Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
- Thưa ông, xin ông cho biết khả năng áp dụng sản xuất sạch hơn trong các khu công nghiệp hiện nay? Ông đánh giá như thế nào về mối quan tâm của các doanh nghiệp đối với vấn đề này?
Ông Trần An: Đặc điểm của sản xuất sạch hơn là có thể áp dụng được với mọi loại hình công nghiệp, mọi qui mô doanh nghiệp và không phân biệt hình thức sở hữu, do đó hoàn toàn có thể áp dụng sản xuất sạch hơn cho các doanh nghiệp trong khu công nghiệp.
Về mối quan tâm của doanh nghiệp, cần phân biệt hai nhóm doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất là nhóm doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và nhóm doanh nghiệp Việt Nam.
Với nhóm các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, đa phần họ có năng lực quản lý tốt, có ý thức tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường; việc áp dụng các hệ thống quản lý như ISO 9001, ISO 14001 đối với họ được phổ biến như một chuẩn mực chung. Đặc biệt, vì thường là một phần trong chuỗi cung ứng toàn cầu của các thương hiệu lớn nên các doanh nghiệp nhóm này chịu áp lực rất lớn về mặt cạnh tranh. Họ luôn phải cải tiến để đáp ứng yêu cầu các bên liên quan, trong đó có việc áp dụng các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên/năng lượng, giảm giá thành sản phẩm, ứng phó kịp thời với các biến động từ bên ngoài thông qua kiểm soát có hệ thống các quá trình sản xuất. Trên thực tế, đây chính là những biện pháp áp dụng sản xuất sạch hơn mặc dù có thể nhiều doanh nghiệp không biết rằng họ đang làm điều đó.
Với nhóm doanh nghiệp Việt Nam (không có yếu tố đầu tư nước ngoài), đa phần năng lực quản lý còn khá hạn chế, đặc biệt là tư duy quản lý hệ thống; việc áp dụng các hệ thống quản lý như ISO 9001, ISO 14001 tại nhiều doanh nghiệp chỉ mang tính hình thức, đối phó. Đặc biệt, thị trường của nhóm đối tượng này đa phần giới hạn trong nước, nơi mà tính minh bạch còn nhiều vấn đề, do đó sự cạnh tranh sòng phẳng giữa các doanh nghiệp chưa thực sự là yếu tố quyết định đến sự tồn tại của doanh nghiệp.
Trong tình hình như vậy, các doanh nghiệp Việt Nam tuy có quan tâm tới việc nâng cao hiệu quả sản xuất, bao gồm cả các kỹ thuật sản xuất sạch hơn nhưng không nhiều doanh nghiệp thực sự áp dụng sản xuất sạch hơn. Và họ thường đưa ra vô vàn lý do để lý giải cho điều đó.
- Với những nhóm doanh nghiệp chưa thực sự coi trọng sản xuất sạch hơn, đâu là những khó khăn chính trong việc vận động họ áp dụng, thưa ông?
Ông Trần An: Khó khăn trước tiên là về mặt nhận thức. Nhiều doanh nghiệp nhận thức chưa đầy đủ về sản xuất sạch hơn, họ cho rằng sản xuất sạch hơn là hoạt động bảo vệ môi trường thuần túy nên ngại tham gia.
Ngoài ra, có một nghịch lý là khi đã thực sự hiểu về sản xuất sạch hơn và các lợi ích mà sản xuất sạch hơn có thể mang lại thì các doanh nghiệp lại trông chờ vào các nguồn vốn hỗ trợ từ nhà nước. Lý do của tình trạng này là từ khi sản xuất sạch hơn được giới thiệu vào Việt Nam (giữa những năm 1990) cho tới nay, hầu hết các chương trình triển khai sản xuất sạch hơn tại doanh nghiệp đều thông qua các chương trình/dự án có sự tài trợ của các tổ chức quốc tế, các nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức. Điều này làm cho nhiều doanh nghiệp có suy nghĩ là “cho tôi tiền thì tôi mới áp dụng sản xuất sạch hơn”. Suy nghĩ này hoàn toàn sai lầm bởi vì thực tế đã chứng minh không nhất thiết phải có tiền mới có thể áp dụng sản xuất sạch hơn.
Khó khăn thứ hai xuất phát từ môi trường kinh doanh. Chừng nào môi trường kinh doanh chưa thực sự minh bạch, lành mạnh thì việc áp dụng các giải pháp cải tiến vào sản xuất chưa được quan tâm đúng mức. Thực tế đã có doanh nghiệp nói rằng “việc áp dụng các công cụ cải tiến sản xuất như sản xuất sạch hơn là câu chuyện của tương lai vì nó đòi hỏi phải đầu tư thời gian, trí tuệ…, còn trước mắt, doanh nghiệp có nhiều cách để giảm chi phí hoạt động nhanh hơn như lách thuế, không xử lý chất thải…!”.
- Nhằm khắc phục những khó khăn cố hữu nêu trên, theo ông, việc thúc đẩy thực hiện sản xuất sạch hơn cần nhận được sự hỗ trợ gì thêm về mặt chính sách, tài chính, công nghệ?
Ông Trần An: Theo tôi, về mặt chính sách, Nhà nước cần có các chính sách khuyến khích phù hợp như cấp chứng nhận cho các doanh nghiệp áp dụng tốt sản xuất sạch hơn, đồng thời xây dựng các tiêu chuẩn sản phẩm sạch/thân thiện môi trường hay hỗ trợ về mặt thông tin.
Về tài chính, hiện nay đã hình thành một số quỹ thương mại ưu đãi tín dụng cho việc áp dụng sản xuất sạch hơn như quỹ của Công ty tài chính quốc tế IFC phối hợp với một số ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, cần có cơ chế khuyến khích phát triển các tổ chức hỗ trợ theo mô hình ESCo (Energy Service Company) để đẩy mạnh hoạt động hỗ áp dụng sản xuất sạch hơn trong doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp.
Về hỗ trợ kỹ thuật, đây có lẽ là hoạt động cần ưu tiên thúc đẩy nhất. Doanh nghiệp thường nêu lý do thiếu vốn để thực hiện sản xuất sạch hơn, vì vậy việc hỗ trợ kỹ thuật thông qua hoạt động hỗ trợ đào tạo, tư vấn (hỗ trợ mềm) sẽ góp phần khuyến khích sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp.
- Việc lồng ghép mục tiêu sử dụng hiệu quả năng lượng trong sản xuất sạch hơn ở các khu công nghiệp được thể hiện như thế nào, thưa ông?
Ông Trần An: Không có sự khác biệt giữa các doanh nghiệp nằm trong hay ở ngoài các khu công nghiệp trong việc lồng ghép các mục tiêu sử dụng năng lượng hiệu quả và sản xuất sạch hơn.
Mục tiêu của sử dụng năng lượng hiệu quả là cải tiến liên tục hiệu quả sử dụng năng lượng trong doanh nghiệp, ví dụ như giảm chi phí năng lượng hoặc giảm suất tiêu thụ năng lượng trên một đơn vị sản phẩm. Trong khi đó, mục tiêu của sản xuất sạch hơn vừa hướng đến cải tiến hiệu quả sử dụng các tài nguyên (bao gồm cả năng lượng), vừa giảm các tác động tiêu cực tới môi trường thông qua giảm phát thải.
Từ đó, có thể thấy việc lồng ghép mục tiêu sử dụng năng lượng hiệu quả và sản xuất sạch hơn sẽ diễn ra hoàn toàn tự nhiên trong quá trình thực hiện. Đơn cử như việc cải tiến hoặc đổi mới công nghệ lò hơi để giảm lượng than tiêu thụ đồng thời giảm phát thải khí thải, chất thải rắn (xỉ than); kiểm soát tốt quá trình sản xuất để giảm tiêu thụ nước sẽ góp phần giảm lượng nước thải và giảm tiêu thụ năng lượng (điện) phục vụ cho việc bơm nước; tuần hoàn/tái xử dụng năng lượng (nhiệt khói thải, nước ngưng…) đều mang lại hiệu quả sử dụng năng lượng và giảm tiêu thụ tài nguyên (than, nước) và giảm phát thải (xỉ than, bụi, nước thải…).
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý trong một vài trường hợp, mục tiêu sử dụng năng lượng hiệu quả sẽ mâu thuẫn với mục tiêu sản xuất sạch hơn. Ví dụ như để giảm chi phí năng lượng, doanh nghiệp chuyển từ việc sử dụng dầu sang dùng than cho lò đốt (than rẻ hơn dầu), khi đó có thể sẽ đạt được mục tiêu giảm chi phí năng lượng nhưng sẽ dẫn đến nguy cơ tăng các tác động tiêu cực đến môi trường vì khí thải do đốt than có mức độ ô nhiễm cao hơn khi sử dụng dầu.
Tóm lại là trong quá trình thực hiện, doanh nghiệp cần xem xét và đánh giá các đề xuất cải tiến ở cả ba khía cạnh: kỹ thuật, kinh tế và môi trường để đảm bảo hài hòa các lợi ích.
Xin chân thành cảm ơn ông!