Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Trình bày dự án bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa (GTĐTNĐ), Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Đinh La Thăng cho biết sau 8 năm thi hành, bên cạnh việc thúc đẩy phát triển giao thông đường thủy, Luật GTĐTNĐ đã bộc lộ nhiều hạn chế cần được sửa đổi, bổ sung.
Đề xuất không đăng ký, đăng kiểm đối với phương tiện giao thông thủy nhỏ đang gây nhiều lo ngại
Chỉ 34% phương tiện đăng ký
Là cơ quan thẩm tra dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội (QH) Phan Xuân Dũng cho biết đến nay, loại phương tiện cần đăng ký chỉ đạt 34%, số phương tiện phải đăng kiểm chỉ đạt 61% là rất thấp.
Đáng chú ý, theo báo cáo tổng kết 8 năm thực hiện Luật GTĐTNĐ, trong tổng số 300.000 tàu, thuyền công suất dưới 5 sức ngựa (hầu hết là bo bo, vỏ lãi), chưa đến 10% được đăng ký, đăng kiểm theo quy định. Bộ trưởng GTVT cho biết: "Nếu quy định loại phương này phải đăng ký, đăng kiểm là chưa phù hợp thực tế và dự luật đề nghị miễn".
Về đề xuất này, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH Trương Thị Mai đề nghị ban soạn thảo dự luật cần làm rõ việc không buộc phải đăng ký thì có đảm bảo an toàn hay không. Bộ trưởng Đinh La Thăng phân trần: "Dù loại phương tiện này không đăng ký nhưng sẽ hướng dẫn các địa phương quản lý để bảo đảm an toàn".
Không hài lòng, bà Trương Thị Mai nhận xét: "Như dự luật là loại bỏ việc đăng ký với phương tiện nhỏ và giao bộ trưởng GTVT quy định quản lý. Nay bộ trưởng lại giao cho các địa phương là không nhất quán. Đề nghị phải quy định ngay trong luật".
Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu góp ý thẳng: "Loại bỏ đăng ký, đăng kiểm cho bo bo là không ổn".
Nhiều người di chuyển trên sông nước nhưng không được trang bị áo phao Ảnh: Thế Dũng
Mới quản lý được 45% đường thủy
Cơ quan thẩm tra cho biết hiện cả nước có gần 42.000 km giao thông đường thủy. Tuy nhiên, cơ quan nhà nước mới quản lý được hơn 19.000 km (chiếm 45%) do khó khăn về kinh phí.
Về tỉ lệ "èo uột" này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Nguyễn Văn Giàu hỏi thẳng: "Ban soạn thảo dự kiến nếu điều chỉnh luật thì quản lý đường thủy được bao nhiêu so với 45% như hiện nay?".
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của QH Ksor Phước băn khoăn liệu luật mới có giải quyết được những yếu kém trong quản lý GTĐT trong cả chục năm qua? "Canô chìm ở Cần Giờ quy định chỉ được chở 12 người nhưng thực tế lên đến 30, lại không đủ áo phao. Vậy trách nhiệm thuộc về ai?".
Cần có một chương về cứu hộ, cứu nạn
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết thời gian gần đây đã xảy ra một số vụ việc chìm tàu, gây thiệt hại lớn về người và vật chất. Tuy nhiên, quy định về cứu hộ, cứu nạn trong dự luật còn đơn giản, chỉ có 1 điều gồm 2 khoản.
Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn nhìn nhận: "Luật hiện hành và dự luật chưa quy định rõ trách nhiệm phải cứu người khi có tai nạn. Nếu không quy định rõ, sẽ tràn lan việc muốn cứu cũng được, không cứu cũng chẳng sao như vụ tai nạn ở Cần Giờ".
Tiếp thu ý kiến góp ý, Bộ trưởng Đinh La Thăng giải thích quy định về cứu hộ, cứu nạn đã quy định trong luật hiện hành nhưng sẽ làm rõ hơn trong dự luật. "Quy định hiện hành vẫn đủ chế tài để xử lý 2 tàu và cá nhân làm ngơ trong vụ chìm tàu ở Cần Giờ" - ông Thăng cho biết.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý ban soạn thảo tập trung vào những vấn đề bức xúc hiện nay như đăng ký, đăng kiểm phương tiện, cứu hộ, cứu hạn…; cân nhắc kỹ việc phương tiện nhỏ không phải đăng ký, đăng kiểm.
"Cần bổ sung 1 chương về cứu hộ, cứu nạn; cần quy định rõ trách nhiệm các cơ quan liên quan; đồng thời bổ sung trách nhiệm của người liên quan" - Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.