Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng
Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) có vai trò vô cùng quan trọng trong quản lý bảo vệ môi trường quốc gia. Dự thảo sửa đổi Luật BVMT 2005 (dưới đây gọi tắt là Dự thảo sửa đổi) đã được Ban Dự thảo nghiên cứu biên soạn rất công phu, đã có nhiều Hội thảo góp ý, Dự thảo sửa đổi đã được sửa chữa nhiều lần. Một trong các ưu điểm của Dự thảo sửa đổi là đã đưa ra các quy định chặt chẽ, đầy đủ hơn về Đánh giá Môi trường Chiến lược (ĐMC) và bổ sung một Mục mới về Quy hoạch Môi trường (QHMT). Tuy vậy, vẫn còn một số vấn đề cần phải bàn luận thêm để Luật sửa đổi được hoàn thiện hơn. Dưới đây chúng tôi xin trao đổi về các quy định ĐMC và QHMT trong Dự thảo sửa đổi (Dự thảo số 4).
I. Ý kiến về các quy định Đánh giá Môi trường Chiến lược (ĐMC): Như mọi người đều biết, hiện nay phần lớn các báo cáo ĐMC có chất lượng rất hạn chế, chỉ có giá trị minh họa hoặc làm thủ tục để các dự án Chiến lược hay Quy hoạch phát triển KT-XH của các tỉnh/ thành hay phát triển Ngành được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án. Rất ít báo cáo ĐMC có đề xuất điều chỉnh hay loại bỏ các dự án thành phần đã có trong Quy hoạch, như là mục tiêu quan trọng của ĐMC đề ra, mặc dầu dự án thành phần đó không rõ về hiệu quả kinh tế, nhưng tác động rất xấu đến môi trường và xã hội. Thực chất nhiều dự án không được gắn kết với BVMT, không đảm bảo PTBV nhưng lại được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây là điều thực sự nguy hiểm, có thể gây hệ lụy xấu lâu dài. Một trong các nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do các quy định về ĐMC trong Luật BVMT (2005) còn chưa nêu đầy đủ yêu cầu về nội dung và chất lượng ĐMC. Vì vậy, Dự thảo sửa đổi rất coi trọng việc sửa đổi các quy định về ĐMC là hoàn toàn chính xác. Trong Luật BVMT 2005 ĐMC được quy định trong 4 điều (Điều 14, 15, 16, và 17), trong Dự thảo sửa đổi ĐMC cũng được quy định trong 4 điều (Điều 13, 14, 15, và 16). Nhưng tên gọi và nội dung cụ thể của 4 Điều này giữa 2 văn bản có sự khác nhau. Trong Dự thảo sửa đổi đã làm rõ hơn đối tượng phải ĐMC; Làm rõ hơn nội dung của báo cáo ĐMC; Làm rõ trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND cấp tỉnh trong việc thẩm định báo cáo ĐMC;Quy định cụ thể thời gian thực hiện thẩm định;Bổ sung quy định về việc tiếp thu ý kiến thẩm định và báo cáo kết quả thẩm định.Tuy vậy, chúng tôi đề nghị tiếp tục sửa một số nội dung quy định về ĐMC như sau:
- Về Điều 13- Đối tượng phải ĐMC: Dự thảo sửa đổi đã bổ sung thêm 2 đối tượng phải ĐMC là Quy hoạch xây dựng đô thị và quy hoạch phát triển khu kinh tế là hoàn toàn đúng. Nhưng nên bỏ đối tượng là KCN, KCX, KCNC, KSX-KD-DV tập trung ( bởi vì quy hoạch KCN, KCX, KCNC, KSX-KD-DV tập trung là các dự án đầu tư phát triển kinh tế cụ thể, lâu nay ở nước ta cũng như ở nhiều nước đều thực hiện ĐTM chứ không phải là ĐMC đối với các dự án này), bỏ đối tượng 1 là “Chiến lược, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của các vùng kinh tế - xã hội, vùng kinh tế trọng điểm, hành lang kinh tế, vành đai kinh tế” ( bởi vì các chiến lược, quy hoạch này không có chủ dự án, không có tổ chức chính quyển quản lý vùng, hành lang hay vành đai kinh tế, tức là không có cơ quan thực thi các kết quả của ĐMC, vậy thì ĐMC để làm gì, vừa tốn công, tốn tiền vô ích).
-Về Điều 14 - Thực hiện đánh giá môi trường chiến lược: Đồng ý với điểm 1 của Điều 14 quy định “Cơ quan được giao nhiệm vụ lập chiến lược, quy hoạch quy định tại Điều 13 có trách nhiệm thực hiện đánh giá môi trường chiến lược”. Nhưng như mọi người đều biết một trong các nguyên nhân chủ yếu làm cho chất lượng ĐMC trong thời gian qua thấp kém là vì đội ngũ chuyên gia thực hiện ĐMC chưa đủ trình độ chuyên môn về ĐMC, hầu hết các cơ quan được giao nhiệm vụ lập chiến lược, quy hoạch đều thiếu chuyên gia ĐMC. Vì vậy đề nghị bổ sung thêm 1 câu sau đây vào điểm 1 của Điều 14 trên là “với điều kiện cơ quan phải có đủ chuyên gia ĐMC, nếu thiếu thì phải mời chuyên gia ĐMC bên ngoài cùng thực hiện”.
II. Ý kiến về Quy hoạch Môi trường: Đây là một mục mới được bổ sung vào Luật BVMT sửa đổi. Chúng tôi tán thành bổ sung này, nhưng đề nghị chỉnh sửa cho hợp lý hơn như sau:
- Cần phân biệt chính xác “Quy hoạch môi trường” và “Quy hoạch bảo vệ môi trường”. Quy hoạch môi trường là quy hoạch phân bố không gian (chức năng môi trường) và quy hoạch sử dụng các thành phần môi trường tư nhiên. Quy hoạch bảo vệ môi trường là việc tiến hành đánh giá, dự báo các tác động môi trường của dự án quy hoạch phát triển để quy hoạch xắp xếp, tổ chức không gian sử dụng các thành phần môi trường và các yếu tố tài nguyên thiên nhiên bảo đảm hài hòa giữa quy hoạch chức năng môi trường và quy hoạch phát triển, tiến hành lập quy hoạch bảo vệ môi trường và đề ra các giải pháp nhằm phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm môi trường, cải thiện môi trường, bảo vệ và khai thác bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học. Trong Dự thảo sửa đổi Điều 9 viết về “Nội dung quy hoạch môi trường”, nhưng thực chất đây lại lại rất gần giống với “Nội dung của quy hoạch bảo vệ môi trường”. Mặt khác cũng cần nói thêm rằng nguyên tắc và mục tiêu của ĐMC và Quy hoạch BVMT là như nhau, nhưng có sự khác nhau là ĐMC có thể thực hiện đối với tất cả các dự án Chiến lược, Quy hoạch và Kế hoạch, nhưng Quy hoạch BVMT chỉ có thể thực hiện có hiệu quả đối với các Quy hoạch phát triển KT-XH tỉnh/thành, Quy hoạch phát triển đô thị và Quy hoạch phát triển khu kinh tế. Đối với Quy hoạch KT-XH tỉnh/thành, Quy hoạch đô thị và Quy hoạch khu kinh tế thì Quy hoạch BVMT đem lại hiệu quả BVMT và PTBV tốt hơn rất nhiều so với ĐMC. Như vậy không nên có sự trùng lặp đối với cùng một dự án vừa phải làm ĐMC vừa phải làm Quy hoạch BVMT thì rất lãng phí. Vì vậy, cần phải có quy định đối với mỗi dự án chỉ thực hiện hoặc là ĐMC, hoặc là quy hoạch BVMT.
-Với nhận thức nêu trên chúng tôi đề nghị đổi tên “Quy hoạch môi trường” trong Dự thảo sửa đổi thành “Quy hoạch bảo vệ môi trường”, đồng thời vì đây là một mục của Chương II cùng với ĐMC và ĐTM của Luật Bảo vệ Môi trường thì đổi tên thành “Quy hoạch bảo vệ môi trường” là hoàn toàn hợp lý. Điều 50 của Luật BVMT (2005) cũng dùng cụm từ Quy hoạch bảo vệ môi trường đô thị, không dùng cụm từ Quy hoạch môi trường đô thị.
-Đổi “Điều 8.Các loại quy hoạch môi trường” thành “Điều 8. Đối tượng phải thực hiện quy hoạch bảo vệ môi trường”: Bởi vì phân loại quy hoạch môi trường chỉ mang tính học thuật nên quy định trong Luật để làm gì ?, mà cần phải quy định “Các đối tượng phải thực hiện quy hoạch bảo vệ môi trường” mới là cần thiết đưa vào Luật. Chúng tôi đề nghị đối tượng phải thực hiện Quy hoạch BVMT là (1) Quy hoạch phát triển KT-XH của các tỉnh/thành; (2) Quy hoạch xây dựng đô thị và (3) Quy hoạch phát triển khu kinh tế.
-Về nội dung của Quy hoạch BVMT
Chúng tôi đã tiến hành lập Quy hoạch BVMT cho một số tỉnh/thành, gần đây nhất là năm 2012 chúng tôi đã lập Quy hoạch BVMT cho thành phố Hà Nội. Từ kinh nghiệm thực tế chúng tôi kiến nghị nên quy định nội dung của Báo cáo Quy hoạch BVMT tại Điều 9 trong Dự thảo sửa đổi Luật BVMT như sau:
Điều 9. Nội dung của quy hoạch bảo vệ môi trường
(1) Sự cần thiết và căn cứ lập quy hoạch BVMT.
(2) Các nội dung chủ yếu có liên quan đến môi trường của Quy hoạch phát triển
(3) Đặc điểm tự nhiên, hệ sinh thái và các thành phần môi trường, phân vùng chức năng môi trường khu vực nghiên cứu, các vấn đề bức xúc về môi trường.
(4) Đánh giá tác động và dự báo môi trường đối với quy hoạch phát triển.
(5) Đề xuất các Quy hoạch bảo vệ môi trường.
(6) Đề xuất các giải pháp bảo vệ môi trường.
(7) Đề xuất điều chỉnh quy hoạch phát triển.
(8) Tham vấn ý kiến xây dựng quy hoạch bảo vệ môi trường.
(9) Tổ chức thực hiện.
III. Ví dụ thực tế chứng tỏ rằng tiến hành Quy hoạch BVMT có hiệu quả hơn là tiến hành ĐMC
Dưới đây giới thiệu tóm tắt các kiến nghị điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH thành phố Hà Nội của Báo cáo Quy hoạch BVMT Hà Nội do chúng tôi tiến hành trong năm 2012 để minh chứng rằng tiến hành Quy hoạch BVMT có hiệu quả hơn là tiến hành ĐMC. Chúng tôi được giao nhiệm vụ tiến hành lập Báo cáo Quy hoạch BVMT thành phố Hà nội, khi mà Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH Hà Nội đã được ĐMC. Báo cáo ĐMC này đã được Bộ TN&MT thẩm duyệt. Nhưng Báo cáo ĐMC hầu như không có đề xuất điều chỉnh Quy hoạch phát triển KT-XH Hà Nội để BVMT và PTBV. Nhưng khi thực hiện Quy hoạch BVMT chúng tôi đã phát hiện nhiều vấn đề trong Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH Hà Nội cần phải điều chỉnh, cụ thể như sau:
1. Kiến nghị đối với quy hoạch sử dụng đất Hà Nội: Năm 2008 Hà Nội được mở rộng, diện tích thành phố tăng lên đến 3.344,47km2, dân số tăng lên đến 6.591.000 người (năm 2010). Đối sánh với kết quả phân vùng chức năng môi trường thành phố Hà Nội thấy rằng có một số vấn đề cần điều chỉnh đối với Quy hoạch sử dụng đất của Hà Nội đến năm 2020 như sau:
- Đất nông nghiệp ở Phú Xuyên không phải là đất bị nhiễm mặn: Dưới góc độ thổ nhưỡng thì trên địa bàn thành phố Hà Nội, kể cả ở Phú Xuyên, đều không có đất bị nhiễm mặn. Nhưng Báo cáo QH Hà Nội lại viết rằng “đất ở Phú Xuyên bị nhiễm mặn, hiệu quả canh tác nông nghiệp thấp, cần chuyển đổi sang mục đích đất phi nông nghiệp”, đây là sự ngộ nhận, không có căn cứ khoa học và gây thiệt hại về tài nguyên và môi trường đất.
- Không nên chuyển đổi quá nhiều đất trồng lúa của Hà Nội sang đất phi nông nghiệp: Trong quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa Hà Nội, việc chuyển đổi một số đất nông nghiệp, trong đó có đất lúa nước sang mục đích sử dụng cho đô thị, công nghiệp và giao thông là cần thiết. Nhưng theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và Quy hoạch sử dụng đất Hà Nội đến năm 2020, diện tích đất nông nghiệp (đất lúa) giảm liên tục và tương đối nhiều do chuyển đổi sang đất phi nông nghiệp và đất khác:
Năm 2009 Năm 2010 Năm 2020
Diện tích đất nông nghiệp (ha): 189.092 172.837 56.901
Diện tích đất lúa (ha): 118.126 96.428 92.843
Như vậy, từ năm 2009 đến năm 2020, theo quy hoạch có tới 25.283ha đất lúa chuyển sang đất phi nông nghiệp, có nghĩa là đến năm 2020 diện tích đất lúa của Hà Nội giảm 21,4% so với năm 2009, trong khi đó vào năm 2020 cư dân nông thôn vẫn còn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu dân số của Hà Nội. Kết quả là diện tích đất lúa bình quân đầu người nông thôn ở Hà Nội chỉ còn là 116 m2/ người. Sự chuyển đổi đất lúa rất nhanh và rất lớn này chưa thực sự phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước là phải hết sức tiết kiệm đất đai trong việc chuyển đổi đất lúa nước sang mục đích sử dụng khác.
- Cần bổ sung chỉ tiêu sử dụng đất cho hạ tầng kỹ thuật BVMT đô thị: Trong các bản chỉ tiêu sử dụng đất của quy hoạch sử dụng đất Hà Nội đến năm 2020 hầu như có đầy đủ các chỉ tiêu đất phi nông nghiệp, như là đất ở, đất công nghiệp, đất giao thông, đất cơ sở y tế, đất cơ sở văn hóa, đất chợ, đất bãi thải, xử lý chất thải, v.v… Nhưng lại không có chỉ tiêu đất phục vụ cho hệ thống hạ tầng cấp thoát nước (các nhà máy nước, các trạm xử lý nước thải tập trung, các kênh mương thóat nước …) và không có chỉ tiêu đất dành cho các trạm trung chuyển CTR đô thị. Vì vậy cần bổ sung các chỉ tiêu đất này trong quy hoạch sử dụng đất của Hà Nội đến năm 2020.
2. Kiến nghị điều chỉnh quy hoạch mạng lưới các khu/cụm công nghiệp: Quy hoạch bố trí các khu/cụm công nghiệp của Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến 2030 còn chưa hợp lý:
- Vành đai công nghiệp ngoại thành gây ô nhiễm môi trường “bao vây” nội thành Hà Nội. Từ kết quả phân vùng chức năng môi trường thành phố Hà Nội nhận thấy do điều kiện lịch sử để lại, các khu công nghiệp ở Hà Nội đang hoạt động: Nội Bài, Quang Minh, Bắc Thăng Long, Đông Anh, Yên Viên, Sài Đồng, Văn Điển, cầu Bươu… được xây dựng trước đây và các khu công nghiệp mới đã được Thủ tướng phê duyệt xây dựng từ nay đến năm 2020 ở cả 2 phía tả ngạn, hữu ngạn sông Hồng, đã hình thành một vành đai công nghiệp Sóc Sơn - Đông Anh - Gia Lâm - Văn Điển – cầu Bươu thuộc Tiểu vùng vành đai công nghiệpngoại thành Hà Nội, bao quanh nội thành Hà Nội từ 3 phía Bắc- Đông – Nam. Trong vành đai công nghiệp này có đủ các loại hình công nghiệp, từ các ngành công nghiệp tương đối sạch đến các ngành ô nhiễm khá lớn, thì tình trạng bụi và khí thải công nghiệptheogió mùa Đông Bắc, Đông Nam gây ô nhiễm khu vực đô thị trung tâm Hà Nội là điều đương nhiên. Theo Quy hoạch công nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 sẽ tiếp tục phát triển công nghiệp với mật độ dày đặc hơn trong vành đai công nghiệp ven đô này, thì môi trường không khí khu vực trung tâm Hà Nội sẽ càng thêm ngột ngạt. Ô nhiễm môi trường nước mặt cũng ngày càng trầm trọng thêm.
-Trên Bản đồ phân vùng chức năng môi trường phục vụ quy hoạch bảo vệ môi trường thành phố Hà Nội đã phân chia ra tiểu vùng đất xám khu vực đồi thấp Tây Bắc Hà Nội. Tiểu vùng này nằm ở góc Tây Bắc Hà Nội, thuộc địa phận huyện Ba Vì và phần Tây Nam huyện Thạch Thất và thị xã Sơn Tây, là vùng đất đồi, bị xói mòn, rửa trôi mạnh do thảm thực vật thưa thớt, thổ nhưỡng là đất xám bạc màu và đất đỏ vàng, bị laterit hóa, đá ong, canh tác nông nghiệp kém hiệu quả. Mặt khác, đây là vùng có nền địa chất công trình ổn định, có nguồn nước mặt liền kề để cung cấp nước, dân cư thưa, nên rất thuận lợi cho phát triển các khu/cụm công nghiệp, nếu tập trung phát triển các khu/cụm công nghiệp tại đây, hình thành một trung tâm công nghiệp quy mô lớn, sẽ giảm thiểu đáng kể ô nhiễm do công nghiệp đối với thủ đô Hà Nội. Tuy vậy, quy hoạch bố trí phát triển khu/cụm công nghiệp của Hà Nội hiện nay phân tán khắp nơi là điều hoàn toàn không hợp lý. Nếu phát triển công nghiệp tập trung ở khu vực phía Tây sẽ tạo nên hình thái phát triển lưỡng cực đối với thủ đô Hà Nội: cực Đông là đô thị trung tâm chính trị, hành chính, lịch sử nghìn năm văn hiến; cực Tây là trung tâm đô thị công nghiệp hiện đại tầm cỡ quốc tế. Phát triển theo hình thái lưỡng cực tách riêng nhau trong không gian chung của thành phố Hà Nội sẽ tạo nhiều thuận lợi trong việc khắc phục ô nhiễm môi trường phát sinh trên địa bàn thành phố Hà Nội.
3. Kiến nghị chưa nên vội vàng đầu tư nhà máy nước sông Đuống, sông Hồng: Quy hoạch hệ thống các nhà máy cấp nước của thành phố Hà Nội do Sở Xây dựng Hà Nội thiết lập cũng tương tự như quy hoạch mạng lưới cấp nước trong Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội do Bộ Xây dựng thiết kế. Quy hoạch cấp nước này được thiết lập căn cứ vào cơ sở dữ liệu trước năm 2000, cụ thể là theo Quyết định số 50/2000/QĐ-TTg, ngày 24/4/2000, của Thủ tướng Chính phủ quy định tổng trữ lượng khai thác nước ngầm Hà Nội ở phía Nam sông Hồng không được vượt quá 700.000 m3/ngày, và ở phía Bắc sông Hồng không được vượt quá 400.000 m3/ngày. Do đó theo Quy hoạch này là giảm dần khai thác nước ngầm, hiện nay tổng lượng khai thác nước ngầm của Hà Nội là khoảng 669.000 m3/ngđ, đến năm 2020 sẽ giảm xuống còn 540.000 m3/ngđ và đến năm 2030 còn 425.000 m3/ngđ, và sẽ tăng khai thác nguồn nước mặt, mở rộng nhà máy nước sông Đà, xây dựng mới nhà máy nước sông Hồng và nhà máy nước sông Đuống, nâng tổng công suất các nhà máy nước mặt lên 1.140.000 m3/ngđ vào năm 2020 và 2.359.000 m3/ngđ vào năm 2030.
Nhưng theo số liệu điều tra đánh giá nguồn nước dưới đất của Hà Nội do Sở TN&MT Hà Nội, Liên Đoàn Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên Nước và Trường Đại học Mỏ - Địa chất năm 2011 cho thấy: Trữ lượng tiềm năng khai thác nước ngầm của Hà Nội đã thăm dò xác định được là hơn 8 triệu m3/ngày, riêng tầng chứa nước cuội sỏi đang được khai thác ở Hà Nội đã đạt khoảng 5.585.000 m3/ngày, có nghĩa là tài nguyên nước dưới đất của Hà Nội rất lớn, hoàn toàn đáp ứng nhu cầu cấp nước cho toàn thành phố Hà Nội phát triển đến năm 2020, 2030 và định hướng đến năm 2050. Việc khai thác sử dụng nguồn nước dưới đất an toàn hơn và rẻ hơn khai thác sử dụng nguồn nước mặt rất nhiều. Vì vậy chúng tôi đã kiến nghị với UBND thành phố Hà Nội: cho phép đầu tư kinh phí cần thiết để khảo sát thẩm định số liệu điều tra đánh giá trữ lượng khai thác nước dưới đất năm 2011 nêu ở trên. Nếu số liệu nêu trên là tương đối đúng thì cần phải điều chỉnh lại Quy hoạch hệ thống các nhà máy cấp nước Hà Nội là vẫn duy trì và phát triển các nhà máy khai thác nước dưới đất, miễn là cần phải dịch chuyển các lỗ khoan khai thác nước dưới đất sao cho gần các bãi sông Hồng và sông Đuống, cho đến năm 2030 chỉ mở rộng nhà máy nước mặt sông Đà, không nên đầu tư xây dựng nhà máy nước sông Hồng và sông Đuống. Rất tiếc rằng UBND Hà Nội đã phủ quyết kiến nghị này và đã đầu tư trên 300 tỷ đồng ban đầu để xây dựng nhà máy nước sông Đuống. Không biết sẽ phải đầu tư bao nhiêu nghìn tỷ đồng nữa để xử lý nước sông Đuống và dẫn về Hà Nội thay cho khai thác nước ngầm tại chỗ rất kinh tế.
4. Kiến nghị đối với quy hoạch các trạm xử lý nước thải đô thị: Quy hoạch hệ thống thóat nước và xử lý nước thải Hà Nội do Sở Xây dựng thiết kế theo hướng tách riêng nước thải và nước mưa đối với các khu đô thị mới, đối với khu vực nội thành cũ thì xây dựng các cống bao xung quanh các hồ và hai bên bờ 4 con sông nội thành để tách nước thải dẫn về trạm xử lý nước thải tập trung, chỉ cho nước mưa chảy tràn vào các hồ, các sông v.v… là hoàn toàn hợp lý.
- Tuy vậy, thực tế thời gian qua cho thấy việc xây dựng các trạm xử lý nước thải tập trung của thành phố Hà Nội (đô thị trung tâm) rất chậm trễ và rất khó khăn, vì: (i) Rất khó tìm ra quỹ đất hoặc đã có quỹ đất nhưng rất khó giải phóng mặt bằng để xây dựng các trạm XLNT tập trung; (ii) Kinh phí đầu tư xây dựng các trạm XLNT rất lớn, và rất khó huy động đủ nguồn vốn. Vì vậy cần phải quy hoạch mạng lưới các trạm xử lý nước thải nhỏ phân tán ở tất cả các khu đô thị mới của Hà Nội. Kinh phí đầu tư xây dựng các trạm XLNT ở các khu đô thị mới này là do các chủ đầu tư kinh doanh bất động sản chịu trách nhiệm, chứ không phải là ngân sách của Nhà nước hay của địa phương Hà Nội. Vì vậy, phải có chính sách và cơ chế bắt buộc các chủ đầu tư kinh doanh xây dựng các khu đô thị mới trước đây phải bổ sung đầu tư xây dựng các trạm XLNT, nếu khu đô thị chưa có trạm XLNT. Bắt buộc chủ đầu tư kinh doanh các dự án đầu tư xây dựng các khu đô thị mới hiện nay thực hiện xây dựng các trạm XLNT đồng thời với việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu đô thị mới. Ước lượng toàn thành phố Hà Nội hiện có khoảng hơn 300 khu đô thị mới. Nếu cả 300 khu đô thị mới này đều có các trạm XLNT bảo đảm XLNT đạt quy chuẩn môi trường quốc gia trước khi đổ thải vào nguồn tiếp nhận, như đã cam kết trong Báo cáo ĐTM, thì nhất định sẽ giảm thiểu đáng kể tình trạng ô nhiễm môi trường nước sông hồ của Hà Nội hiện nay.
- Đối với trạm xử lý nước thải Yên Sở: Đây là một trạm xử lý nước thải rất lớn do công ty GAMUDA (Malaysia) đầu tư xây dựng theo phương thức “đổi đất lấy cơ sở hạ tầng”. Trạm Xử lý nước thải này tiếp nhận nước mặt sông Kim Ngưu, sông Sét và sông Tô Lịch, là nước trộn lẫn cả nước thải và nước mưa, nên hiệu quả xử lý rất thấp. Điều quan trọng hơn cần phải thấy rằng: trạm xử lý nước Yên Sở không có tác dụng xử lý nguồn nước thải chảy vào các sông trên, nên không có tác dụng giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước các sông Kim Ngưu, sông Sét và sông Tô Lịch, mà chỉ có thể giảm thiểu tải lượng ô nhiễm nước đối với sông Hồng. Vì vậy kiến nghị: Cần phải xây dựng ngay các cống bao các sông trên để thu gom nước thải đưa về Trạm xử lý nước thải Yên Sở xử lý.
5. Kiến nghị đối với quy hoạch chống úng ngập cho trung tâm TP Hà Nội: Từ năm 2000 đến nay Hà Nội đã rất chú trọng đầu tư thực hiện quy hoạch thoát nước, xử lý nước thải theo phương án quy hoạch của JICA. Đã tiến hành cải tạo, nâng cấp nhiều hồ và 4 sông thóat nước nội thành. Đặc biệt đã hoàn thành việc xây dựng hồ điều hòa nước mưa Yên Sở và trạm bơm Yên Sở với công suất 90 m3/s. Vì vậy đã cải thiện phần nào tình trạng úng ngập của Hà Nội. Tuy vậy, nếu không có sự thay đổi hệ thống thì hiện nay cũng như dự báo trong tương lai tình trạng úng ngập của Hà Nội vẫn còn trầm trọng, do đó kiến nghị như sau:
- Xây dựng thêm trạm bơm nước ra sông Hồng và sông Nhuệ: Hệ thống cống thóat nước khu vực 44 km2 nội thành cũ của Hà Nội về cơ bản được xây dựng từ thời Pháp thuộc. Cống ngầm thoát nước tự chảy từ Tây sang Đông, từ Bắc xuống Nam và tập trung thoát ra sông Hồng ở cuối phố Trần Hưng Đạo. Hệ thống thoát nước này hoạt động tốt từ năm 1890 đến năm 1926. Năm 1926, Hà Nội bị lụt lớn, mực nước cao uy hiếp khu vực nội thành, hệ thống đê ngăn lũ từ phía Bắc thành phố vốn đã được củng cố từ thế kỷ 18-19 được gấp rút nâng cao dần mỗi năm. Cửa chính thoát nước ở cuối phố Trần Hưng Đạo được nắn lại xuôi về phía Nam thoát về cống Nam Khang, dọc đê Bình Lao, nay là đường Đại Cồ Việt - Trần Khát Trân. Kể từ đây, thoát nước nội thành dẫn theo mương hở để rồi chảy xuôi xuống cánh đồng rộng lớn phía Nam thành phố (Thanh Nhàn, Thanh Lương, Minh Khai, Mai Động… huyện Thanh Trì). Giai đoạn 1980-1990, khi xây dựng mở rộng đường Đại Cồ Việt và Trần Khát Chân, hệ thống thoát nước không được quan tâm, liên tục bị thu hẹp dòng chảy và dần dần cống hóa toàn bộ, nên giảm đáng kể khả năng tiêu thoát nước theo hướng này. Đến nay, rất nhiều mương hở thóat nước nội thành đã bị cống hóa. Vùng đất trũng hàng chục km2 đất ngập nước và bán ngập nước phía Nam và phía Đông Hà Nội đã bị san lấp để đô thị hóa. Dự án thoát nước của JICA giai đoạn I lập riêng cho khu vực nội thành chỉ tính đến bờ Tây sông Tô Lịch. Về phía Nam cũng chỉ tính đến khu vực hồ Linh Đàm và Yên Sở để dồn nước thải và nước mưa toàn bộ khu vực nội thành đổ vào hồ điều hòa Yên Sở và trạm bơm Yên Sở bơm nước ra sông Hồng. Hà Nội đô thị hóa theo quy hoạch 1998 bằng cách san lấp hàng chục km2 đất ruộng trũng bờ Tây sông Tô Lịch đến bờ Đông sông Nhuệ, đồng thời làm đường Hà Nội - Hòa Lạc đắp cao như một con đê ngăn nước từ Bắc xuống Nam của toàn bộ lưu vực bờ Tây sông Nhuệ. Tháng 8/2008, Hà Nội được mở rộng địa giới hành chính, tăng diện tích lên gấp hơn 3 lần, các nghiên cứu quy hoạch hệ thống thoát nước giai đoạn 2 của Hà Nội được tiến hành xây dựng và trình phê duyệt. Bản quy hoạch thoát nước này dựa trên cơ sở nghiên cứu của JICA giai đoạn 2 đã và đang được thực thi trong thực tế.
Dù rằng nay đã đào mở rộng hồ điều hòa Yên Sở, nâng công suất trạm bơm này lên 90m3/s, nhưng nội thành Hà Nội vẫn bị úng ngập nghiêm trọng. Một trong những nguyên nhân chủ yếu là hệ thống cống rãnh thóat nước của Hà Nội rất yếu kém, đường dẫn thóat nước mưa từ nơi phát sinh nước ngập đến trạm bơm Yên Sở lại quá dài. Vì vậy kiến nghị cho tiến hành tính tóan kiểm tra khả năng thóat nước mưa qua hệ thống thóat nước mưa từ khu vực trung tâm Hà Nội cũ chảy đến hồ Yên Sở, sau khi đã nạo vét, nâng cấp, mở rộng hệ thống mạng lưới thóat nước hiện nay, nếu không đáp ứng yêu cầu thóat nước mưa chống úng ngập, khi lượng mưa ở Hà Nội đạt 310mm trong 2 ngày, thì nghiên cứu đến phương án xây dựng thêm 1 trạm bơm mới ở cuối đường Trần Khát Chân - Nguyễn Khóai để bơm nước mưa ra sông Hồng để rút ngắn đường dẫn thóat nước mưa từ nơi phát sinh úng ngập đến trạm bơm nước ra sông Hồng. Đối với phía Tây thành phố Hà Nội, lưu vực từ sông Tô Lịch đến sông Nhuệ cần phải tiến hành ngay việc đầu tư xây dựng 3 hồ điều hòa nước mưa và 3 trạm bơm thóat nước vào sông Nhụê để chống úng ngập cho phần nội thành phía Tây Hà Nội theo phương án thóat nước Hà Nội, đó là các trạm bơm Cổ Nhuế, Đồng Bông và Ba Xã.
-Tăng cường hệ thống chứa, lưu trữ và điều hòa nước mưa: Hơn nửa thế kỷ qua, Hà Nội đã không ngừng mở rộng, hàng chục km2 ruộng trũng, hồ ao, đất bán ngập đã bị san lấp để mở rộng thành phố, xây dựng nhà ở, đường xá và các công trình xây dựng khác, đã làm suy giảm nghiêm trọng dung tích chứa nước, điều hòa nước mưa, chống úng ngập vốn có của Hà Nội. Vì vậy, để chống úng ngập cho khu vực trung tâm Hà Nội có hiệu quả là cần phải phục hồi và tăng cường hệ thống chứa, lưu trữ và điều hòa nước mưa của Hà Nội bằng các cách sau đây: (1) Bảo tồn và mở rộng diện tích ao, hồ, đất ngập nước và bán ngập nước của Hà Nội, đặc biệt là ở các khu vực phía Nam thành phố Hà Nội, như là quận Hoàng Mai và huyện Thanh Trì … để điều hòa nước mưa và bổ sung nguồn cấp nước cho các tầng nước dưới dất vốn lâu nay bị suy giảm do bê tông hóa tràn lan bề mặt đất của Hà Nội; (2) Xây dựng các bể nước ngầm kết hợp với thoát nước ở các công trình ngầm: gara ô tô/ bãi đỗ xe, hầm chứa nước ở các tòa nhà chung cư, các hộ gia đình, trung tâm thương mại, các trường học, các tuyến giao thông, các quảng trường v.v… Tăng cường dự trữ nước mưa nhằm giảm lượng nước chảy nổi trên bề mặt khi mưa lớn, đồng thời còn có chức năng đảm bảo an toàn cho các công trình ngầm; Lưu trữ nước mưa đảm bảo cấp nước sạch cho tưới cây, vệ sinh đường sá và cấp nước cho sông hồ trong mùa khô hạn; (3) Đối với các đoạn sông nội thành và các hồ nội thành cho đến nay chưa được cải tạo xây bờ kè thì đào sâu thêm 1-1,5m, xây bờ kè thẳng đứng để tăng thể tích chứa nước và tăng diện tích đáy thấm nước bổ sung cho nước ngầm và bảo tồn môi sinh cho hệ sinh thái đáy sông hồ, là nơi sinh cư của nhiều loại vi sinh vật có khả năng phân hủy ô nhiễm môi trường nước; (4) Đối với các đoạn sông nội thành và các hồ đã kè đá dốc 45 độ thì sau năm 2020, khi kinh tế của Hà Nội phát triển hơn, sẽ dần dần tháo dỡ tất cả các bờ kè này, đào sâu thêm 1-1,5m và xây lại bờ kè thẳng đứng để tăng thể tích chứa nước, mở rộng dòng chảy thóat nước mưa, phục hồi điều kiện tự nhiên của sông hồ Hà Nội.
- Tăng cường diện tích mặt đất và giếng thẩm thấu nước mưa: (1) Bảo tồn tất cả các diện tich tích mặt đất ở trong nội thành và ngoại thành có khả năng thẩm thấu nước mưa, như là vườn hoa, cây xanh, thảm cỏ, bãi sông ngòi, bãi bồi, đồng ruộng, vùng đất ngập nước và bán ngập nước, v.v…; (2) Cải tạo các vỉa hè phố và các sân bãi, quảng trường trong nội thành trở thành bề mặt vừa có khả năng chịu lực, vừa có khả năng thẩm thấu nước mưa, như là lát gạch vỉa hè phố có mạch hở thẩm thấu nước mưa; (3) Khoan các giếng sâu ở những vị trí phù hợp tạo thành giếng thóat nước mưa và bổ sung nguồn nước mưa cho tầng nước dưới đất.
6. Kiến nghị đối với quy hoạch quản lý chất thải rắn
- Kiến nghị bổ sung quy hoạch vị trí và diện tích đất cần thiết cho các trạm trung chuyển CTR ở các đô thị của Hà Nội, đặc biệt là ở thành phố trung tâm Hà Nội.
- Hà Nội cần phải đi đầu trong phạm vi toàn quốc về phân loại CTR tại nguồn;
- Kiến nghị phát triển nhanh công nghệ tái chế, tái sử dụng CTR, đến năm 2020 đạt chỉ tiêu chôn lấp CTR dưới 15%, chỉ áp dụng công nghệ đốt CTR sinh họat nếu có phương án thu hồi nhiệt để sản xuất năng lượng;
- Kiến nghị bổ sung quy hoạch quản lý và xử lý CTR nông thôn theo hướng quy mô tập trung liên xã hay quy mô toàn huyện.