Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Vấn đề bảo tồn hổ đang được lãnh đạo thế giới quan tâm
“Chúng tôi nhất trí với mục tiêu đã nêu về việc tăng cường hiệu quả các quy định nghiêm cấm buôn bán hổ hiện hành nhằm mục tiêu tận diệt mọi hoạt động buôn bán các bộ phận, sản phẩm và dẫn xuất của hổ. Điều này đóng vai trò rất quan trọng trong việc đạt được mục tiêu nhân đôi số lượng hổ vào năm 2022”, cán bộ điều hành ITC, bà Judy Mills cho biết.
“Chúng tôi luôn sẵn sàng giúp đỡ và hỗ trợ các quốc gia có hổ sinh sống trong việc xây dựng và thực hiện các chiến lược nhằm đảm bảo chấm dứt tất cả các hoạt động buôn bán các bộ phận và dẫn xuất của hổ.”
Để chào mừng sự kiện mang tầm lịch sử và chưa từng có này, ITC sẽ ủng hộ hết mình cho các quốc gia có hổ sinh sống và các thành phần tham gia khác nhằm đạt được mục tiêu cuối cùng của Diễn đàn là nhân đôi số lượng quần thể hổ vào năm 2022.
Hổ trong tự nhiên phải đối mặt với cơn khủng hoảng sinh tồn do bị mất sinh cảnh và sự mất dần các con mồi trong tự nhiên và đặc biệt là do nạn săn bắt để đáp ứng nhu cầu buôn bán các bộ phận và sản phẩm của hổ với lợi nhuận khổng lồ tại thị trường chợ đen.
Mặc dù trên thực tế, các điều luật quốc gia và quốc tế đều quy định hầu hết các hoạt động buôn bán bộ phận, sản phẩm và dẫn xuất của hổ đều là trái phép, nhưng hổ vẫn bị giết hại và các bộ phận và sản phẩm của hổ tự nhiên và hổ gây nuôi tiếp tục bị đưa vào thị trường chợ đen.
Do đó, ITC rất vui mừng với những phát biểu trong buổi lễ tuyên bố của St. Peterburg và Chương trình Phục hồi Quần thể Hổ Toàn cầu - Cả hai sự kiện sẽ được đưa vào trong Diễn đàn - đó là đấu tranh chống lại tội phạm liên quan đến hổ và xóa bỏ nhu cầu về các sản phẩm và bộ phận của hổ.
Bà Judy Mills cho biết thêm: “Chúng tôi cũng hoàn toàn nhất trí với những đề xuất mới đây của các quốc gia thành viên của Công ước Buôn bán Quốc tế các Loài Động Thực vật Hoang dã Nguy cấp (CITES) và Cảnh sát Quốc tế (INTERPOL) liên quan đến hoạt động buôn bán hổ, tăng cường các chiến dịch thực thi pháp luật dựa trên thông tin tình báo, tăng cường hợp tác giữa các cơ quan thực thi pháp luật, các chiến dịch hướng vào đối tượng người tiêu dùng nhằm giảm thiểu nhu cầu đối với các sản phẩm từ hổ, và ngăn chặn buôn bán trái phép các bộ phận và dẫn xuất từ hổ được gây nuôi.”
Liên minh Toàn cầu về hổ là liên minh bao gồm 42 tổ chức phi chính phủ họat động trong lĩnh vực môi trường, sở thú, phúc lợi cho loài vật, thuốc đông y, pháp lý hình sự, và cộng đồng du lịch có trách nhiệm, đại diện chung cho hàng triệu thành viên trên tòan thế giới.
13 nước có hổ trên thế giới bao gồm Nga, Bangladesh, Bhutan, Campuchia, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Nepal, Thái Lan, và Việt Nam.