Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Hiện trung bình mỗi tỉnh, người dân bỏ ruộng với diện tích từ 100ha trở lên.
6 nguyên nhân đầu tiên
Theo đánh giá và gợi ý của Bộ NNPTNT, hiện có thể có 6 nguyên nhân dẫn đến nông dân (ND) trả ruộng, bỏ ruộng đất, đó là:
Do thiếu lao động, chuyển nghề đi làm việc khác; giá vật tư cao, chi phí sản xuất cao; giá bán nông sản thấp hoặc không bán được nông sản, thu nhập thấp; điều kiện sản xuất nông nghiệp quá khó khăn (thiếu nước, đất xấu, hộ gia đình khó khăn, thiếu vốn sản xuất); do công nghiệp hóa, đô thị hóa (ô nhiễm môi trường, tưới tiêu) và chính sách về đất đai.
Ngoài những nguyên nhân trên, Bộ NNPTNT cũng đề nghị các tỉnh, thành báo cáo về những nguyên nhân khác dẫn tới việc ND phải bỏ ruộng, trả lại ruộng.
Trước đó, đã có tỉnh đầu tiên báo cáo về tình trạng ND bỏ ruộng là Quảng Bình. Theo ông Phạm Văn Khoa - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Quảng Bình, riêng trong vụ hè thu này ND tại 2 huyện Quảng Ninh và Bố Trạch đã bỏ hoang đến 752ha đất. Riêng tại huyện Quảng Ninh, chỉ có 40/387ha người dân buộc phải bỏ ruộng vì thiếu nước tưới, diện tích còn lại bị bỏ do nhiều nguyên nhân khác nhau.
Ông Tăng Minh Lộc- Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (PTNT) cho biết, trước đây Cục cũng đã đi khảo sát, đánh giá sơ bộ về tình trạng này. Tuy nhiên, do đó là vấn đề lớn, đòi hỏi phải có nghiên cứu đầy đủ hơn, chứ không còn là hiện tượng lẻ tẻ, nên chúng tôi mới đề nghị các địa phương báo cáo đầy đủ.
Cũng theo ông Lộc, số liệu ban đầu cho thấy đã có ít nhất 6 tỉnh ở khu vực đồng bằng sông Hồng và miền Trung đã xuất hiện tình trạng ND bỏ ruộng hoặc trả ruộng với diện tích 1.000ha.
Chỉ thu được 13 triệu đồng/hộ/năm
Nếu những năm 2011 trở về trước, việc bỏ hoang ruộng đất mới xảy ra ở một số tỉnh như Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Bắc Ninh… chủ yếu trên diện tích xung quanh các doanh nghiệp, khu, cụm công nghiệp, thì từ đó đến nay đã ngày càng có nhiều hộ ND bỏ ruộng và làm đơn trả ruộng. Số liệu điều tra sơ bộ của Cục Kinh tế hợp tác và PTNT cho thấy, ở các vựa lúa của miền Bắc như Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh cũng đã bắt đầu xuất hiện tình trạng ND bỏ ruộng.
Ước tính, diện tích ruộng bị bỏ hoang của các tỉnh phổ biến 100ha/tỉnh, cá biệt như ở Hải Dương, Hưng Yên số diện tích lên tới 200ha trở lên và xu hướng này còn đang tiếp tục tăng. Đáng chú ý là, diện tích mà ND bỏ không phải là đất xấu, mà chủ yếu là diện tích làm 2 lúa, hoặc làm 2 lúa 1 màu.
Theo ông Lộc, Cục Kinh tế hợp tác và PTNT đã có những tính toán cụ thể, chi tiết về chi phí, lợi nhuận của người làm ruộng. Lấy số liệu cụ thể ở khu vực ĐBSH cho thấy: Nếu tính bình quân 1 hộ có 3,72 khẩu, trong đó có khoảng 1,7 lao động (tính trung bình) và mỗi hộ được giao khoảng 5,5 sào ruộng làm đất 2 lúa và trong đó có 30% đất có thể làm được vụ 3 (màu), thì tổng thu nhập của mỗi hộ/năm chỉ đạt khoảng hơn 22 triệu đồng.
Trừ tổng chi phí khoảng 48% (chi phí thuê công làm đất, giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, dịch vụ thủy lợi, công gặt tuốt lúa), thu nhập thực của hộ ND chỉ còn gần 13 triệu đồng/năm. Như vậy, bình quân 1 lao động/hộ chỉ có giá trị ngày công (lãi) khoảng 45.000 đồng/công (tính thời gian làm việc 24 công/tháng). Đây là mức giá thấp hơn rất nhiều so với giá trị ngày công của vùng.
Một số liệu đáng chú ý khác của Cục Kinh tế hợp tác và PTNT chỉ ra là: Giá vật tư đầu vào ngày càng tăng, trong khi giá bán sản phẩm ngày càng giảm đi. Nếu tính 5 năm trở lại đây, giá giống tăng 2,5 lần, giá phân bón vô cơ tăng gấp 2 lần, nhân công thuê ngoài cũng tăng hơn 2 lần, trong khi đó giá thóc chỉ tăng 1,2 lần, từ 5.000 đồng lên 6.000 đồng/kg. Như vậy, có thể thấy giá đầu vào tăng nhanh hơn giá đầu ra chính là yếu tố quan trọng nhất làm giảm thu nhập của ND.
Cũng theo Cục Kinh tế hợp tác và PTNT, nếu năm 2011 khảo sát nhiều xã ĐBSH mỗi hộ bình quân phải đóng khoảng 1,6-1,7 triệu đồng/năm cho các khoản tiền như: Tiền bảo vệ đồng ruộng, tiền thu làm giao thông nông thôn, nội đồng, kiên cố hóa kênh mương, vệ sinh môi trường, quỹ khuyến học, quỹ nông dân và phần lớn khoản này họ vẫn được tính theo đầu sào.
Ông Lộc cho biết: “Trong khi thu nhập thấp, lại phải đóng các phí kèm theo, nên thay vì việc lẽ ra có nhiều ruộng thì khá lên, bây giờ sản xuất càng nhiều ruộng thì càng phải đóng góp nhiều hơn và chính vì thế thúc đẩy ND có tâm lý trả ruộng”.
Ông Lộc cho biết, hiện Cục đã đề xuất với Bộ NNPTNT thành lập một đoàn công tác để khảo sát, nghiên cứu về thực trạng nông dân bỏ ruộng và dự kiến tháng 9 sẽ báo cáo chính thức với Bộ trưởng Cao Đức Phát.