Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Cổng vào đền thờ Lê Văn Thịnh thôn Bảo Tháp (Đông Cứu, Gia Bình).
Những cổ vật quí giá ở cụm di tích này, có niên đại hàng mấy trăm năm lại đang trở thành mục tiêu của bọn trộm cổ vật, gây lên nỗi bức xúc lớn trong nhân dân địa phương. Tại đình Cứu Sơn (Đông Cứu, Gia Bình), kẻ gian đã vài lần đột nhập vào đình lấy đi những cổ vật quí hiếm. Năm 2010, mất 3 bình hương sứ, đôi lộc bình. Năm 2012, mất một đôi chóe, 2 be đựng rượu, 3 nồi hương đồng hun, một bình hương bằng sành.
Ông Nguyễn Đình Nghinh, Chi hội trưởng Hội Người cao tuổi thôn Cứu Sơn cho biết: Từ năm 1994 đến nay, chúng tôi đều cắt cử 3 cụ trên 60 tuổi ngủ tại đình để trông nom, tuy nhiên kẻ gian lợi dụng đêm tối mưa to, gió lớn đã khoét tường từ hậu cung chui vào đình lấy đi những cổ vật có niên đại từ 100 đến 200 năm. Mặc dù công an đã vào cuộc nhưng vẫn chưa tìm được đối tượng và cổ vật.
Cùng thảm cảnh đó còn có đình Yên Việt (xã Đông Cứu), đêm 12-8-2012, kẻ gian đột nhập vào đình lấy đi toàn bộ 11 đạo sắc phong. Vài ngày sau, ông Nguyễn Văn Thuận (thủ từ cũ) vào hậu cung thắp hương lại phát hiện mâm bồng bằng đồng và be rượu men lam đều từ thời Nguyễn cũng bị đánh cắp. Trong 11 đạo sắc phong của các triều vua Lê - Nguyễn của đền Yên Việt bị đánh cắp, sắc phong cổ nhất có niên đại triều vua: Cảnh Hưng nguyên niên (1740); sắc phong mới nhất là thời vua Khải Định (1924).
Rồng đá tại đền thờ Lê Văn Thịnh.
Trong những nơi thờ tự Trạng nguyên Lê Văn Thịnh, tiêu biểu và chính thống nhất vẫn là đền thờ tại Bảo Tháp (xã Đông Cứu) (đền cả) được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia. Tại đây, có rất nhiều hiện vật quí hiếm về lịch sử văn hóa vẫn đang được lưu giữ. Tiêu biểu trong số đó phải kể đến bức tượng rồng đá được tìm thấy năm 1991. Đây là một bức tượng rồng đá kỳ lạ, mình vẩy cá, trong tư thế “miệng cắn thân, chân xé mình” một bên tai nguyên vẹn, một bên bịt kín, lột tả tâm trạng oan khuất, bi oán. Bức tượng này đang được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch lập hồ sơ đề nghị Nhà nước công nhận Bảo vật quốc gia.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, nằm trong di tích đền thờ Lê Văn Thịnh tại thôn Bảo Tháp còn có chùa “Thiên Thư tự”, trước đây được cho là nhà của Lê Văn Thịnh, nhưng do biến cố, loạn lạc của xã hội ngôi nhà đã “Hóa gia vi tự” (biến nhà thành chùa). Hiện nay, chùa còn lưu giữ các hiện vật quý: Quả chuông đồng đúc năm Minh Mệnh 16 (1835) có khắc tên “Thiên Thư tự chung”. Một án thờ được chạm khắc tinh xảo từ thời Nguyễn. Một số tượng phật mang phong cách nghệ thuật cuối thế kỷ XIX đầu XX.
Ông Nguyễn Công Hảo, Bí thư chi bộ thôn Bảo Tháp cho biết: Trước đây trong quá trình làm hồ sơ đề nghị Nhà nước công nhận Di tích Lịch sử Văn hóa Quốc gia cho ngôi đền, do sơ suất lại quên đưa ngôi chùa này vào hồ sơ. Đến năm 2009, ngôi chùa được xếp hạng di tích cấp tỉnh. Cùng nằm trong cụm di tích và giá trị lịch sử văn hóa liên quan đến thân thế, sự nghiệp của Lê Văn Thịnh, vì thế nhân dân địa phương đang đề nghị Nhà nước công nhận ngôi chùa này là di tích lịch sử, văn hóa cấp Quốc gia.
Hiện nay, việc bảo vệ những hiện vật có giá trị này đang đứng trước những khó khăn, bất cập từ khâu qui hoạch đến quản lý. Ví như đền tại Bảo Tháp nằm trên sườn núi Thiên Thai, xung quanh là những bụi cây rậm rạp, không tường bao quanh nên cần tăng cường quản lý, bảo vệ. Vấn nạn trộm đồ cổ tại đây là hồi chuông cảnh báo đối với việc trông giữ, bảo vệ những cổ vật có giá trị lịch sử, văn hóa tại các địa phương có di tích trên địa bàn toàn tỉnh.