Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Bình Định: Tìm giải pháp “đánh thức” Hội Vân Tin ảnh

(10:09:51 AM 18/08/2013)
(Tin Môi Trường) - Suối nước nóng Hội Vân thuộc thôn Hội Vân, xã Cát Hiệp, huyện Phù Cát, cách TP Quy Nhơn trên 40 km. Ðây là nguồn tài nguyên thiên nhiên quý, có thể khai thác để chữa bệnh, phát triển du lịch… Hiện nay, ngoài việc khai thác nguồn nước khoáng nóng phục vụ chữa bệnh ở Bệnh viện Ðiều dưỡng và phục hồi chức năng Bình Ðịnh (BVÐD-PHCNBÐ) - trước đây là Nhà Ðiều dưỡng Hội Vân - đến nay tiềm năng du lịch (DL) ở suối nước nóng Hội Vân vẫn còn bỏ ngỏ…

Theo truyền thuyết dân gian, Hội Vân là suối nước mà thần tiên đã ban tặng cho một công nương trong hoàng tộc Chămpa để chữa bệnh, nên còn có tên gọi là suối Tiên. Dòng suối chạy dài trên 600 m, nước nóng từ các mạch tự nhiên phun trào, nhiệt độ từ 70 - 800, rồi hòa cùng nước suối bên ngoài tạo thành một dòng nước ấm áp…

 

Du khách tham quan một mạch nước khoáng nóng tại suối nước nóng Hội Vân.

 

Tiềm năng DL còn bỏ ngỏ

 

Theo tài liệu nghiên cứu về nước khoáng, nước vi lượng khoáng nóng có tác dụng chữa bệnh. Chỉ định điều trị khi dùng uống ở các trường hợp viêm túi mật, viêm ruột già và viêm đường tiết niệu. Trong cách dùng để tắm, nước có tác động của yếu tố lý học nhiệt học, giảm đau, tiêu viêm mãn tính, chống co thắt cơ nhẵn và cơ vân. Chỉ định điều trị tắm nước vi khoáng nóng ở các bệnh thần kinh ngoại biên như viêm dây thần kinh, viêm đa dây thần kinh, di chứng của viêm đa dây thần kinh và bại liệt, đau khớp sau tai nạn hay bất động sau khi bó bột…

 

Trên cơ sở những kết luận này, đơn vị nghiên cứu về nước khoáng của Bộ Y tế (trước đây) đã khuyến nghị thành lập các cơ sở điều dưỡng ở những địa phương có nguồn nước khoáng nóng lộ thiên. Năm 1978, Nhà Điều dưỡng Hội Vân đã được thành lập. Sau năm 1991, Bộ Y tế có chủ trương đổi mới công tác điều dưỡng, và sau đó Nhà Điều dưỡng Hội Vân đã trở thành BVĐD-PHCNBĐ đến hiện nay. Tuy tên chính thức là vậy, song nhiều người vẫn gọi nơi đây là khu điều dưỡng Hội Vân, bởi nó ở bên cạnh suối nước nóng Hội Vân, gắn với các kỹ thuật điều trị bằng nước nóng, như thủy trị liệu, nhiệt trị liệu…

 

Tài nguyên suối khoáng Hội Vân tuy được quan tâm, song lâu nay ngoài khai thác phục vụ hoạt động chữa bệnh của BVĐD-PHCNBĐ thì chưa có giải pháp phát triển DL có hiệu quả. Hoạt động DL ở đây còn tự phát, dịch vụ manh mún, tạm bợ. Hiện khu vực này còn khá hoang sơ, vệ sinh môi trường chưa được chú trọng; cảnh quan chưa được đầu tư chỉnh trang, tôn tạo; chỉ có một số hộ dân xây dựng mấy khu hàng quán phục vụ khách ăn uống, giải khát. Riêng BVĐD-PHCNBĐ cũng chưa có điều kiện làm dịch vụ DL, vì cơ chế còn vướng, vì thiếu điều kiện hạ tầng…

 

Bác sĩ Võ Viết Ánh, Giám đốc BVĐD-PHCNBĐ, cho biết: “Thời gian qua, đã có nhiều đoàn khách đến liên hệ với bệnh viện với nhu cầu nghỉ dưỡng và DL tại đây,  song bệnh viện không thể đáp ứng được nhu cầu này vì không có chức năng kinh doanh, không có kinh nghiệm phục vụ khách DL; cơ sở hạ tầng nơi đây cũng chưa thể đáp ứng được nhu cầu ăn ở của du khách. Cảnh quan còn hoang sơ, chưa được thiết kế, xây dựng, chỉnh trang, tôn tạo một cách bài bản… Để khai thác có hiệu quả nguồn nước nóng mà thiên nhiên đã ban tặng, chúng tôi rất mong các tổ chức, cá nhân đầu tư nâng cấp, cải tạo khu vực suối để đáp ứng nhu cầu tham quan, DL, vừa góp phần phát triển DL Bình Định, vừa tạo điều kiện giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương”.

 

Tìm giải pháp “đánh thức” Hội Vân

 

Trong một cuộc hội thảo “mi ni” tại BVĐD-PHCNBĐ nhân dịp ngành DL tỉnh tổ chức khảo sát DL tại đây, bà Nguyễn Thị Thanh Bình, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho rằng: “Trước mắt, trên cơ sở vật chất hiện có của BVĐD-PHCNBĐ, có thể từng bước đưa vào khai thác phục vụ DL. Kêu gọi các doanh nghiệp DL tham gia xã hội hóa, đầu tư những hạng mục hạ tầng thiết yếu để phục vụ DL chữa bệnh. Về lâu dài, ngành Y tế tỉnh nên nghiên cứu giao hẳn cơ sở này cho ngành DL tỉnh, để phát triển thành một cơ sở DL chữa bệnh, tạo thành một điểm đến hấp dẫn của DL Bình Định”.  

 

Ông Nguyễn Tấn Hiểu, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, rất đồng tình với ý kiến của bà Nguyễn Thị Thanh Bình, và đề nghị lấy tên gọi BVĐD-PHCN Hội Vân, không nên bỏ cái “thương hiệu” Hội Vân. Nơi đây có cảnh quan đẹp, thơ mộng, có suối khoáng nóng ngay bên cạnh, có hạ tầng kỹ thuật tương đối đầy đủ, bên cạnh công tác chữa bệnh còn có thể đưa vào khai thác DL bằng cách “lấy ngắn nuôi dài”. Cần quan tâm chỉnh trang, tôn tạo cảnh quan xanh sạch đẹp hơn. Cần đầu tư cải tạo khu vực suối nước nóng Hội Vân xứng tầm với một điểm tham quan, DL.

 

 

Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL: Với tiềm năng của khu vực suối nước nóng Hội Vân, cùng cơ sở hạ tầng của BVĐD-PHCNBĐ, nếu đầu tư đúng mức thì Hội Vân sẽ trở thành một điểm đến DL hấp dẫn, góp phần cùng với các điểm đến khác trên địa bàn tỉnh thu hút du khách đến Bình Định nhiều hơn. Sở VH-TT-DL sẽ kiến nghị UBND tỉnh quan tâm đầu tư hạ tầng thiết yếu cho khu vực suối khoáng Hội Vân và cho phép xây dựng dự án phát triển DL tại đây. Cần kêu gọi xã hội hóa, mời các nhà đầu tư, các doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển dịch vụ DL chữa bệnh tại Hội Vân. Hiệp hội DL Bình Định sẽ phối hợp với BVĐD-PHCNBĐ có kế hoạch phát triển hoạt động DL kết hợp chữa bệnh ở đây. Trước mắt, từ nay đến 2015 sẽ nỗ lực đưa Hội Vân trở thành một điểm đến phục vụ du khách nghỉ ngơi, giải trí cuối tuần, thưởng thức dịch vụ vật lý trị liệu, tắm nước khoáng…

BVĐD-PHCNBĐ có tổng diện tích 6 ha, gồm khu điều trị 2 ha, rừng đệm 2 ha và 2 ha dành cho phát triển hạ tầng phục vụ DL. Về trang thiết bị phục vụ chữa bệnh, có 10 buồng tắm nước khoáng (nước tự chảy từ một giếng khoan sâu 128 m, nhiệt độ nước khoáng ban đầu là 840) gồm các hồ tắm ngâm, tắm vòi sen, hồ tạo sóng; 2 buồng xông hơi khô và ướt… Khu vật lý trị liệu với 6 giường massage điện cùng nhiều thiết bị phụ trợ, sóng ngắn, siêu âm, laser… Riêng đội ngũ chuyên khoa trị liệu có 12 bác sĩ và kỹ thuật viên. Nếu ngành chủ quản cho phép, cơ sở vật chất này ngoài phục vụ chữa bệnh, còn có thể khai thác phục vụ DL.

(Theo Bình Định Online)