Trả lời câu hỏi khi người dân chia sẻ bức xúc vì bị thiếu thông tin pháp luật nên có tâm lý không biết mình sai, bị xử phạt oan, gây bất bình. Cụ thể với quy định xử phạt xe chính chủ.
Bộ trưởng Hà Hùng Cường chia sẻ, bản thân ông cũng thấy bất ngờ đúng vào ngày Nghị định có hiệu lực.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường
"Bản thân tôi cũng nhận được phản hồi của người dân, thậm chí là Đại biểu Quốc hội về quy định đó và tỏ ra bức xúc vì bất ngờ, khi chưa chuẩn bị đủ tiền cho mức xử phạt cao như vậy nên bị giữ xe lại, phải chờ đợi…", ông Cường nói.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Cường cho rằng đây không phải là quy định mới, vì trong Nghị định 34 năm 2010 của Chính phủ đã có quy định về “xử phạt hành vi không chuyển quyền sở hữu đối với phương tiện là mô tô và ô tô”.
Theo Nghị định 71 năm 2012 thì mức phạt tăng lên gấp 5 - 8 lần. Khi đó người dân mới chú ý. Ở đây đúng là có vấn đề về phổ biến giáo dục pháp luật.
Bộ trường Hà Hùng Cường cho biết thêm, tháng 6/2012, Quốc hội đã thông qua Luật Phổ biến giáo dục pháp luật và có hiệu lực từ 1/1/2013.
Lần này Luật mới chỉ có quyết định ở cấp Trung ương, cấp tỉnh, huyện và cấp huyện phải có trách nhiệm hướng dẫn cho cấp xã thực hiện.
Từ khi Luật được thông qua cho đến nay, Bộ Tư pháp đã tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và trong quyền hạn của mình có thể có các giải pháp đồng bộ để đưa Luật vào cuộc sống, thực thi quyền được tiếp cận pháp luật của công dân.
Bộ cũng thống nhất lấy ngày 9/11 hàng năm là Ngày pháp luật. Mục đích tổ chức là để tôn vinh Hiến pháp và pháp luật, qua đó giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật của cán bộ công chức, viên chức và người dân. 364 ngày còn lại của năm, với một Nhà nước pháp quyền thì ngày nào cũng là “ngày pháp luật”.
"Mặc dù năm nay rất khó khăn, Chính phủ chỉ đạo chống lãng phí và các hoạt động mang tính hình thức, nhưng vì ý nghĩa lịch sử của ngày 9/11 nên chúng tôi sẽ báo cáo đề nghị Thủ tướng cho phép tổ chức “Ngày pháp luật” đầu tiên mang tính quốc gia vào ngày 9/11/2013", Bộ trưởng Cường cho biết thêm.
Theo quy định tại thông tư 11/2013/TT –BCA, từ 15/4 hành vi không chuyển quyền sơ hữu sẽ có thể bị phạt lên đến 10 triệu đồng. Cụ thể, thông qua công tác đăng ký, cấp biển số; điều tra, giải quyết tai nạn giao thông; qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; nếu công an phát hiện người mua hoặc người bán không làm thủ tục sang tên, di chuyển, thay đổi đăng ký xe theo quy định tại Thông tư của Bộ Công an quy định về đăng ký xe trong thời gian 30 ngày sẽ bị xử phạt 800.000 - 1.200.000 đồng (với mô tô, xe máy) và 6 - 10 triệu đồng (với ô tô).
Trong khi đó, Nghị định 34 của Chính phủ đã được áp dụng trước đó 2 năm thì mức phạt thấp. Đối với mô tô là từ 100 - 200.000 đồng và ô tô là 1 triệu đến 1,2 triệu đồng.