra hố tử thần còn xuất hiện khói bốc lên nghi ngút khiến nhiều người quan ngại có thể có núi lửa đang hoạt động ngầm dưới lòng đất.
Hố tử thần xuất hiện tại Thanh Ba - Phú Thọ vào chiều ngày 26/8
Anh Dũng, hàng xóm của bà Mậu, cho biết thêm: "Nhà tôi cũng xuất hiện một hầm ngầm ngay bên dưới móng nhà. Nó sâu hun hút trơ cái dầm móng. Lúc đổ đá và đất xuống hố tử thần tôi cũng nhờ đổ cả gạch vào mà mãi không lấp được".
Về hiện tượng này, TS Lê Huy Minh, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học (Viện Vật lý Địa cầu), cho biết: "Có một điều dễ dàng nhận thấy là việc xuất hiện hố tử thần chắc chắn là do phía dưới lòng đất có một khoảng trống.
Đây có thể là các mạch nước ngầm chảy ở phía dưới làm trôi các vật liệu nên gây ra hiện tượng sụt lở trên bề mặt trái đất như ở Phú Thọ và Quảng Ninh trong thời gian qua.".
Đề cập đến hiện tượng khói bốc lên nghi ngút từ hố tử thần ở Phú Thọ có khả năng xuất hiện núi lửa hoạt động, TS Minh khẳng định: Không thể có chuyện núi lửa hoạt động ở vùng đất Thanh Ba - Phú Thọ...Cơ chế hoạt động của núi lửa phức tạp hơn nhiều, không thể chỉ dựa vào khói bốc lên mà nghi ngại đó là núi lửa đang hoạt động.
TS Lê Huy Minh - Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học (Viện Vật lý Địa cầu).
"Để núi lửa hoạt động thì cần phải xác định trên nhiều yếu tố khác nhau như lịch sử vùng đất xem đã từng có núi lửa hoạt động hay chưa. Nếu vùng đất người dân sinh sống là trên miệng núi lửa cũ mà tái hoạt động lại thì là vấn đề lớn nhưng ở Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào như vậy. Việc tự nhiên xuất hiện núi lửa mới trong lòng đất là rất hiếm.
Trước đây, vào khoảng năm 1922 ở Việt Nam cũng đã ghi nhận có 1 trường hợp núi lửa hoạt động ở ngoài biển thuộc khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu, ở vùng đó có những dòng Mắc-ma chảy ngầm mới xuất hiện núi lửa. Còn chuyện xuất hiện hố tử thần thì không thể xuất hiện núi lửa được", TS Lê Huy Minh nói.
Theo TS Minh, để khẳng định chắc chắn được nguyên nhân khiến khói bốc lên nghi ngút trên miệng hố tử thần tại huyện Thanh Ba, Phú Thọ vào chiều ngày 26/8 thì cần phải có đoàn công tác xuống tận nơi để kiểm tra thực địa lòng đất, lịch sử hình thành lòng đất và các yếu tố tác động từ bên ngoài như nhà máy, khu công nghiệp xung quanh vùng đất đó.
"Theo đánh giá của riêng tôi, việc khói bốc lên nghi ngút từ lòng đất có thể là do hai nguyên nhân. Thứ nhất là do bên dưới lòng đất là dòng nước ngầm nóng, khi hố sụt xuống thì khói từ nước bốc lên khiến người dân hiểu nhầm và lo sợ.
Thứ hai có thể là do xảy ra sự va chạm đất đá khi một lượng lớn đất, đá sụt xuống làm xuất hiện bụi bay lên khiến người dân nhầm tưởng đó là khói", ông Minh nhận định.