Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Kết luận của Phó chủ tịch UBND TP HCM Lê Mạnh Hà mới đây nêu rõ, 4 công ty thuộc khối công ích chi lương lãnh đạo cao bất thường, gấp hàng chục lần so với người lao động. Đó là các công ty TNHH một thành viên Thoát nước đô thị, TNHH một thành viên Chiếu sáng công cộng TP HCM, TNHH một thành viên Công trình giao thông Sài Gòn và Công ty công viên Cây xanh.
Giám đốc Công ty Thoát nước đô thị TP HCM lương 2,6 tỷ đồng. Ảnh minh họa
Ông Trần Trọng Huệ, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Chiếu sáng công cộng TP HCM cho biết, doanh nghiệp của ông khác với đơn vị hành chính nhận lương từ ngân sách, thu nhập của người lao động phụ thuộc vào kết quả sản xuất, kinh doanh.
“Tôi khẳng định, tổng quỹ tiền lương của công ty không dư đồng nào từ ngân sách mà là từ kết quả các hợp đồng kinh tế làm được và đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với nhà nước”, ông Huệ nói.
Theo ông Huệ, Công ty Chiếu sáng công cộng TP HCM hiện có hơn 560 cán bộ công nhân viên, toàn thể cán bộ công nhân viên đã thảo luận và đưa vào thỏa ước lao động tập thể, quy chế trả lương của công ty dựa trên các cơ sở quy định của nhà nước. Việc không cào bằng lương đã kích thích tinh thần sáng tạo của mọi người, năm sau doanh thu tăng hơn năm trước. Năm 2012, với vốn điều lệ 82 tỷ đồng, nhưng công ty lãi hơn 130 tỷ đồng.
“Tôi không bàn cao hay thấp mà chỉ nói đến việc đúng hay sai, hưởng lương cao cũng từ sức lao động của người ta. Lương cao mà vi phạm thì tôi chịu trách nhiệm, còn đằng này tôi không xâm phạm đồng nào của Nhà nước”, ông Huệ khẳng định.
Ngoài ra, ông Huệ còn cho biết, quỹ lương của công ty đã được thống nhất và chi trả theo quy chế, không thể yêu cầu công ty trả tiền lương lại cho Nhà nước, mà trả lại cho công nhân. Tuy nhiên, công ty đã thực hiện theo đúng quy chế lương thỏa thuận với công nhân và họ thấy điều đó là hợp lý. "Cho tới thời điểm này tôi chưa nhận được quyết định nào của ủy ban nói về vấn đề trên, tuy nhiên, nếu nhận được yêu cầu tôi sẽ chấp hành đầy đủ", ông Huệ nói thêm.
Theo kết luận của Phó chủ tịch UBND TP HCM, năm 2012, Công ty TNHH một thành viên Chiếu sáng công cộng TP HCM trả lương cho Chủ tịch Hội đồng thành viên Trần Trọng Huệ 2,4 tỷ đồng, Giám đốc 2,2 tỷ đồng, Phó giám đốc 1,9 tỷ đồng và Kế toán trưởng 1,7 tỷ đồng; trong khi lương đối với lao động mùa vụ là 7,8 triệu đồng một tháng.
Còn Công ty TNHH một thành viên Thoát nước đô thị chi lương cả năm 2012 cho Giám đốc là 2,6 tỷ đồng (hơn 200 triệu đồng mỗi tháng), Chủ tịch Hội đồng thành viên 1,6 tỷ đồng, Kế toán trưởng 1,67 tỷ đồng, Phó giám đốc 969 triệu đồng. Trong khi đó, lương bình quân người lao động mùa vụ tại công ty này là 5,4 triệu đồng mỗi tháng.
Công ty TNHH một thành viên Công trình giao thông Sài Gòn chi lương cho Giám đốc được 856 triệu đồng, Chủ tịch Hội đồng thành viên là 853 triệu đồng, lương của Phó giám đốc 584 triệu đồng và Kế toán trưởng 716 triệu đồng mỗi năm. Trong khi lương lao động mùa vụ tại đơn vị này ở mức 4,5 triệu đồng một tháng và lao động thường xuyên là 25,7 triệu đồng một tháng.
Công ty công viên Cây xanh, giám đốc được trả lương 759 triệu đồng mỗi năm, Chủ tịch Hội đồng thành viên 691 triệu đồng, Phó giám đốc 609 triệu đồng và Kế toán trưởng được 655 triệu đồng.
Trong khi mức lương bình quân của các doanh nghiệp nhà nước thuộc TP HCM là 7,3 triệu đồng mỗi tháng thì mức lương bình quân của 4 doanh nghiệp trên là hơn 22 triệu đồng một tháng.
Đánh giá về vấn đề trên, nguyên lãnh đạo một công ty của TP HCM chia sẻ, thông thường ở doanh nghiệp Nhà nước, theo kế hoạch, lương của người quản lý và người lao động khác nhau và chia theo tỷ lệ nhất định. Nếu trong quá trình thực hiện, công ty nhà nước làm ăn thắng lợi, quỹ lương tăng lên thì theo quy định chỉ người lao động hưởng, cán bộ quản lý không được hưởng. Tuy nhiên, nếu người lao động, Ban chấp hành công đoàn thấy rằng, quỹ lương năm nay tăng là do có công sức ban lãnh đạo, họ có quyền đồng ý chi cho người quản lý. "Việc chia từ quỹ lương mà do lợi nhuận có được không ảnh hưởng gì tới Nhà nước nên không có gì phạm luật, đáng để phải thu hồi", ông này nhấn mạnh.
Phó chủ tịch TP HCM Lê Mạnh Hà đã giao Sở Lao động Thương binh Xã hội phối hợp với Sở Tài chính, Sở Xây dựng phân tích nguyên nhân lợi nhuận, thu nhập của các doanh nghiệp công ích cao hơn nhiều so với mặt bằng chung. Ông Huỳnh Tấn Dũng, Chánh thanh tra Sở Lao động Thương binh Xã hội chiều 27/8 cho biết, đã nhận được yêu cầu của thành phố và Sở đang kiểm tra lại hồ sơ 4 doanh nghiệp nói trên để làm rõ các vấn đề liên quan đến chi trả lương, thưởng, luật lao động.
Theo một cán bộ tiền lương của Sở Lao động Thương binh Xã hội TP HCM, Nghị định 50 quy định về quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước làm chủ sở hữu nêu rõ, Tổng giám đốc, Phó giám đốc, Kế toán trưởng làm việc theo hợp đồng lao động thì tiền lương, tiền thưởng được thực hiện theo nguyên tắc thỏa thuận, tách riêng với quỹ tiền lương, tiền thưởng của người lao động và hạch toán vào chi phí kinh doanh của công ty. Công ty cũng không được sử dụng Quỹ tiền lương của người lao động để trả cho thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch Công ty, kiểm soát viên, Tổng giám đốc, Phó giám đốc, Kế toán trưởng. Cả 4 công ty nói trên đều thuộc diện công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước làm chủ sở hữu nên sẽ phải tuân thủ theo quy định này.
Theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia TP HCM, Công ty TNHH một thành viên Thoát nước đô thị và Công ty TNHH một thành viên Công trình giao thông Sài Gòn có hai vi phạm chủ yếu sau:
Thứ nhất, không tuân thủ đúng quy định về ký kết hợp đồng lao động theo quy định tại Bộ luật lao động 1994 được sửa đổi, bổ sung 2002 (BLLĐ). Theo đó, hai công ty này đã ký kết hợp đồng lao động mùa vụ đối với người lao động thường xuyên và không ký hợp đồng lao động xác định thời hạn đối với người lao động đủ điều kiện ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn.
Khoản 2 Điều 8 Nghị định 47/2010/NĐ-CP ngày 06/05/2010 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính về hành vi vi phạm pháp luật lao động quy định trường hợp doanh nghiệp giao kết hợp đồng lao động không đúng loại thì sẽ bị phạt tiền từ 5 đến 7 triệu đồng, khi vi phạm với từ 101 người đến dưới 500 người lao động (trường hợp của Công ty TNHH một thành viên Công trình giao thông Sài Gòn). Trường hợp vi phạm với từ 500 người lao động trở lên thì bị phạt tiền từ 7 đến 10 triệu đồng, (Trường hợp của Công ty TNHH một thành viên Thoát nước đô thị). Ngoài ra, hai công ty này buộc phải tiến hành giao kết đúng loại hợp đồng theo quy định của pháp luật lao động.
Thứ hai, sử dụng quỹ lương của người lao động để chi tiền lương, tiền thưởng cho viên chức quản lý sai quy định. Đối với hành vi này, sau khi xác định được vi phạm cụ thể thì tùy theo tính chất mức độ vi phạm mà có thể xử lý kỷ luật cá nhân liên quan theo quy định pháp luật về viên chức và pháp luật về lao động. Theo đó có thể khiển trách, cảnh cáo, cách chức, buộc thôi việc đối với cá nhân là viên chức hoặc khiển trách, kéo dài thời hạn nâng lương không quá 6 tháng; cắt chức, sa thải đối với cá nhân làm việc theo hợp đồng lao động. Ngoài ra, các Công ty TNHH một thành viên thoát nước đô thị và Công ty TNHH một thành viên công trình giao thông Sài Gòn phải có trách nhiệm bồi hoàn tiền lương, tiền bảo hiểm xã hội và các chế độ khác cho người lao động theo quy định tại thỏa ước lao động tập thể và quy định pháp luật.