Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Lâm Đồng: Sản xuất theo công nghệ cao trong xây dựng nông thôn mới ở Cát Tiên Tin ảnh

(10:42:31 AM 21/08/2013)
(Tin Môi Trường) - Tại huyện Cát Tiên, với lợi thế về đất đai, khí hậu, kinh nghiệm của người dân và sự chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện, sự giúp đỡ hỗ trợ của các ngành chức năng cấp trên, Ban chỉ đạo (BCĐ) xây dựng nông thôn mới (NTM) huyện đã xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm của chương trình xây dựng NTM là tổ chức sản xuất theo công nghệ cao. Bước đầu thực hiện nhiệm vụ trọng tâm này đã mang lại kết quả rất khả quan.


Để sản xuất theo công nghệ cao đạt được kết quả cao, BCĐ xây dựng NTM huyện Cát Tiên chọn những địa phương hội đủ các yếu tố thuận lợi về nhân lực, vật lực, điều kiện thuận lợi về đất đai, thủy lợi để xây dựng điểm, làm cơ sở cho việc đúc rút kinh nghiệm nhân rộng trên toàn địa bàn huyện. Theo đó, các xã Phù Mỹ, Đức Phổ, Quảng Ngãi, Phước Cát I, Phước Cát II, Gia Viễn và TT Đồng Nai được chọn làm điểm xây dựng NTM. Trên cơ sở được chọn làm điểm, các xã nói trên xây dựng “Đề án phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân”. 

 

Nội dung của Đề án tập trung vào những lĩnh vực quan trọng như: Chọn lựa cây trồng thích hợp, huy động nguồn lực của toàn xã hội để đầu tư các hạng mục phục vụ sản xuất như hồ, đập, kênh mương thủy lợi nội đồng, đường GTNT, các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp với đặc điểm của từng địa phương, từng phương thức sản xuất như: HTX, tổ hợp tác sản xuất. 

 

Theo đề án, hai loại cây trồng chủ lực được lựa chọn để đầu tư phát triển là lúa và cây dược liệu diệp hạ châu. Ngoài ra, tại một số địa phương có đồng bào DTTS, ngoài cây lúa nước, còn có một số cây trồng khác như bắp, hoa màu, đậu đỗ. 

 



Về sản xuất lúa chất lượng cao, thực hiện chủ trương của huyện, các địa phương đã triển khai thực hiện mô hình cánh đồng mẫu tổ chức sản xuất lúa chất lượng cao theo quy trình Gap, phục vụ thương hiệu “Lúa gạo Cát Tiên”. 

 

Trên cơ sở những kinh nghiệm đúc rút được từ mô hình sản xuất thí điểm cánh đồng mẫu 20 ha lúa chất lượng cao tại xã Gia Viễn năm 2011, UBND huyện chỉ đạo Trung tâm Nông nghiệp huyện tổ chức hội thảo và mở hàng chục lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật gieo trồng, thâm canh lúa chất lượng cao theo quy trình Gap cho hàng trăm lượt hộ nông dân tại các địa phương được chọn thực hiện “Đề án phát triển sản xuất trong xây dựng NTM”. 

 

Với sự chỉ đạo đó, năm 2012, huyện Cát Tiên đã tổ chức sản xuất cánh đồng mẫu với diện tích 400 ha, từ nguồn vốn hỗ trợ đầu tư của ngân sách huyện 50%, nông dân đối ứng 50%. Tiếp tục nhân rộng cánh đồng mẫu, năm 2013, UBND huyện Cát Tiên giao cho các xã, TT trong huyện tổ chức sản xuất 500 ha cánh đồng mẫu, trong đó vụ hè thu 40 ha, vụ mùa sắp đến 181,3 ha, vụ đông xuân 2013-2014: 278,7 ha. 

 

Trong sản xuất cánh đồng mẫu, ngoài việc phải có quy trình sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hết sức chặt chẽ, khoa học dưới sự kiểm tra, giám sát thường xuyên của các kỹ thuật viên nông nghiệp, đòi hỏi phải có nguồn nước sạch, nên các địa phương đã đầu tư sửa chữa, xây dựng mới hệ thống kênh mương nội đồng, đảm bảo việc tưới tiêu, chống ngập úng đồng bộ, hiệu quả cho đồng ruộng.

 

Cùng với việc sản xuất lúa chất lượng cao, sản xuất, nhân rộng cây dược liệu diệp hạ châu theo quy trình VietGap tại các địa phương: Phước Cát I; II, Đức phổ, Phù Mỹ, Quảng Ngãi, Mỹ Lâm, Gia Viễn và TT Đồng Nai cũng là sự quan tâm triển khai thực hiện của huyện Cát Tiên trong xây dựng NTM.

 

 Trong kế hoạch phát triển 30 ha của huyện, hiện nay các địa phương đã tái canh, trồng mới được 13,45 ha, với sản lượng ước đạt trên 44 tấn. Ngoài 2 cây trồng chủ lực nói trên, tại một số địa phương điều kiện tự nhiên, năng lực đầu tư, kinh nghiệm sản xuất của người dân khó khăn hơn, huyện Cát Tiên chủ trương kết hợp giữa sản xuất lúa nước với sản xuất ngô giống mới. Bước đầu mang lại kết quả khá khả quan.

 

Từ chỗ hiệu qủa kinh tế của sản xuất theo công nghệ cao được nâng cao, cho phép thu nhập của người nông dân không những nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, mà còn nâng cao được sức đóng góp trên mọi lĩnh vực trong xây dựng NTM. Đó là lý do giải thích tại sao Cát Tiên là một trong những địa phương còn nhiều khó khăn, nhưng đến nay cũng đã có xã Phù Mỹ đạt 15/19 tiêu chí quốc gia về NTM, có 4 xã đạt từ 10-12 tiêu chí và 6 xã đạt từ 4-9 tiêu chí về NTM. 

 

Tuy nhiên, cũng theo ông Trần Nam Dân, việc phát triển sản xuất theo công nghệ cao trong xây dựng NTM của huyện Cát Tiên vẫn còn nhiều việc phải làm, đó là: Quy hoạch đồng ruộng thật sự đồng bộ, khoa học, hệ thống hạ tầng cơ sở phục vụ sản xuất, đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật nông nghiệp, ứng dụng khoa học tiên tiến, thị trường ổn định cho việc tiêu thụ “Lúa - gạo Cát Tiên”… Những công việc này đòi hỏi phải có nguồn lực và thời gian. 


(Theo Lâm Đồng Online)