Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam Hotline: 091.5203050 - 091.5203070 Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com Website:tinmoitruong.com.vn
Hàng loạt sữa nhiễm khuẩn bị thu hồi: Không thể chỉ xin lỗi suông
(23:31:20 PM 09/08/2013)
(Tin Môi Trường) - Người tiêu dùng hoang mang khi 3 thương hiệu sữa có tiếng trên thị trường là Similac, Dumex, Karicare (xách tay) với giá cao ngất ngưởng đồng loạt bị thu hồi.
Thông tin về nhiều loại sữa nhiễm khuẩn bị thu hồi khiến các bà mẹ hết sức băn khoăn khi chọn mua sữa cho trẻ nhỏ. Ảnh: V.T
Việc thu hồi là đương nhiên đối với sản phẩm khiếm khuyết chứa vi khuẩn độc. Tuy nhiên, trẻ em sau khi sử dụng sản phẩm khiếm khuyết trên nhiều ngày thì ai chịu trách nhiệm, hay chỉ là lời xin lỗi suông hoặc đổi sữa?
Đừng nói thay cho doanh nghiệp
Chiều 6.8, Cục An toàn thực phẩm (ATTP) có thông báo trên trang web: “Theo báo cáo của các doanh nghiệp, Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế xin thông báo các DN không nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng nguyên liệu whey protein concentrate và các sản phẩm có chứa nguyên liệu này do Cty Fonterra (New Zealand) sản xuất.
Cụ thể như sau: Cty Vinamilk dùng nguyên liệu whey protein concentrate được nhập khẩu từ Mỹ và EU; Cty Nutifood dùng nguyên liệu nhập từ Mỹ;
Văn phòng đại diện Meiji dùng nguyên liệu nhập từ Mỹ và Australia. Cục ATTP trân trọng thông báo và tiếp tục cập nhật thông tin khi nhận được báo cáo của các DN”.
Trước thông tin trên do Cục ATTP phát ra này, nhiều luật sư đã lên tiếng phản pháo với cách làm trên. Theo luật sư Võ Vương Quân - Đoàn luật sư TPHCM: Trong lúc người tiêu dùng hoang mang, việc DN sản xuất sữa báo cáo không nhập khẩu nguyên liệu từ Cty Fonterra (New Zealand) là việc làm hợp lý để bảo vệ cho sản phẩm của mình.
Tuy nhiên, với chức năng là cơ quan quản lý, cục không thể “dựa trên báo cáo của các DN” để rồi công bố ra trên các phương tiện thông tin đại chúng được. Cục không nên nói thay cho DN!
Luật sư Quân cho rằng, trong thời điểm này, khi có cảnh báo từ nước ngoài, cục phải tiến hành giám sát chủ động là lấy mẫu và gửi đến các phòng thí nghiệm để kiểm nghiệm, sau đó công bố cho người dân chứ không nên dựa vào báo cáo của DN. Làm như thế sẽ khách quan và người dân sẽ tin tưởng với kết quả mà cục đưa ra.
Không phải đổi hàng, trả tiền là xong
Đồng tình với quan điểm trên, luật sư Đặng Thế Phiệt - Trưởng Văn phòng Luật sư Khang Việt, TPHCM - cho rằng: “Cục không thể dựa vào báo cáo của DN và nói thay cho DN được. Chỉ cần cục xác nhận bên hải quan là DN đó có nhập khẩu loại nguyên liệu trên hay không. Có hai điểm cần lưu ý:
Ai đảm bảo chất lượng sản phẩm nhập khẩu vào VN để cấp phép cho phép lưu hành và quy trình giám sát chất lượng sản phẩm như thế nào.
Nếu làm được 2 việc trên thì cơ quan “gác cửa” về ATTP sẽ không phải chạy theo sau những cảnh báo từ nước ngoài. Đến khi phát hiện sản phẩm kém chất lượng và thực hiện thu hồi thì sữa bẩn đã vào bụng trẻ em. Đến lúc này thì ai sẽ chịu trách nhiệm?”
Hiện nay, việc Cục ATTP, Chi cục ATTP các địa phương và DN chỉ lo việc giám sát thu hồi, cũng chỉ giải quyết ngọn của vấn đề. Liệu cục đảm bảo những sản phẩm sữa khác đang lưu hành trên thị trường VN có an toàn hoàn toàn?
Chính vì cục chưa chủ động kiểm tra và nhanh chóng công bố nên người tiêu dùng tiếp tục hoang mang và nghi ngờ chất lượng sữa trên thị trường.
Luật sư Quân cho biết thêm, DN thì nơi đâu cũng bảo vệ cho mình trước. Căn cứ để khởi kiện phải dựa trên thiệt hại và phải chứng minh là thiệt hại do sản phẩm bị lỗi gây nên. Điều này không dễ chứng minh.
Tuy nhiên, nếu theo Điều 23 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: "Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp hàng hóa có khuyết tật do mình cung cấp gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng, kể cả khi tổ chức, cá nhân đó không biết hoặc không có lỗi trong việc phát sinh khuyết tật”.
Vì thế, nhà sản xuất và các đơn vị liên đới khi đưa ra thị trường sản phẩm độc, kém chất lượng thì phải đền bù, vì người mua bỏ đúng số tiền ra mua sản phẩm sạch không bị “khuyết tật” chứ không phải cứ trả lại hàng, tiền là xong việc.