Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Ưu tiên kinh tế hay môi trường?

(23:32:07 PM 23/08/2013)
(Tin Môi Trường) - Phải mất hơn 10 năm, cả nước mới có thể xử lý dứt điểm hơn 300 doanh nghiệp sản xuất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Thế nhưng, nhiều năm qua lại phát sinh hàng ngàn doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường khác. Đâu là nguyên nhân dẫn đến thực trạng này? Chúng tôi đã trao đổi với PGS-TS Nguyễn Văn Phước, Viện trưởng Viện Môi trường và Tài nguyên (Đại học Quốc gia TPHCM).

Sản xuất phải tuân thủ các quy định bảo vệ môi trường. (Trong ảnh: Hệ thống xử lý nước thải tại Công ty cổ phần Kido được bộ phận chuyên môn kiểm tra). Ảnh: Cao Thăng

 

Tôn trọng yếu tố lịch sử

 

- Phóng viên: Chỉ trong vòng hơn 10 năm, cả nước phát sinh hơn 3.000 doanh nghiệp gây ô nhiễm mới. Theo ông, đâu là nguyên nhân chính của thực trạng này?

 

>> PGS-TS NGUYỄN VĂN PHƯỚC: Việc thống kê cũng như xử lý doanh nghiệp (DN) gây ô nhiễm môi trường phải xét trên yếu tố lịch sử tồn tại. Từ thập niên 90 của thế kỷ 20, việc kêu gọi đầu tư ồ ạt tại các tỉnh, thành không bao gồm các yêu cầu về bảo vệ môi trường. Đến năm 1995, Luật Bảo vệ môi trường mới được thiết lập nhưng các quy định cũng như việc thực thi luật còn lỏng lẻo. Do đó, hầu hết các DN giai đoạn này đều không đầu tư hệ thống xử lý chất thải. Tại TPHCM, tính đến năm 2000 có đến 29.000 DN đầu tư nhưng rất ít DN quan tâm đến yếu tố bảo vệ môi trường. Đến năm 2003, cả nước thực hiện lập danh sách các DN gây ô nhiễm nghiêm trọng. Số còn lại có gây ô nhiễm, chỉ có điều không ở mức nghiêm trọng. Và đến thời điểm hiện tại, khi yêu cầu chất lượng môi trường cao hơn, tiêu chuẩn môi trường khắt khe hơn, cộng với việc nhiều DN vốn trước đây có quy mô đầu tư sản xuất nhỏ nhưng hiện đã mở rộng quy mô sản xuất hơn nên số DN gây ô nhiễm môi trường theo tiêu chuẩn mới thống kê lên đến hơn 3.000 DN.

 

- Nhưng có ý kiến cho rằng việc phát sinh hơn 3.000 DN gây ô nhiễm mới là do sự bất cập của luật và hệ thống quản lý môi trường còn yếu và thiếu?

 

Con số 3.000 DN gây ô nhiễm mới phần lớn là do yếu tố lịch sử để lại. Còn bắt đầu từ năm 2005 đến nay, khi thực hiện theo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) thì con số DN ô nhiễm không nhiều. Bởi theo quy định, một DN trước khi đầu tư xây dựng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. Báo cáo này phải nêu được các phương án xử lý chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất và được cơ quan chức năng thẩm định, phê duyệt nếu đạt yêu cầu. Sau đó, DN phải xây dựng theo đúng như báo cáo được phê duyệt và được cơ quan chức năng thẩm định xác nhận hoàn thành. Trong quá trình hoạt động nếu vi phạm sẽ bị điều chỉnh theo nghị định xử phạt hành vi vi phạm môi trường. Vậy phải nói về mặt pháp lý đảm bảo an toàn cho môi trường là khá chặt chẽ.

 

Tuy nhiên, cũng không ngoại trừ những DN vẫn cố tình vi phạm môi trường vì tham lợi nhuận, vì thiếu hiểu biết liên quan đến các vấn đề an toàn môi trường, thiếu vốn và diện tích đất đầu tư, thậm chí có DN bị đơn vị tư vấn lừa đầu tư công nghệ xử lý chất thải không đảm bảo chất lượng. Và một phần do cơ quan chức năng còn lỏng lẻo trong quản lý tạo cơ hội cho những DN né tránh trách nhiệm bảo vệ môi trường.

 

Cân nhắc lợi ích kinh tế khi xử lý

 

- Cho dù là tồn tại bởi yếu tố lịch sử hay chủ quan của lãnh đạo DN thì thời điểm hiện tại cũng rất khó để chấp nhận việc DN sản xuất nhưng gây ô nhiễm môi trường. Vậy theo ông, cần có giải pháp nào để có thể xử lý dứt điểm tình trạng DN ô nhiễm mới phát sinh?

 

Đã nói đến thời điểm thì cần phải nhấn mạnh rằng, đây là thời điểm kinh tế đang suy thoái. Bất kỳ những tác động nào liên quan đến kinh tế đều ảnh hưởng rất lớn đến vấn đề an sinh xã hội. Và việc xử lý DN gây ô nhiễm môi trường cũng phải dựa trên căn bản này. Trên thực tế, thời gian qua, việc các DN vi phạm môi trường có những yếu tố khách quan và chủ quan. Sự suy thoái kinh tế khiến đầu ra sản phẩm của DN không ổn định. Mặt khác, hoạt động sản xuất phải dựa trên đơn hàng nhưng đơn hàng lúc có lúc không. Thực tế này cũng rất khó để DN đảm bảo chi phí duy trì hoạt động xử lý chất thải. Trong khi hoạt động vận hành xử lý chất thải phải được duy trì thường xuyên, liên tục, nếu bị gián đoạn thì chất lượng xử lý chắc chắn không thể đảm bảo. Do vậy, hiện nay việc xử lý DN gây ô nhiễm môi trường chỉ nên dừng lại ở việc xử phạt vi phạm hành chính. Tránh sử dụng những biện pháp mạnh như đóng cửa, truy tố hình sự… vì như thế sẽ gây tổn hại cho hoạt động kinh tế, làm tăng thêm khó khăn đối với DN.

 

- Với giải pháp ưu tiên ổn định kinh tế mà du di cho hành vi vi phạm môi trường như trên liệu có thỏa đáng, thưa ông?

 

Quan trọng là chọn thời điểm nào để đặt ưu tiên trước cho bài toán kinh tế hay môi trường. Thời điểm kinh tế khó khăn như hiện nay, nếu đóng cửa DN thì điều đầu tiên xảy ra là gia tăng tình trạng thất nghiệp, phát sinh tệ nạn, gây mất an ninh trật tự xã hội. Mặt khác, kinh tế tụt hậu, suy thoái thì lấy đâu chi phí để bảo vệ môi trường. Do vậy, thời điểm này, cần thiết phải ưu tiên cho phát triển kinh tế. Chỉ có điều, không được để khoảng cách giữa phát triển kinh tế và suy thoái môi trường đi quá xa. Vì có những tổn hại đến môi trường không thể phục hồi được. Giải pháp toàn vẹn nhất vẫn là ưu tiên cho kinh tế nhưng với những ngành sản xuất phát sinh chất thải độc hại như hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, chất hữu cơ bền… có nguy cơ gây tổn thương vĩnh viễn đến môi trường thì kiên quyết phải xử lý nghiêm bằng cách nếu vi phạm thì buộc đóng cửa.

 

- Cảm ơn ông!

ÁI VÂN – THANH NGÂN (báo SGGP)