Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Người giữ hồn cho dân tộc Cor

(08:53:30 AM 17/08/2013)
(Tin Môi Trường) - Tuy đã gần 80 tuổi, nghệ nhân Hồ Thị Bảy còn rất nhanh nhẹn, yêu đời. Khi biết chúng tôi muốn tìm hiểu về Kèn amáp, muốn được nghe tiếng Kèn của bà, bà liền lấy Kèn và thổi cho chúng tôi nghe bài amáp ru con.

 Hiện nay, cùng với sự phát triển của xã hội hiện đại, những giá trị văn hóa dân tộc ngày càng bị mai một dần. Đối với người phụ nữ dân tộc Cor ngày xưa, tiếng Kèn amáp rất gần gũi thân thuộc nhưng hiện nay, thế hệ trẻ lại rất ít người biết chơi loại nhạc cụ này. Bà Hồ thị Bảy ở thôn Trà Nga, xã Trà Phong, huyện Tây Trà (Quảng Ngãi) là một trong những nghệ nhân chơi amáp hay nhất còn lại nơi đây. Cùng với người cháu là Hồ Thị Lâm, bà mong mỏi được truyền lại tiếng kèn độc đáo này cho con cháu nhưng người theo học vẫn còn rất kén. 

 

Tuy đã gần 80 tuổi, nghệ nhân Hồ Thị Bảy còn rất nhanh nhẹn, yêu đời. Khi biết chúng tôi muốn tìm hiểu về Kèn amáp, muốn được nghe tiếng Kèn của bà, bà liền lấy Kèn và thổi cho chúng tôi nghe bài amáp ru con. Nghệ nhân Bảy cho biết: Ngày xưa, khi con nhỏ quấy khóc, người mẹ lấy amáp ra thổi, nghe tiếng kèn du dương réo rắt, đứa con im lặng và chìm vào giấc ngủ. 

 

Ảnh minh họa

 

Kèn amáp là loại nhạc cụ độc đáo và rất đặc trưng của người Cor, chỉ người Cor mới có và chỉ có phụ nữ Cor mới dùng loại nhạc cụ này. Kèn amáp được làm từ thân của một loại cây mà đồng bào Cor gọi là cây amáp. Cây amáp mọc khắp nơi trên các sườn đồi ở các huyện Trà Bồng và Tây Trà, những thân cây già, thẳng được chọn để làm Kèn amáp. Kèn amáp dài khoảng 30cm, tiết diện bằng đầu nhọn của chiếc đũa ăn cơm. Một đầu để trống, đầu còn lại được bịt kín bằng sáp ong tạo lưỡi gà dài khoảng 2 phân, để khi thổi, hơi sẽ làm lưỡi gà rung lên, tạo nên những âm thanh rất đặc trưng của loại nhạc cụ này. Cách làm Kèn amáp tương đối đơn giản, nhưng để làm được kèn hội đủ các yếu tố về cung bậc âm thanh trầm, trung, cao và trên hết là trong đạt đến độ chuẩn là rất khó, hiện nay không còn nhiều người biết làm nhạc cụ này, bà Bảy cho biết.

 
Thường ngày, bà Bảy vẫn cùng với người cháu của mình là Hồ Thị Lâm chơi amáp. Kèn amáp có những bài chỉ cần một người thổi như bài "Amáp ru con", lúc này người thổi ngậm đầu gốc. Nhưng có những bài như "Đi làm nương rẫy", "Bảo vệ nương rẫy", "Đi lấy con dâu mới" thì phải thổi 2 người, lúc này đầu gốc dành cho người thổi, còn đầu ngọn dành cho người trò chuyện, hai người có thể đổi đầu cho nhau. Đây cũng là một nét độc đáo của Kèn amáp khi diễn tấu. Khi thổi đôi, vai trò của người trò chuyện là quan trọng nhất, đòi hỏi kỹ thuật cao và khả năng nói. 


Đối với người Cor ở Quảng Ngãi, tiếng Kèn amáp là một trong những nét văn hóa ăn sâu trong tiềm thức. Trong sinh hoạt của đời sống, lễ, hội của người Cor đều có tiếng amáp. Thế nhưng cùng với sự phát triển của đời sống xã hội hiện đại làm cho khoảng cách giữa vùng miền ngày càng rút ngắn. Một bộ phận thanh thiếu niên đồng bào Cor không còn mấy mặn mà với các nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình. Không để cho những tiếng đàn, tiếng hát đậm bản sắc dân tộc bị mất đi, bà Bảy vẫn kiên trì hướng dẫn và truyền nghề cho con cháu. Bà luôn khát khao có được những lớp học hướng dẫn cho con cháu người Cor về sử dụng và biểu diễn nhạc cụ dân tộc Cor trong đó có tiếng Kèn amáp. Tuy nhiên, dù rất muốn tìm người để truyền lại tiếng kèn này cho đời sau nhưng ngay cả con cháu trong nhà cũng chỉ học được vài hôm lại thôi. Em Hồ Thị Lâm đang được bà Bảy chỉ dạy cách thổi amáp cho biết: Cháu là người theo học cách thổi amáp từ mấy năm nay nhưng đến nay cháu mới chỉ thổi được những bài đơn giản và âm thanh nghe chưa trong trẻo. Một số bạn cũng từng theo học cách thổi amáp, nhưng không được bao lâu thì đều bỏ hết. Theo cháu, để biết thổi amap thì không khó, nhưng để thổi hay thì rất khó, đòi hỏi người học phải thường xuyên luyện tập và hơn hết là sự say mê với nhạc cụ này. 


Tiếng Kèn amáp ngân vang hòa với tiếng vi vu của gió ngàn, tạo nên sự thanh thản trong tâm hồn. Tiếc là, thế hệ trẻ hiện nay chưa thấy hết giá trị của nhạc cụ đặc sắc và độc đáo này. Các ngành chức năng cần sớm có những giải pháp hữu hiệu để cùng với những nghệ nhân giàu tâm huyết bảo tồn những giá trị văn hóa của dân tộc, làm tài sản tinh thần vô giá cho đời sau.

TTXVN