Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Ông Riethmacher Guenter, Giám đốc, Trưởng Đại diện Tổ chức Hợp tác Kỹ thuật Đức (GTZ) nói: “Mục tiêu của dự án là bảo tồn đa dạng sinh học, tạo ra cân bằng giữa đa dạng sinh học và sinh kế của dân.”
Chính phủ Đức cam kết bảo tồn đa dạng sinh học không chỉ tại Đức mà cả ở các nước khác, thể hiện qua hơn 190 dự án tại các nước, trong đó có Việt Nam.
Ngân sách giai đoạn I, phía Đức đóng góp 3 triệu euro và vốn đối ứng của Việt Nam là khoảng 300.000 euro.
Dự án này giúp tư vấn về mặt thể chế, chính sách và nâng cao năng lực cán bộ cho các cơ quan nhà nước có liên quan trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học hệ sinh thái rừng cũng như các khu bảo tồn được lựa chọn (các khu vực thí điểm), qua đó cải thiện khuôn khổ pháp lý cho bảo tồn đa dạng sinh học, nâng cao năng lực cán bộ, và tăng cường thể chế.
Các hoạt động của dự án hướng tới làm rõ chức năng, nhiệm vụ, đồng thời thúc đẩy sự hợp tác, phối hợp tốt hơn nữa giữa các cơ quan nhà nước có liên quan trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học, qua đó nhằm cải thiện việc xây dựng và thực thi pháp luật.
Dự án, hoạt động trong ba năm, được triển khai tại Vườn Quốc gia Ba Bể thuộc tỉnh Bắc Cạn và Khu Bảo tồn Thiên nhiên Na Hang thuộc tỉnh Tuyên Quang, Khu Bảo tồn Thiên nhiên Phù Hu và Pù Luông (tỉnh Thanh Hóa), Vườn Quốc gia Bạch Mã (tỉnh Thừa Thiên Huế) và các vùng đệm thuộc các khu vực bảo tồn này.
Ngoài ra, dự án còn nghiên cứu và thí điểm cơ chế tài chính cho các khu bảo tồn, đồng thời hỗ trợ việc xây dựng cơ chế chia sẻ lợi ích nhằm đảm bảo nguồn tài chính bền vững cho các hoạt động bảo tồn và sinh kế của dân địa phương.
Những cơ chế này sẽ được thử nghiệm ít nhất một khu thí điểm. Trên cơ sở đó rút ra những bài học kinh nghiệm để nhân rộng và làm cơ sở cho việc tư vấn về thể chế, chính sách.
“Tính đa dạng sinh học đang bị mất đi trên phạm vi toàn cầu do trái đất nóng lên.” Ts Jurgen Hess nói, “Dự án này có thể coi là một đóng góp quan trọng của Chính phủ Đức trong nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam.”
Ts Trần Thế Liên, Vụ trưởng Vụ Bảo tồn Thiên nhiên, Giám đốc Dự án, cho biết nếu giai đoạn một thành công, dự án sẽ kéo dài thêm sang giai đoạn hai, giai đoạn ba, tức tới năm 2020.
Từ năm 1994, Việt Nam đã được công nhận là một trong 16 quốc gia có tính đa dạng sinh học cao nhất thế giới. Gần hai thập kỷ qua, nhiều loài động vật mới được phát hiện tại Việt Nam.
Trong các hệ sinh thái trên cạn, theo thống kê, có trên 13.200 loài thực vật, hơn 10.000 loài động vật, trên 3.000 loài thuỷ sinh vật. Việt Nam là nơi cư trú của 1/10 tổng số loài chim, thú, và cá đã được biết đến trên thế giới.
Theo thống kê năm 2009, Việt Nam có 13,2 triệu ha rừng, trong đó 2,9 triệu ha rừng trồng và hơn 10 triệu rừng tự nhiên. |