Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Việt Nam chỉ còn dưới 30 cá thể hổ hoang dã hiện đang phân bố rải rác ở một số vườn quốc gia và khu bảo tồn, chủ yếu ở biên giới các tỉnh miền Trung, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) cho biết.
Báo cáo của ENV được công bố mới đây cho biết, từ năm 2005 tới nay, các cơ quan chức năng đã tịch thu được 29 con hổ (hoặc các bộ phận của một con hổ, không bao gồm các tiêu bản để trang trí như đầu, móng vuốt, răng và da) từ các vụ buôn bán, vận chuyển trái phép.
Số hổ bị tịch thu chủ yếu là hổ đông lạnh, được gây nuôi từ các trang trại, cơ sở kinh doanh, hoặc có nguồn gốc từ nước ngoài; không có con hổ nào xác nhận có nguồn gốc hoang dã ở Việt Nam. Điều này phản ánh mức độ suy giảm nghiêm trọng quẩn thể hổ trong tự nhiên của Việt Nam.
Trong khi đó, tình trạng săn bắt, buôn bán, vận chuyển hổ ngày một gia tăng. Theo thống kê của Cục cảnh sát môi trường Bộ Công an, cả nước chỉ còn 95 cá thể hổ đang được nuôi nhốt trong trang trại, vườn thú và rạp xiếc. Cá thể hổ sinh sống ngoài tự nhiên, ước khoảng 30 con. “Việt Nam đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng về hổ”, ông Trần Việt Hưng, cán bộ ENV, nhấn mạnh.
Về nguyên nhân theo ông Hưng, mặc dù đã có những quy định chống săn bắn hổ từ năm 1963 (Nghị định 39/CP), đưa hổ vào nhóm 1B (Nghị định 18/HĐBT) – nhóm các động vật nguy cấp năm 1992, nhưng quần thể hổ nước ta vẫn suy giảm là do chưa kiểm soát chặt được nạn săn bắn và nhu cầu tiêu dùng của xã hội không hề giảm.
Loài hổ Việt Nam trước nguy cơ tuyệt chủng. Ảnh: EVN
“Những người buôn bán hổ trái phép chủ yếu cung cấp cho các đối tượng môi giới để làm cao hổ. Giá của cao hổ pha với xương của những loài ĐVHD khác dao động từ 7-17 triệu đồng/lạng, hầu hết được bán trong nước, không xuất khẩu ra nước ngoài”, bà Nguyễn Thị Vân Anh thuộc ENV nói.
ENV trích lời một người chuyên nấu cao hổ: “Hiện nay, mua hổ đông lạnh ở Việt Nam rất dễ”. Chỉ cần một vài cuộc điện thoại và một số địa chỉ tham khảo, với khoảng 350 triệu đồng tiền mặt, hoặc một chuyến đi cửa khẩu biên giới Cầu Treo giữa Lào và Việt Nam sẽ mua được một con hổ trên 100 kg".
Ông Hưng cho biết, phần lớn hổ bị tịch thu từ những vụ buôn bán, vận chuyển có nguồn gốc từ các trang trại gây nuôi hổ lớn ở Lào, Thái Lan, Myamar và cả Malaysia.
Trên thế giới, trong 100 năm qua số lượng hổ đã giảm 97% và hiện chỉ còn khoảng 3.200 con hổ còn sống trên thế giới. Các nhà khoa học cảnh báo hổ có thể tuyệt chủng trong vòng 12 năm tới.