Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Luật Hóa chất (có hiệu lực từ năm 2008) quy định các cá nhân, tổ chức sử dụng hóa chất phải xây dựng phương án dự báo nguy cơ, năng lực ứng phó và biện pháp khắc phục khi xảy ra sự cố. Theo Nghị định 26/2011/NĐ-CP, chủ cơ sở sử dụng hóa chất không xây dựng phương án ứng phó sự cố sẽ bị xử phạt 40 triệu đồng.
Nhân viên Công ty TNHH Cứu hộ - Cứu nạn Đại Minh trong một lần xử lý sự cố tràn dầu trên sông Sài Gòn Ảnh: TÂN TIẾN
Bỏ ngỏ đầu vào
Bà Nguyễn Kim Liên, Cục Hóa chất - Bộ Công Thương, cho biết dường như đến nay, vẫn chưa có đơn vị nào bị phạt dù theo khảo sát của cục này thì gần 50% doanh nghiệp (DN) không trang bị thiết bị, phương tiện để ứng phó sự cố. Chỉ 60% DN được khảo sát có đội ngũ lãnh đạo nhận thức các quy định về an toàn hóa chất, nhiều đơn vị không cập nhật được các quy định pháp luật hiện hành liên quan đến lĩnh vực này. Ngay cả cơ quan chức năng hiện nay cũng khá thờ ơ với việc quản lý các DN sử dụng hóa chất hoặc chỉ quản lý theo kiểu “cho có”.
Sự cố hóa chất tại Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng năm 2010 làm chết 3 người và gây ô nhiễm môi trường nhưng đơn vị nhập khẩu thiết bị có hóa chất thuộc danh mục phải xây dựng kế hoạch ứng phó lại không khai báo với cơ quan chức năng cũng như không xây dựng kế hoạch ứng phó. Mới đây nhất (tháng 2-2013), vụ nổ kinh hoàng tại căn nhà của gia đình ông Lê Minh Phương (“Phương khói lửa”, Giám đốc Công ty Lạc Việt) ở phường 8, quận 3, TP HCM làm 10 người thiệt mạng khiến dư luận lại một lần nữa phải giật mình, lo lắng. Nạn nhân đã lưu chứa một lượng lớn hóa chất tiền chất nổ trong nhà nhưng không cơ quan chức năng nào hay biết!
Bên cạnh đó, nhiều cơ sở hóa chất hoặc sản xuất công nghiệp nằm xen lẫn trong khu dân cư nên khi xảy ra sự cố sẽ gây hậu quả khôn lường. Thế nhưng đến nay, các bộ, ngành liên quan vẫn chưa xây dựng được một quy chuẩn về khoảng cách an toàn. Điều này cũng ảnh hưởng đến việc xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó của các DN.
Một dạng sự cố môi trường do hóa chất gây tác động lớn khác là tràn dầu. Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM, từ năm 2005-2013, trên địa bàn thành phố xảy ra 16 sự cố gây tràn dầu. Vị trí thường xảy ra sự cố là khu vực cửa sông, ngã ba sông, nhất là sông Đồng Nai đoạn qua huyện Cần Giờ (7 vụ), cảng Cát Lái, quận 2 (5 vụ). Nguyên nhân chủ yếu là do các phương tiện đâm nhau (chiếm 62%) hoặc đâm vào cầu cảng, chìm tàu, rò rỉ đường ống… Loại dầu tràn là DO và FO.
“Họ hàng” dioxin
Một loại hóa chất khá nguy hiểm hiện đang bắt đầu được quan tâm là PCB (hợp chất khó tan, gây nguy hại lớn cho môi trường và sức khỏe con người). PCB được sử dụng chủ yếu trong các thiết bị điện (chiếm 60%), sơn, mực in, cao su tái chế… Theo ông Đỗ Thanh Bái, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ môi trường và An toàn hóa chất - Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam, độc tính từ PCB có thể gây biến dạng da, rối loạn nội tiết và sinh sản, xúc tiến quá trình phát triển ung thư… Hợp chất PCB được nhận xét là có cấu tạo và tác hại tương tự dioxin.
Kết quả điều tra ban đầu tại Việt Nam do Tổng cục Môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện cho thấy trong số 105 DN sử dụng thiết bị chứa PCB thì 33 đơn vị có nồng độ PCB lớn hơn 5 ppm (ngưỡng cho phép theo Quy chuẩn Việt Nam là 5 ppm), trong đó 4 DN có nồng độ PCB dao động 50-500 ppm. Riêng lượng PCB trong các thiết bị điện có nồng độ 50-1.450 ppm. Khoảng 10.000-20.000 tấn dầu biến thế có chứa PCB trong các biến thế cũ hiện lưu chứa tại Công ty Điện lực Đồng Nai, Công ty Nhiệt điện Phả Lại, cảng Cái Lân...
Tại TP HCM, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn đang lưu chứa 20.000-30.000 lít dầu biến thế nhiễm PCB. Khu vực xung quanh kho lưu chứa đã có dấu hiệu bị ô nhiễm: Kết quả phân tích một số mẫu bùn đất cho thấy nồng độ PCB lớn hơn 50 ppm.
Đã ở mức báo động
Theo Ban Quản lý PCB tại Việt Nam (thuộc Tổng cục Môi trường), hiện dư lượng PCB trong môi trường đã ở mức báo động dẫn đến khả năng tích tụ hàm lượng cao của hợp chất này trong thực phẩm và sữa mẹ.
Vì thế, để hạn chế phơi nhiễm PCB, cần loại bỏ da - chất béo khi chế biến thực phẩm không rõ nguồn gốc, thận trọng khi tiếp xúc với các vật liệu cũ như chấn lưu điện tử, bóng đèn huỳnh quang, sơn chống cháy, giấy hắc ín... Đồng thời, hạn chế tiếp xúc trực tiếp với bùn - đất - nước xung quanh các khu chôn lấp chất thải nguy hại, KCN và hạ nguồn sông, tránh sinh sống gần các khu đốt chất thải...