Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Những ngày cuối tháng 7, đầu tháng 8 này, có một tin vui đến với những người yêu môi trường. Đó là Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã chính thức ký Quyết định phê duyệt Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đây được coi là điểm tựa vững chắc cho những người tâm huyết với vấn đề đa dạng sinh học nói riêng và những người yêu môi trường ở Việt Nam, nói chung.
Chiến lược chỉ rõ thực trạng của vấn đề đa dạng sinh học ở Việt Nam hiện nay, tầm nhìn, mục tiêu đến năm 2030 và kế hoạch hành động, công tác tổ chức thực hiện, giám sát cũng như báo cáo về tình hình thực hiện. Đây vừa là một bức tranh tổng thể, vừa là một cây gậy thần chỉ rõ đường đi nước bước cho vấn đề đa dạng sinh học ở Việt Nam từ nay đến năm 2020 và 2030.
Hơn ai hết, những người yêu môi trường, những người quan tâm và tâm huyết với vấn đề đa dạng sinh học thấy vững tin hơn. Bởi từ đây, họ có thêm một điểm tựa vững chắc để thực hiện những gì mà họ mong muốn và chờ đợi.
Những năm gần đây, đa dạng sinh học của nước ta tiếp tục suy giảm về lượng và suy thoái về chất với tốc độ cao, đối mặt với những đe dọa và thách thức nghiêm trọng. Dân số tăng nhanh, từ dưới 73 triệu năm 1995 lên trên 87,84 triệu trong năm 2011, đưa Việt Nam trở thành một trong những nước đông dân nhất trong khu vực châu Á, tạo ra một sức ép lớn về tiêu thụ tài nguyên và sử dụng đất. Cùng với sự gia tăng dân số, nền kinh tế tăng trưởng nhanh đã và đang đem lại nhiều lợi thế cho quá trình phát triển đất nước, nhưng cũng tạo ra áp lực lớn lên sự phát triển đa dạng sinh học.
Mặt khác, giá trị và vai trò của đa dạng sinh học chưa được nhận thức và đánh giá đúng mức. Ý thức về bảo tồn đa dạng sinh học và nhận thức về giá trị thực sự của đa dạng sinh học trong xã hội còn hạn chế. Nạn khai thác trái phép và quá mức tài nguyên sinh vật, đặc biệt là các loài hoang dã phục vụ nhu cầu sinh sống, vui chơi giải trí, thương mại và thói quen trong ẩm thực đã đẩy nhiều loài động vật của nước ta đến bờ vực của tuyệt chủng. Đó là những thông tin đáng lo ngại về thực trạng đa dạng sinh học ở nước ta hiện nay. Những thông tin này đã và đang gây nhiều lo lắng cho các nhà chức trách, chính quyền nhiều địa phương, các chuyên gia về môi trường và cả những người quan tâm đến môi trường, đến vấn đề đa dạng sinh học.
Chính bởi vậy, những mục tiêu mà Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 là hết sức rõ ràng và cụ thể, đáp ứng sự chờ đợi của nhiều người. Đến năm 2020, diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên trên cạn đạt 9% diện tích lãnh thổ, diện tích các khu bảo tồn biển đạt 0,24% diện tích vùng biển, độ che phủ rừng đạt 45%. Đến năm 2030, 25% diện tích hệ sinh thái tự nhiên có tầm quan trọng quốc tế, quốc gia bị suy thoái được phục hồi, đa dạng sinh học được bảo tồn và sử dụng bền vững, mang lại lợi ích thiết yếu cho người dân và đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Mặt khác, Chiến lược đề ra nhiệm vụ bảo tồn và sử dụng bền vững các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, các loài, nguồn gen nguy cấp, quý, hiếm nhằm góp phần phát triển đất nước theo định hướng nền kinh tế xanh, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh hoạt động bảo vệ nghiêm ngặt rừng nguyên sinh, kiểm soát các hoạt động gây tác động xấu đến đa dạng sinh học, trong đó kiểm soát khai thác, buôn bán và tiêu thụ trái phép động, thực vật hoang dã.
Trong những năm qua, đa dạng sinh học Việt Nam có những đóng góp đáng kể cho nền kinh tế quốc gia, đặc biệt trong các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản và khám chữa bệnh. Khoảng 20 triệu người dân Việt Nam phụ thuộc vào tài nguyên thủy sinh. Đa dạng sinh học và các cảnh quan trên cạn và ven bờ biển, đảo còn là nền tảng cho sự phát triển của ngành du lịch tại Việt Nam.
Rừng ngập mặn dọc bờ biển đóng vai trò là những “lá chắn xanh” giúp đảm bảo an toàn đê biển, góp phần tiết kiệm chi phí hàng tỷ đồng cho công tác tu bổ đê điều. Với một vai trò quan trọng như vậy, trước một thực trạng đáng lo ngại vấn đề đa dạng sinh học như hiện nay, Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải phê duyệt là hết sức cần thiết, thể hiện sự quan tâm, chỉ đạo sát sao và kịp thời của Đảng và Chính phủ đối với sự phát triển đa dạng sinh học ở nước ta.