Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Trẻ thiệt mạng vì miếng ăn, nhà sản xuất có “động lòng“? Tin ảnh

(08:08:17 AM 13/08/2013)
(Tin Môi Trường) - Đang ăn thạch rau câu, ngày 17/7, đột nhiên bé Nguyễn Cao K. (4 tuổi, Nghệ An) ngã lăn ra nền nhà, không thở được, người tím tái và tử vong trên đường đến bệnh viện. Trước đó, sự việc tương tự xảy ra tại phường Thượng Thanh, quận Long Biên, Hà Nội, khi người nhà phát hiện cháu H. trong tình trạng khó thở, người tím tái. Được đưa ngay đến bệnh viện cấp cứu nhưng cháu H. đã tử vong. Nguyên nhân được xác định là do ăn thạch bị nghẹn…

 

Ảnh minh họa

 

Theo khẳng định của nhiều chuyên gia, thời gian để xử lý các trường hợp hóc thạch cực kỳ ngắn, nếu được cấp cứu đúng trong 1-2 phút đầu thì trẻ mới có nguy cơ sống sót, còn nếu chậm hơn thì "bó tay". Điều này lý giải vì sao các trường hợp trẻ hóc thạch tử vong cao.

 

Cái chết của những đứa trẻ gợi cho chúng ta suy nghĩ về trách nhiệm của nhà sản xuất trước hình dạng những miếng thạch. Ngay sau hàng loạt những ca tử vong ở trẻ do hóc thạch, dư luận xã hội đã có nhiều ý kiến phản hồi tới nhà sản xuất thạch rau câu rằng nên thiết kế miếng thạch nhỏ gọn, sao cho trẻ nhỏ không bị nghẹn, vì trẻ nhỏ thường hiếu động, vội ăn, miếng thạch lại trơn nên rất nguy hiểm nếu nó có hình dạng như hiện nay.

 

Trên bao bì cũng cần ưu tiên in lời cảnh báo rõ ràng để người tiêu dùng có thể chú ý tới được… Những đáp lại tất cả những đề xuất đó là sự im lặng đến khó hiểu từ các nhà sản xuất. Có vẻ như ở Việt Nam, trách nhiệm xã hội của các nhà sản xuất vẫn là điều gì đó còn rất xa vời.

 

Còn nhớ, câu chuyện về trách nhiệm xã hội của hãng mỹ phẩm Kanebo bắt đầu từ quyết định Kanebo tự nguyện thu hồi các dòng sản phẩm làm trắng có chứa thành phần Rhododenol trên toàn thế giới, triển khai các giải pháp hỗ trợ về y tế mặc dù chưa có kết luận cuối cùng của cơ quan chuyên môn về khả năng gây hại cho người tiêu dùng. Và mới đây hãng sữa Fonterra của New Zealand tự nguyện thông báo thu hồi các sản phẩm sữa nhiễm độc, dù biết rằng việc làm đó sẽ gây thiệt hại  nặng cho doanh nghiệp cả về kinh tế lẫn hình ảnh. Trách nhiệm đối với người tiêu dùng vẫn là trên hết!

 

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được xem là hành lang bảo vệ pháp lý hữu hiệu cho người tiêu dùng. Tuy vậy, sau 2 năm thực thi luật,  thực tế vẫn tồn tại nhiều vấn đề khiến cho người tiêu dùng hoang mang, còn các doanh nghiệp kinh doanh vẫn thờ ơ dù vi phạm.

 

Nên chăng, thay vì đao to búa lớn chuyện thực thi luật, hãy bắt đầu từ những cơ quan, những việc làm cụ thể nhất. Ví như ở câu chuyện trẻ em hóc thạch tử vong, hội bảo vệ người tiêu dùng, cơ quan kiểm định chất lượng hàng hóa, rồi đội quản lý thị trường cùng chung tay vào cuộc, chuyển tới nhà sản xuất những kiến nghị của người tiêu dùng về sự thay đổi mẫu mã sản phẩm để tránh những cái chết không đáng có của trẻ nhỏ; đồng thời cũng kiểm tra, giám sát luôn việc thực thi, chấp hành của nhà sản xuất…

 

Có như vậy, trẻ em mới thôi phải trả giá bằng mạng sống của mình cho những miếng ăn. Và thôi cả những câu hỏi đau đáu: Sao chẳng động lòng, người lớn ơi?.

(Theo Pháp Luật Việt Nam)