Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Không còn bông súng, điên điển mọc trong môi trường tự nhiên, vợ chồng chị Huỳnh Thị Hoa phải khai thác cây lục bình để kiếm sống trong mùa lũ
Trong ký ức của bao thế hệ người dân đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), mùa lũ là mùa làm ăn. Vậy mà giờ đây, hình ảnh ấy đang dần lùi vào quá khứ: lượng cá sụt giảm nghiêm trọng và người nghèo đỏ mắt tìm vẫn khó kiếm được miếng ăn. Ông Hà Văn Ni (50 tuổi), người có trên 30 năm gắn bó với nghề đánh bắt cá mùa lũ ở xã ven biên Vĩnh Hội Đông của huyện đầu nguồn An Phú, An Giang nói: “Cá ít, mà giá lại rẻ”.
Dắt tôi ra thăm miệng dớn có chiều dài lưới lên đến 150m nằm dưới đồng nước sau nhà, ngồi suốt cả buổi sáng, nhưng ông Ni chỉ “đổ” (bắt) được hơn 1kg cá linh non. Theo lời ông Ni, nhiều ngày qua, lượng cá bắt được đủ ăn cho bốn người trong gia đình, hôm nào trúng cũng chỉ khoảng 3-4kg cá - thấp nhất mà ông từng chứng kiến. Không chỉ bị thất mùa, họ còn gánh thêm nạn thất giá. Dù hiện giá bán cá linh non tại các chợ đô thị đang ngất ngưởng 150.000-200.000đ/kg, nhưng do phải trải qua nhiều tầng nấc trung gian, chi phí vận chuyển, nên giá bán tại chỗ rất thấp: dao động ở mức 10.000-20.000đ/kg.
Không chỉ người nghèo gặp khó mà ngay cả “đại gia”, những người có tiền của đầu tư phương tiện đánh bắt quy mô lớn với nhiều lao động… cũng thua lỗ. Ông Nguyễn Văn Đa, trưởng ấp Vĩnh Hòa, xã Vĩnh Hội Đông, cho biết: “Trong ấp có năm-bảy chủ đáy (phương tiện đánh bắt cá quy mô lớn) rao bán điểm khai thác và bán rẻ cả phương tiện”.
Điển hình là trường hợp ông Trần Văn Tờ. Từng là “đại gia” trong làng đánh bắt cá mùa lũ với miệng dớn có chiều dài đường lưới lên đến ba cây số, nhưng sau mấy mùa liên tiếp huề vốn, năm nay, ông Tờ quyết định chia tay vĩnh viễn với nghề cá. Tuy nhiên, theo người trong nghề, ông Tờ còn may mắn, bởi còn bán được phương tiện. Ông Nguyễn Văn Nét (tức Chín Kỳ), xã Phú Lộc, thị xã Tân Châu, An Giang, cách đây vài năm từng được báo chí ca ngợi là “đại gia” sang bên kia biên giới thuê đồng săn cá. Ngôi nhà một thời lắm tôm, đầy cá và người giúp việc… giờ vẫn đó, nhưng cửa thì im ỉm đóng. Chị ruột ông Chín Kỳ sống gần đó cho biết: “Cá ít, chi phí và lệ phí quá nhiều. Thua lỗ liên tiếp “ăn đứt” mấy chục lượng vàng cha mẹ để lại và 20 công đất. Hết vốn liếng, nó bỏ xứ rồi”.
Tình trạng thu hoạch thê thảm tại mùa lũ năm trước
“Thật ra tụi tui đã nhận ra sự bấp bênh và nguy cơ thua lỗ từ nghề đánh bắt cá mùa lũ từ nhiều năm nay rồi, nhưng ngặt nỗi không còn lựa chọn nào khác”, ông Nguyễn Văn Kỷ, trên 30 năm gắn bó với nghề đánh bắt cá mùa lũ ở ấp Vĩnh Hòa, Vĩnh Hội Đông chia sẻ: “Không đất đai, mùa khô cả nhà đi làm thuê kiếm sống qua ngày, nên khi lũ về giữa biển nước mênh mông đầu nguồn này, biết làm gì ngoài việc đánh bắt cá?”. Đó cũng là tâm trạng chung của nhiều người dân sống ven biên này. Ông Nguyễn Văn Đa cho biết: “Toàn ấp có 707 hộ với trên 2.000 nhân khẩu nhưng chỉ có 17ha đất nông nghiệp lại chỉ tập trung vào 30 hộ”. Có thể nói phần lớn người dân địa phương này là “nông dân không đất”. Vì vậy dù muốn hay không, đến mùa lũ, họ cũng phải lấy nghề đánh bắt cá để mưu sinh.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản An Giang, trong 10 năm qua, lượng thủy sản khai thác trong tự nhiên đã sụt giảm đến 60% nên việc kiếm sống của họ ngày càng khó khăn. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, nhưng cơ bản là do “đất sống” của người nghèo đang bị thu hẹp.
Chánh Văn phòng UBND huyện An Phú Nguyễn Văn Dũng cho biết: “Trước đây đa số bà con ven biên sang bên kia biên giới đánh bắt thủy sản, nhưng mấy năm gần đây phía bạn thắt chặt việc quản lý khai thác trong ba tháng đầu mùa lũ (7-10 hàng năm), trong khi đó ở nội địa, nhiều cánh đồng đã được lên đê bao phục vụ sản xuất ba vụ nên không chỉ có lượng cá trong tự nhiên đang ngày sụt giảm nghiêm trọng, mà nhiều sản vật từng giúp người nghèo như: bông súng, điên điển, rau muống đồng… cũng ít đi, khiến cho cuộc mưu sinh của người dân vùng đầu nguồn ngày càng thắt ngặt hơn”. Vì vậy nếu không nhập vào làn sóng bỏ xứ đi làm thuê, buộc lòng họ phải tập trung khai thác trên cánh đồng sót lại để kiếm miếng ăn qua ngày. Chỉ riêng cánh đồng 17ha ở Vĩnh Hòa đã có đến 50 phương tiện đánh bắt cá thường nhật. Lối đánh bắt này không chỉ không mang lại đủ miếng ăn trước mắt cho người dân mà còn ảnh hưởng đến những mùa sau…
Nhiều công trình nghiên cứu nguồn nước trên sông Mekong đã đưa ra cảnh báo: Sau nhiều năm chịu tác động từ biến đổi khí hậu toàn cầu, nước biển dâng… lượng thủy sản trong tự nhiên ở ĐBSCL mùa lũ sẽ ngày càng sụt giảm; đời sống người dân vùng đầu nguồn sẽ bị đe dọa nghiêm trọng nếu nơi đây không sớm tìm ra lời giải cho bài toán phức hợp “nội công ngoại kích”: nạn xây các đập thủy điện trên vùng thượng nguồn, và trong phong trào lên đê bao sản xuất vụ ba tràn lan tại chỗ.