Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

“Ăn theo” bún Thủ Đức

(09:23:34 AM 08/08/2013)
(Tin Môi Trường) - Đánh vào tâm lý nhiều người tiêu dùng cho rằng bún Thủ Đúc là bún sạch nên hàng loạt sạp hàng tại TP.HCM treo biển “bún Thủ Đức” sau sự cố bún nhiễm chất làm trắng.

Nhiều điểm bán bún ở đường Vũ Tùng, ngay cạnh chợ Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) từ nhiều ngày qua đều treo biển “bún Thủ Đức”. Sản phẩm bày bán tại đây khá đa dạng, bên cạnh những loại bún được đóng bao bì của một số cơ sở sản xuất tại Q.Thủ Đức: P.H., T.D... vẫn còn khá nhiều loại bún đựng trong những rổ tre hoặc nhựa lớn. Thắc mắc thì chủ hàng giải thích đều là bún Thủ Đức, sở dĩ để giỏ lớn cho thoáng và bún lâu hư hơn. Tại nhiều sạp bún ở khu vực chợ Gò Vấp cũng trong tình trạng tương tự.

 

Bà Nguyễn Thị Bính - Giám đốc Công ty TNHH SX TM DV Nguyễn Bính, cho biết, “bún Thủ Đức” thực ra là tên vùng miền nên cơ sở nào cũng có thể sử dụng, riêng cơ sở của bà sử dụng thương hiệu này từ lâu nên nhiều người đã đồng nhất tên gọi của công ty với thương hiệu bún Thủ Đức. “Việc các cơ sở khác bán “bún Thủ Đức” cơ sở không có quyền can thiệp, vấn đề là chất lượng ở đâu đáng tin cậy, điều này để người tiêu dùng thẩm định”, bà Bính nói. Tuy nhiên, theo bà Bính, từ sau khi thông tin bún chứa chất làm trắng độc hại, sản lượng bún tại cơ sở của bà đã tăng tới hơn 30%, đồng thời cơ sở cũng đã phát hiện có trường hợp tiểu thương lấy bún từ cơ sở Nguyễn Bính loại bao lớn (15kg) bán kèm với bún của cơ sở khác để hưởng chênh lệch vì giá bún bán lẻ của Nguyễn Bính ngoài thị trường là 12.000đ/kg, cao hơn 1.000 - 2.000đ/kg so với sản phẩm của nhiều cơ sở khác.

 

Nhiều sạp bún ở chợ dán nhãn ghi rõ cơ sở sản xuất, nhưng vẫn ế

 

Tại một số chợ, cửa hàng… mặt hàng bún vẫn trong tình trạng ế ẩm. Ghi nhận tại các chợ Tân Định, Nguyễn Văn Trỗi, Hoàng Hoa Thám, Bàn Cờ, Thị Nghè… những ngày này cho thấy các sạp bán bún đã giảm hơn 50% lượng hàng nhập vào do sức tiêu thụ đã giảm mạnh. Để người tiêu dùng yên tâm, phần lớn tiểu thương bán bún, bánh hỏi được đóng gói sẵn 0,5 - 1kg, trên nhãn có đầy đủ thông tin về cơ sở sản xuất, địa chỉ, ngày sản xuất và ghi rõ “sản phẩm không sử dụng hóa chất độc hại, chỉ sử dụng trong ngày”, thế nhưng, người tiêu dùng vẫn chưa hết lo ngại nên sức tiêu thụ vẫn chưa phục hồi.

 

Chị Ngân bán bún, bánh canh, bánh phở… tại chợ Thị Nghè (Q.Bình Thạnh) cho biết, lúc trước mỗi ngày bán không dưới 100kg, hơn hai tuần nay chỉ dám lấy 40 - 60kg mà bán tới chiều tối vẫn còn tồn cả chục ký bún. “Ngay cả các mối bán bún riêu, canh bún cũng giảm, chỉ lấy chừng 5 - 10kg thay vì 20 - 25kg như trước”, chị Ngân than. Nhiều tiểu thương bán bún tươi, hủ tíu, bánh canh, bánh phở ở các chợ khác đều chung tình trạng ế ẩm tương tự. Bà Hà, chủ cơ sở bún ở Củ Chi, TP.HCM cho biết, gia đình làm bún, hủ tíu hơn 20 năm qua chưa bao giờ gặp tình cảnh như hiện nay. Không chỉ lượng bún làm ra giảm từ 500kg còn 300kg mà ngay cả hủ tíu cũng giảm hơn một nửa.

 

Theo quan sát của chúng tôi, người mua rất dè chừng, mua số lượng ít và phần lớn chọn bún, bánh hỏi… đóng gói sẵn, còn hàng cân ký thì không nhiều người mua.

Đăng Thư - Nguyễn Cẩm (Báo Phụ nữ TPHCM)