Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Xử lý tranh chấp môi trường ngoài tòa án ở Việt Nam: Chưa đồng bộ về thể chế và thiếu công cụ hỗ trợ -Ảnh minh họa IE
* Chưa đồng bộ về thể chế và thiếu các công cụ hỗ trợ
Nghiên cứu của Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho thấy, các tranh chấp thường liên quan đến ô nhiễm điện, nước, không khí, đất, hủy hoại tài nguyên.. gây tác hại về thu nhập, sức khỏe, thu hẹp cơ hội việc làm, giảm chất lượng môi trường sống. Người dân sống quanh khu vực sản xuất của các nhà máy, công ty gây ô nhiễm thể hiện sự phản đối, gây sức ép đối với các đơn vị gây ô nhiễm.
Những phát hiện chủ yếu qua nghiên cứu điểm là việc thực hiện không chặt chẽ về môi trường khi thẩm định cấp phép đầu tư, đầu tư không đúng hoặc quá công suất được cấp phép. Các doanh nghiệp thiếu hoặc không tuân thủ đánh giá tác động môi trường, không có hệ thống xử lý hoặc có nhưng lại không đủ công suất, cũng như thiếu sự giám sát thường xuyên của cơ quan quản lý môi trường. Thực tế các quy định về đánh giá tác động môi trường, giám sát bảo vệ môi trường doanh nghiệp lỏng lẻo, các chế tài xử lý chưa đủ mạnh trong khi đó việc thanh tra, kiểm tra chưa nghiêm, phân nhiệm cơ quan giám sát chưa phù hợp. Ý thức pháp luật của bên gây hại chưa tuân thủ hoặc thực hiện chưa nghiêm, họ vi phạm và chấp nhận chế tài hiện hành.
Tiến sĩ Nguyễn Trung Thắng, Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường nhấn mạnh: Về thể chế còn thiếu các văn bản pháp lý quy định thống nhất, cụ thể cơ chế giải quyết tranh chấp ngoài tòa án từ quy trình, các bước, vai trò của các bên tham gia giải quyết tranh chấp; thiếu cơ quan có chức năng chủ trì hoặc làm đầu mối xử lý tranh chấp môi trường ngoài tòa án có thể chủ động trong việc huy động các bên tham gia, có các điều kiện nguồn lực cần thiết khác phục vụ cho công tác xử lý tranh chấp. Việc giải quyết tranh chấp vẫn mang nặng sắc thái áp đặt hành chính của các cơ quan công quyền, không có chức năng giải quyết tranh chấp ngoài tòa án.
Cơ chế hành chính đang tồn tại nghịch lý là xã không có chức năng giải quyết, gửi đơn thư lên huyện thì huyện không có trách nhiệm trả lời. Dân khiếu kiện vì bức xúc lại không có kiến thức chuyên môn, không được hỗ trợ pháp lý nên bức xúc càng lớn, có khuynh hướng họp nhau lại cùng đấu tranh, tạo sức ép với doanh nghiệp và cho rằng, phải kiện lên cấp cao nhất mới có kết quả. Người dân sau đó thường có các hành vi vi phạm như biểu tình, gây sức ép, phong tỏa hoạt động doanh nghiệp, phá hoại cây trồng, thả vật nuôi...
Hiện nay, các công cụ hỗ trợ để xác định thiệt hại do tác động của suy thoái môi trường về tài sản, sức khỏe, thu nhập, mức độ trong lành của môi trường sống còn thiếu hướng dẫn cụ thể. Chưa có phương pháp và quy chuẩn xác định mức độ ô nhiễm mùi dẫn đến giải quyết tranh chấp gặp khó khăn. Việc đánh giá, xác định mức độ thiệt hại đến vật nuôi, cây trồng thiếu cơ sở khoa học, thường chỉ là thỏa thuận. Bồi thường thiệt hại về sức khỏe thực hiện theo quy định của pháp luật dân sự nhưng khó khăn liên quan đến việc chứng minh mức độ tác động, ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường đến sức khỏe. Bồi thường chất lượng môi trường sống dựa trên đề xuất của người dân và kiến nghị chính quyền giải quyết, song đến nay chưa có công cụ hỗ trợ.
* Hoàn thiện công tác giải quyết tranh chấp
Nhóm các nhà nghiên cứu thuộc Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường cho rằng, hoàn thiện công tác giải quyết tranh chấp môi trường ngoài tòa án ở Việt Nam cần nhất thể hóa quy trình giải quyết, hoàn thiện cơ sở pháp lý, bộ công cụ hỗ trợ cũng như tăng cường cơ chế ngăn ngừa và giám sát thực hiện pháp luật nhằm hạn chế việc phát sinh tranh chấp; hỗ trợ tăng cường năng lực cho hệ thống cơ quan chức năng về giải quyết tranh chấp.
Về cơ sở pháp lý, thành lập tại mỗi cấp một cơ quan, tổ chức chuyên tư vấn, làm trung gian hòa giải khi xảy ra tranh chấp, như lập Trung tâm xử ý tranh chấp thuộc Ủy ban nhân dân huyện, trực tiếp chịu sự điều hành của lãnh đạo huyện; xây dựng mới và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật quy định về giải quyết tranh chấp. Trung gian, hòa giải môi trường cần được tổ chức thực hiện một cách khách quan, minh bạch, có sự tham gia đầy đủ của các bên liên quan và các đại diện quyền lợi cho người dân và doanh nghiệp, gồm các cơ quan quản lý nhà nước liên quan, các nhà khoa học về môi trường, tổ chức nghề nghiệp ở địa phương, tổ chức xã hội, cộng đồng dân cư và các hộ gia đình trực tiếp chịu ảnh hưởng.
Việt Nam cần xây dựng, ban hành Sổ tay hướng dẫn xử lý tranh chấp môi trường ngoài tòa án áp dụng trong điều kiện hành chính của Việt Nam; nghiên cứu xây dựng, bổ sung các phương pháp lấy mẫu đo đạc, đánh giá ô nhiễm nhất là ô nhiễm không khí; đánh giá thiệt hại về môi trường, đặc biệt là ảnh hưởng đến sức khỏe và môi trường sống. Nếu có thể xác định mức ô nhiễm mà vượt ngưỡng phải xử lý bằng phương pháp thay thế hoặc loại bỏ như đóng cửa, di dời, đền bù ở vị trí khác. Đồng thời phải quy định rõ phương thức đền bù, thỏa thuận đền bù trong các trường hợp hòa giải có đền bù đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho bên bị hại.
Công tác thông tin về môi trường cần được minh bạch hóa cho dân cư. Trong trường hợp tranh chấp đang trong quá trình xử lý việc giám sát thực hiện nghĩa vụ bảo vệ môi trường của doanh nghiệp, ngoài chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng cần có sự tham gia của các tổ chức xã hội, dân chúng trên địa bàn trên tinh thần minh bạch, dân chủ và hợp tác...Việt Nam cũng cần nghiên cứu để lập Tòa án môi trường ở các cấp để thực hiện việc phân xử, hòa giải theo đúng tính chất của xử lý tranh chấp.