Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Việt Nam có nguy cơ trở thành bãi rác của thế giới

(14:19:46 PM 07/08/2013)
(Tin Môi Trường) - Luật Bảo vệ Môi trường tới đây phải có khái niệm rõ ràng đâu là phế liệu và đâu là chất thải để tránh tình trạng doanh nghiệp “nhập nhèm” nhập chất thải dưới dạng phế liệu dẫn đến nguy cơ Việt Nam có thể trở thành bãi rác của thế giới - nhiều ý kiến đồng tình đưa ra tại hội thảo góp ý dự thảo số 4 Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi mới đây ở Hà Nội.

 PGS.TS Nguyễn Đình Hòe, Tổng Thư ký Hội Bảo vệ Thiên nhiên&Môi trường Việt Nam (VACNE), cho hay dự thảo số 4 dành cả một điều lớn (điều 57) quy định cho phép nhập khẩu phế liệu. Khoản 2: Tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu để sử dụng trực tiếp làm nguyên liệu sản xuất phải có công nghệ, thiết bị tái chế, tái sử dụng phế liệu, xử lý tạp chất đi kèm phế liệu đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường; không được cho, bán tạp chất đi kèm phế liệu. Khoản 4: Tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu phải có trách nhiệm tái xuất phế liệu trong trường hợp không đáp ứng tiêu chí về bảo vệ môi trường.”

 

 Ảnh minh họa
 

“Dự thảo số 4 lần này có vẻ “tránh” vấn đề rắc rối này. Cụ thể trong dự thảo, điều 3 khoản 15 có nêu định nghĩa “phế liệu” nhưng trong cả chương VIII “Quản lý chất thải” không có nội dung nào đề cập “phế liệu” .

 

Suy rộng ra, việc này hàm ý “đối xử” với “phế liệu” nhập khẩu (thực chất là chất thải) như những chất thải khác và có thể còn được hưởng các “chính sách ưu đãi” (Điều 67 khoản 3. Tổ chức, cá nhân có hoạt động giảm phát thải, tái sử dụng, tái chế chất thải, được hưởng chính sách ưu đãi theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan).

 

“Đây thực sự là sự lập lờ cực kỳ nguy hiểm nhằm tạo điều kiện cho nhập khảu phế liệu. Thực tế cho thấy phế liệu được nhập khẩu thời gian qua bao giờ cũng chứa một tỷ lệ nhất định chất thải kể cả chất thải nguy hại. Tái xuất không được, trả lại bên xuất không được khiến hàng trăm container “phế liệu” nằm ỳ ở cảng chưa biết xử lý thế nào”, theo ông Hòe.

 

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên&Môi trường, cả nước có 34 tỉnh, thành phố - với 155 doanh nghiệp - thực hiện hoạt động nhập khẩu phế liệu, trong đó có 116 doanh nghiệp sản xuất, tái chế trực tiếp nhập khẩu để phân phối (chiếm khoảng 75%), 28 doanh nghiệp nhập khẩu để phân phối (chiếm khoảng 18%) và 11 doanh nghiệp nhập khẩu ủy thác. Ước tính, tổng số phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất qua các cửa khẩu vào nước ta năm 2011 vào khoảng 2,9 triệu tấn, chủ yếu là phế liệu sắt, nhựa, giấy, xỉ cát, xỉ slay, thạch cao, v.v…

 

TS Lê Bích Thủy, Hội Bảo vệ Thiên nhiên&Môi trường Việt Nam (VACNE), lo ngại phế liệu nhập khẩu như pin, ắc quy, bản mạch cũ có nhiều chất độc hại, tác động tiêu cực về mặt môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe trong quá trình bốc dỡ, lưu giữ, tái chế.

 

Nhiều ý kiến cho rằng chính sự không rõ ràng đâu là phế liệu, đâu là chất thải dẫn đến tình trạng doanh nghiệp lập lờ nhập chất thải dưới dạng phế liệu. Cứ như thế này nếu không cẩn thận Việt Nam sẽ trở thành bãi rác khổng lồ của thế giới.

 
Cần tách “làng” ra khỏi “nghề”
 

Trong dự thảo số 4, “Điều 52. Khoản 1 nêu rõ cơ sở, hộ gia đình, cá nhân sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tại các làng nghề phải thực hiện các biện pháp kiểm soát tiếng ồn, độ rung, bụi, nhiệt, khí thải, nước thải và các biện pháp xử lý tại chỗ theo quy định; thu gom, phân loại, lưu giữ, xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại theo quy định; Đóng góp kinh phí xây dựng, vận hành và quản lý các công trình về bảo vệ môi trường làng nghề; nộp phí bảo vệ môi trường theo quy định. Khoản 2. Làng nghề phải có kế hoạch bảo vệ môi trường theo hướng dẫn của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền; Có kết cấu hạ tầng bảo đảm thu gom và xử lý chất thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường”

 

Ông Hòe cho rằng làng nghề không giống một doanh nghiệp. Nó có cấu trúc hai trong một, tức là làng và nghề. Làng nghề là “làng trong nghề và nghề trong làng”. Các hộ dân làm nghề trong làng nghề là những hộ cá thể, thường thiếu sự hợp tác đủ mức để cùng chăm lo đến môi trường, công nghệ thường lạc hậu, quản lý nghề theo kiểu gia đình truyền thống, khó áp dụng chế tài với cộng đồng nông thôn.

 

Theo Bộ Tài nguyên&Môi trường, hiện cả nước có hơn 1.300 làng nghề được công nhận và 3.200 làng có nghề. Kết quả khảo sát tại 52 làng nghề điển hình trong cả nước cho thấy, có đến 46% số làng nghề môi trường bị ô nhiễm nặng (đối với không khí, nước, đất hoặc cả ba dạng trên) và có 27% ô nhiễm vừa. Theo đánh giá của các chuyên gia môi trường, có rất nhiều nguyên nhân khiến tình trạng ô nhiễm tại các làng nghề ngày càng trầm trọng. Nguyên nhân chính là xuất phát từ nhận thức và trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp còn hạn chế. Chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm và trình độ đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ môi trường cấp xã chưa đáp ứng được yêu cầu.

 

Muốn môi trường làng nghề được cải thiện, cần tách làng (nơi sinh sống) ra khỏi nghề (nơi sản xuất) như kiểu thành lập các khu công nhiệp nông thôn ở Bắc Ninh. Làng vẫn còn, nghề vẫn còn, nhưng “làng nghề” thì không còn – đó chính là điều các nhà văn hóa lại không mong muốn.

 

Ông Hòe gợi ý “Nên chăng cần quy định rõ những nghề gây ô nhiễm nghiêm trọng cần chuyển sang khu quy hoạch cho sản xuất riêng, không được sản xuất trong làng”.

 
 

- Theo TS Nguyễn Văn Phương, Đại học Luật Hà Nội, cần phải xác định rõ khải niệm cộng đồng và tạo quyền cho cộng đồng, nhưng trong dự thảo 4 khái niệm và quyền hạn vai trò của cộng đồng chưa rõ.

 

- Ngoài những góp ý nêu trên, các đại biểu cho rằng nên bổ sung quy định về hồi tố môi trường; bổ sung quy định về đảm bảo an ninh môi trường; nên chăng việc thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường phải do Bộ Tài nguyên&Môi trường (TNMT) và các chi cục vùng của Bộ TNMT đảm trách thay cho các tỉnh?.

 

- Dự thảo số 4 Luật Bảo vệ Môi trường (BVMT) vừa hoàn thành và đang được trình Chính Phủ xem xét trước khi Quốc hội phê duyệt, gồm 19 chương 165 điều. So với Luật BVMT cũ 2005 (15 chương 136 điều) bản dự thảo 4 về cấu trúc đã tăng thêm 4 chương với 29 điều, chưa kể nhiều điều khoản của Luật BVMT 2005 cũng đã được dự thảo điều chỉnh đáng kể.

MẠNH CƯỜNG (Vfei)