Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Góp ý về giải quyết tranh chấp môi trường ở Việt Nam

(15:05:45 PM 20/08/2013)
(Tin Môi Trường) - Ngày 20/8, tại Hà Nội, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam phối hợp với Viện Chiến lược, chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), tổ chức hội thảo góp ý báo cáo “Nghiên cứu về giải quyết tranh chấp môi trường ở Việt Nam và kiến nghị giải pháp hoàn thiện”. Đại diện Quỹ châu Á tại Việt Nam và đông đảo các chuyên gia về lĩnh vực môi trường đã tham gia hội thảo.



Cần phải minh bạch thông tin để dân rõ, không đẩy họ vào thế buộc phải thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.- Ảnh minh họa IE

 

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho rằng: Giải quyết tranh chấp môi trường là vấn đề mới, phức tạp, bức xúc và chưa có nhiều nghiên cứu. Các nước trên thế giới đều vấp phải vấn đề này. Thực tế có những vụ việc rất phức tạp chưa thể giải quyết, như xử lý tranh chấp về nguồn gen chưa có vụ kiện nào trên thế giới thành công. Đây là vấn đề đòi hỏi nhiều nghiên cứu và sự đóng góp của các chuyên gia, để tiếp tục đưa Luật Tài nguyên môi trường và Luật Đa dạng sinh học vào cuộc sống.


Các đại biểu cùng điểm lại một số vụ tranh chấp điển hình về môi trường ở Việt Nam, cũng như đưa ra kinh nghiệm từ các nước. Trong đó Nhật Bản là một trong số ít các quốc gia có Luật Tranh chấp môi trường. Trong khi đó Việt Nam chỉ có một điều trong Luật quy định về vấn đề này. Cần tham khảo Nhật Bản như cách thức tổ chức phải minh bạch hay phải thành lập một tổ chức, hoặc cơ quan ngoài tòa án chuyên tư vấn hòa giải độc lập ở các cấp, trước hết là cấp cơ sở có công quyền.


Trên cơ sở các nghiên cứu trong và ngoài nước, các chuyên gia cho rằng cần phân biệt các cấp độ giữa mâu thuẫn, tranh chấp và xung đột; nên thành lập tòa án môi trường. Trong mối quan hệ này, người dân không có tiếng nói, các đơn kiến nghị không có hiệu quả vì vậy cần phải minh bạch thông tin để dân rõ, không đẩy họ vào thế buộc phải thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Chuyển nghĩa vụ chứng minh hậu quả cho doanh nghiệp để đẩy vụ việc đến tòa án gây nhiều phiền phức, nên buộc doanh nghiệp phải đứng ra chứng minh, lúc đó sẽ tăng vai trò của trung gian hòa giải. Tranh chấp môi trường còn phải bao hàm cả đa dạng sinh học chứ không nên bó hẹp về ô nhiễm.

(TTXVN)