Nghiên cứu cho biết các khu rừng từ Tây Ban Nha tới Thụy Điển đang ngày càng già cỗi, cùng với đó cây cối giảm hấp thụ các khí thải vốn là nguyên nhân khiến nhiệt độ Trái Đất tăng cao, làm dâng mực nước biển và gia tăng các trận lụt lội và hạn hán.
Các đám cháy rừng, các trận bão và sâu bọ cũng đe dọa sự phát triển của các cánh rừng. Tại nhiều khu vực ở châu Âu, nạn chặt phá rừng đang diễn ra phổ biến.
Tất cả những yếu tố trên đồng nghĩa với việc các khu rừng châu Âu sẽ không thể tiếp tục hấp thụ nhiều khí phát thải cácbon từ các công xưởng, nhà máy điện và phương tiện đi lại. Theo ước tính, các khu rừng hiện chỉ hấp thụ khoảng 10% khí thải của khu vực châu Âu.
Tiến sĩ Gert-Jan Nabuurs, thuộc Đại học và Nghiên cứu Wageningen của Hà Lan, trưởng nhóm nghiên cứu quốc tế gồm các nhà khoa học Phần Lan, Thụy Sĩ và Italy, dự báo thời điểm bão hòa hấp thụ khí CO2 của các khu rừng ở châu Âu có thể xảy ra năm 2030 trừ khi các chính phủ hành động khẩn cấp để cứu các cánh rừng già.
Châu Âu là khu vực có nhiều cây xanh nhất từ nhiều thế kỷ qua với những khu rừng bao phủ diện tích rộng nhất kể từ thời Trung cổ nhờ công cuộc trồng trọt tái thiết lục địa sau sự tàn phá của Chiến tranh Thế giới thứ II.
Tuy nhiên, những số liệu từ năm 2005 cho thấy sự phát triển của những khu rừng này diễn ra chậm lại, cây cối đang già đi. Cây cối hấp thụ khí từ không khí và giữ cácbon trong thân cây, rễ cây, cành cây. Chúng giảm độ hấp thụ khi già đi và hoàn thải khí cácbon ra môi trường khi chết và thối rữa.
Các chuyên gia biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc cho rằng khí thải CO2 do loài người tạo ra là nguyên nhân chính làm tăng nhiệt độ Trái Đất từ năm 1950.
Ông Nabuurs cho rằng cần có sự quản lí tốt hơn mới có thể giải quyết được tình trạng rừng già châu Âu. Ông cũng kiến nghị việc khai thác có tuyển chọn hay trồng thêm cánh rừng mới để mở rộng diện tích rừng ở lục địa già.
Liên minh châu Âu đặt mục tiêu tới năm 2020, sẽ giảm 20% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính so với mức năm 1990. Kế hoạch này nằm trong nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế làm chậm quá trình nóng lên của Trái Đất.
Theo một báo cáo quốc tế công bố năm 2011, tổng khối lượng gỗ gia tăng hàng năm trong các khu rừng ở châu Âu đã giảm còn 609 triệu mét khối vào năm 2010 so với mức 620 triệu mét khối của năm 2005.