Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Ảnh lớn: Nhóm lâm tặc trên đường vận chuyển gỗ lậu ra khỏi Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, tỉnh Đắk Lắk - Ảnh nhỏ: Gỗ lậu tại Hạt Kiểm lâm huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk (Ảnh: Cao Nguyên)
Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải vừa có văn bản chỉ đạo công tác bảo vệ, phát triển rừng Tây Nguyên. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2015, tỉ lệ che phủ rừng cả nước đạt khoảng 42%-43% và đến năm 2020 khoảng 45%. Tuy nhiên, hiện nay, công tác bảo vệ rừng Tây Nguyên đang đối mặt với nhiều thách thức.
Tình trạng suy giảm diện tích rừng Tây Nguyên diễn ra ở mức độ cao (giảm 25.737 ha/năm). Chất lượng rừng cũng suy giảm rõ rệt: Diện tích rừng có trữ lượng rất thấp, chỉ khoảng 1,7 triệu ha, tỉ lệ che phủ 32,4%; diện tích còn lại là rừng chưa có trữ lượng hoặc trữ lượng thấp.
Trong 5 năm trở lại đây, các tỉnh Tây Nguyên đã trồng hơn 72.000 ha cao su. Theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, chủ trương phát triển cao su là phù hợp. Tuy nhiên, việc trồng cao su hiện nay chủ yếu là chuyển từ đất lâm nghiệp có rừng (chiếm 79%), chủ dự án chưa chú ý khai thác các loại đất không có rừng, đất nông nghiệp và đất kém hiệu quả. Một số chủ đầu tư còn lợi dụng việc trồng cao su để xâm lấn đất rừng, khai thác gỗ trái phép, gây ra tình trạng mất an ninh trật tự.
Ngoài ra, theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), trong 6 năm qua, Tây Nguyên cũng là khu vực chuyển đổi đất rừng để xây dựng thủy điện nhiều nhất cả nước. Đã có 8.162 ha rừng (hơn 3.100 ha là rừng đặc dụng, phòng hộ đầu nguồn) bị chuyển đổi để phục vục hơn 50 dự án thủy điện.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá rừng Tây Nguyên có ý nghĩa vô cùng quan trọng về kinh tế, môi trường, xã hội, an ninh, quốc phòng. Thế nhưng, Tây Nguyên cũng là vùng trọng điểm về vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng với hàng chục ngàn vụ bị phát hiện hằng năm. Một số trọng điểm, tụ điểm nghiêm trọng đã hình thành đường dây phá rừng có hệ thống. Nhiều xưởng gỗ gần rừng không tuân theo quy hoạch, không có nguồn nguyên liệu ổn định, do đó trở thành nơi tiêu thụ gỗ khai thác bất hợp pháp.
Trong khi đó, công tác quản lý, xử lý còn bộc lộ nhiều yếu kém. Nhiều nơi, chính quyền địa phương chưa thực hiện nghiêm túc trách nhiệm quản lý rừng và đất nông nghiệp, khi phát hiện vi phạm thì xử lý thiếu kiên quyết, thậm chí tiếp tay cho người phá rừng.
Tây Nguyên hiện có 53 ban quản lý rừng phòng hộ, 6 vườn quốc gia và 5 khu bảo tồn với tổng diện tích 1,5 triệu ha rừng và đất rừng. Đa số ban quản lý rừng phòng hộ không đủ năng lực bảo vệ nơi được giao; thiếu kinh phí bảo vệ rừng; rừng và đất lâm nghiệp bị xâm lấn, phá hoại nhưng chưa có giải pháp quản lý hiệu quả; tình trạng khai thác gỗ quý hiếm có xu hướng gia tăng khiến chất lượng rừng bị suy giảm.
Trước tình hình đó, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo UBND các tỉnh Tây Nguyên phối hợp với Bộ NN- PTNT và Bộ Công an tăng cường quản lý chặt chẽ, kiểm tra đột xuất và kiên quyết đình chỉ các cơ sở chế biến gỗ vi phạm; thu hồi, không cấp mới giấy phép kinh doanh đối với cơ sở chế biến gỗ không đảm bảo nguồn nguyên liệu hợp pháp hoặc không phù hợp quy hoạch. Đồng thời, phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam rà soát lại toàn bộ quy hoạch phát triển cao su đến năm 2015, tầm nhìn đến 2020, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, đến năm 2014, rừng tự nhiên sẽ tạm đóng cửa.
Bộ NN-PTNT vừa ban hành Thông tư 24 quy định về trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng. Theo đó, các cá nhân, tổ chức muốn chuyển đổi mục đích sử dụng rừng phải bảo đảm điều 29 Nghị định 23/2006/NĐ-CP về thi hành Luật Bảo vệ và phát triển rừng: được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt dự án, có báo cáo đánh giá tác động môi trường do việc chuyển mục đích sử dụng rừng, có phương án đền bù giải phóng mặt bằng khu rừng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.Bộ NN-PTNT yêu cầu có phương án trồng rừng thay thế diện tích đã chuyển sang mục đích khác, với diện tích trồng rừng thay thế ít nhất bằng diện tích chuyển sang mục đích khác được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Phương án trồng rừng thay thế diện tích chuyển sang mục đích khác phải làm rõ: Diện tích đất trồng rừng thay thế, chi tiết về vị trí, địa hình, địa danh, loại rừng được quy hoạch phát triển (đặc dụng, phòng hộ, sản xuất) cụ thể đến từng lô; loài cây dự kiến trồng và phương thức trồng; kế hoạch tiến độ trồng rừng thay thế; mức đầu tư bình quân 1 ha; tổng vốn đầu tư trồng rừng thay thế; tổ chức quản lý, bố trí các nguồn lực, tổ chức thực hiện phương án. Trường hợp địa phương không còn hoặc không đủ quỹ đất để trồng rừng thay thế, UBND cấp tỉnh phải lập văn bản đề nghị Bộ NN- PTNT bố trí trồng rừng thay thế ở địa phương khác.
Thông tư 24 có hiệu lực từ ngày 1/7. |