Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Cao Bằng: Người dân “lạnh nhạt” với trồng rừng vì không bán được gỗ

(10:41:37 AM 25/08/2013)
(Tin Môi Trường) - Cao Bằng là tỉnh có tiềm năng phát triển kinh tế lâm nghiệp rất lớn với tổng diện tích lâm nghiệp khoảng trên 64 nghìn km2, thổ nhưỡng, khí hậu rất phù hợp với nhiều loại cây rừng.

Một góc Cao Bằng- Ảnh minh họa IE

 

 Để tận dụng tiềm năng to lớn đó, tỉnh Cao Bằng đang đề ra mục tiêu đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng, lấy lâm nghiệp làm đòn bẩy phát triển kinh tế cho nông dân. Tuy nhiên, liên tiếp những năm gần đây, chỉ tiêu trồng rừng của tỉnh Cao Bằng luôn đạt mức thấp so với kế hoạch đề ra. Năm 2013, tỉnh đề ra mục tiêu khá “khiêm tốn”, trồng mới hơn 1.500 ha rừng. Nhưng đến nay, dù đã có nhiều cố gắng, cả tỉnh cũng chỉ trồng được 153 ha, bằng hơn 10% kế hoạch năm. 

Nói về vấn đề này , ông Hoàng Thái, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Bằng cho biết: Có nhiều nguyên nhân khiến cho tiến độ trồng rừng luôn đạt thấp. Trong đó, nguyên nhân cơ bản nhất là do giá gỗ rừng trồng thấp. Hiện nay, giá gỗ rừng chỉ khoảng 400 nghìn đồng/tấn mà cũng rất khó bán. Trong khi đó, diện tích đất trống, đồi trọc của Cao Bằng không còn nhiều, muốn trồng được rừng phải đầu tư nhiều tiền của, công sức xử lý thực bì. Mặt khác, việc khai thác rừng gặp nhiều khó khăn vì không có đường giao thông vào các khu vực trồng rừng, tuyến đường vận chuyển gỗ từ các huyện đến nơi tiêu thụ lại xa, giá cước vận chuyển cao, nên trồng và khai thác rừng không có lãi. Bên cạnh đó, tỉnh Cao Bằng cũng khó khăn về giống cây trồng, cả tỉnh chỉ có một số ít cơ sở nhỏ sản xuất giống cây lâm nghiệp, không đủ cung cấp cho sản xuất. Một phần giống được nhập về từ các tỉnh khác, nhưng vẫn không đủ và gây bị động cho công tác trồng rừng, khó khăn cho việc quản lý chất lượng cây giống.

Hiện nay, diện tích đất trồng rừng ở Cao Bằng chủ yếu là đất đã có cây rừng tái sinh (nhóm gỗ 1c), do vậy muốn trồng rừng mới phải xử lý thực bì, chặt bỏ những cây gỗ tái sinh này. Tuy nhiên, việc khai thác tận thu gỗ rừng nhóm 1c của nhân dân lại gặp nhiều khó khăn vì không bán được gỗ, nên người dân không tiến hành trồng mới. Về mặt chủ quan, sự thay đổi chủ đầu tư, thành lập mới Ban Quản lý dự án, hoặc kiện toàn lại Ban Quản lý cấp huyện cũng gây xáo trộn, ảnh hưởng đến tiến độ trồng rừng.

Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng đã chỉ đạo ngành nông nghiệp tổ chức trồng rừng sớm, củng cố lại các vườn gieo ươm cây giống lâm nghiệp, tăng cường chỉ đạo các địa phương đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ trồng rừng theo kế hoạch.

(TTXVN)