Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Tuy vậy, trong các chiến lược, quy hoạch hay kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội ngắn hạn và dài hạn từ Trung ương đến địa phương, nội dung biến đổi khí hậu phần lớn mới chỉ được ghi nhận dưới dạng các “nguy cơ” và “cảnh báo”, mà chưa đưa ra các giải pháp cụ thể cần phải tiếp tục triển khai.
Nếu nhìn nhận dưới góc độ môi trường xã hội, đặc biệt từ những quyền cơ bản của con người, thì quyền được sống trong an toàn của mình trước các thách thức và rủi ro của biến đổi khí hậu là một yếu tố trung tâm, quan trọng nhằm thực hiện những định hướng phát triển bền vững về kinh tế, môi trường và xã hội ở nước ta trong những năm tới. Theo đó, bất kể điều kiện khí hậu biến đổi như thế nào, con người đều cần nơi cư trú an toàn. Vì vậy, họ phải vừa hạn chế tác hại của thiên tai và biến đổi khí hậu, vừa phải thích nghi với điều kiện khí hậu đang biến đổi này.
Ảnh minh họa
Việt Nam là một trong những quốc gia có khả năng bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Trong đó Đồng bằng sông Cửu Long là 1 trong 3 vùng đồng bằng trên thế giới dễ bị tổn thương nhất khi nước biển dâng. Riêng TP.Hồ Chí Minh có tới trên 20% diện tích có nguy cơ bị ngập, nếu mực nước biển dâng cao 1m vào cuối thế kỷ này.
Do đó, góp ý cho quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của TP.Hồ Chí Minh, các chuyên gia cho rằng chiến lược phát triển đô thị của thành phố cần dung hòa cả 2 mục tiêu, đó là giảm thiểu và thích ứng để có thể chống chịu với biến đổi khí hậu. Đồng thời nên ưu tiên xây dựng đô thị mới trên vùng đất cao và cải tạo các đô thị hiện hữu ở vùng đất thấp, coi đó như một định hướng quan trọng trong tiến trình đô thị hóa của nước ta, nhất là đối với TP. Hồ Chí Minh. Nhưng cho đến nay, phần lớn các đồ án quy hoạch được duyệt ở Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng sông Hồng, vẫn chỉ mới ghi nhận các nguy cơ liên quan đến biến đổi khí hậu, chứ chưa đưa ra được các giải pháp cụ thể.
Trong môi trường tự nhiên đầy biến động, các rủi ro luôn tiềm ẩn, đe dọa cuộc sống và sự an toàn của từng cá nhân, các cộng đồng và cả xã hội. Biến đổi khí hậu thường đi kèm với nhiều loại thiên tai và thảm họa thiên nhiên bất thường. Nên Nhà nước cùng các cộng đồng dân cư phải cùng nhau chủ động chuẩn bị và đối phó. Trên bình diện lý thuyết, vừa phải thích nghi, thích ứng với điều kiện sống gắn liền với biến đổi khí hậu; vừa phải ứng phó, giảm nhẹ rủi ro, thảm họa thiên tai. Còn trên bình diện thực tế, việc quản lý rủi ro thường bao gồm 3 bước: Chuẩn bị, đề phòng, ứng phó và khắc phục hậu quả. Chính vì lẽ đó nên liên quan rất nhiều công việc ở cấp địa phương và cộng đồng. Từ công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, đào tạo kỹ năng, các phương án tổ chức, các trang thiết bị cần thiết cũng như khai thác kinh nghiệm, kiến thức truyền thống của từng địa phương.
Vấn đề đặt ra về giải pháp chính sách hiện nay trong lĩnh vực quản lý môi trường và giảm nghèo, đó là khi xây dựng kế hoạch dài hạn cần phải chú ý lồng ghép các hoạt động quản lý thảm họa. Bên cạnh các biện pháp công trình, các biện pháp phi công trình cần được chú trọng hơn. Chẳng hạn tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức, đào tạo kỹ năng, lập bản đồ rủi ro, thiết lập hệ thống cảnh báo sớm tại các địa phương.
Biến đổi khí hậu còn có thể gây ra nhiều bệnh tật do hậu quả của các dạng thiên tai như sóng nhiệt, nắng nóng, bão lũ, hạn hán... Nhiều loại bệnh, dịch có thể gia tăng, nhất là các bệnh nhiệt đới truyền qua vật trung gian như sốt rét, sốt xuất huyết, viêm não, các bệnh đường ruột và bệnh khác. Biến đổi khí hậu có thể làm tăng tốc độ sinh trưởng và phát triển nhiều loại vi khuẩn và côn trùng, vật chủ mang bệnh, làm gia tăng số người bị bệnh nhiễm khuẩn lây lan. Những bệnh này đặc biệt phát tán nhanh ở những vùng kém phát triển, đông dân cư và có tỷ lệ đói nghèo cao.
Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, có đến 1/3 bệnh bùng phát ở trẻ em trên toàn cầu là do biến đổi các yếu tố về không khí, đất, nước và thực phẩm; 34% trẻ em bị bệnh và 36% trẻ em dưới 14 tuổi bị chết trên thế giới là do các yếu tố về môi trường; 5 triệu trẻ em chết do bệnh có liên quan đến ô nhiễm không khí; tỷ lệ mắc hen toàn cầu tăng gấp đôi trong 15 năm qua do tăng ô nhiễm môi trường.
Ngoài ra các thảm họa thiên nhiên đang gia tăng về cường độ và tần số với quy mô phá hoại lớn, còn ảnh hưởng gián tiếp đến sức khỏe do ô nhiễm môi trường, suy dinh dưỡng, mắc các bệnh nhiễm khuẩn. Thậm chí còn gây những sang chấn tâm thần mạnh đối với trẻ em, khi các em phải chứng kiến cảnh người thân bị chết, nhà cửa bị tàn phá...trong thảm họa do biến đổi khí hậu gây nên. Nên ngành y tế sẽ có thêm những nhiệm vụ mới, những quan tâm mới về bảo đảm sức khỏe cho người dân, đặc biệt là trẻ em trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày một hiện hữu, đã và đang gây tác động thực tế tới sức khỏe cùng như các mô hình bệnh tật của con người.