Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
>> Kỳ 1: Phù phép trà bẩn thành trà sạch
Ngay sau khi lấy bã trà từ Công ty TNHH Tân Hiệp Phát, bã trà xanh ướt sũng nhanh chóng được công nhân tại xưởng trà của ông Trung ở khu phố Bình Đức cào xuống sân phơi - Ảnh: CHÍNH THÀNH - Đồ họa: V.CƯỜNG
Ông Cung, tài xế chuyên chở loại bã trà thải từ những cơ sở ở Bình Dương đến các xưởng trà tại TP Bảo Lộc, tiết lộ: “Trước đây bã trà thải tôi chở là hàng còn ướt sũng từ nhà máy ra, sau đó các xưởng mới sấy khô và đấu với trà đẹp. Nhưng từ tết tới nay dân làm trà sợ bị lộ nên hầu hết đều chọn mua trà thải đã sấy khô về trộn”.
Trà bẩn lấy từ đâu?
Để có nguồn hàng trà bẩn, các đầu nậu tại TP Bảo Lộc chủ yếu lấy từ hai nguồn chính là ông Trung và ông Thế ở tỉnh Bình Dương. Sáng 25-7, chúng tôi gặp đầu nậu tên Hưng tại huyện Tân Uyên (Bình Dương), ông Hưng cho biết trà bẩn ông lấy trực tiếp tại lò của ông Trung ở khu phố Bình Đức với giá 10.000 đồng/kg. Được biết, ông Hưng là đầu nậu chuyên thu mua bã trà gần một năm nay, trong kho hàng của ông Hưng luôn có ít nhất 2 tấn bã trà xanh. Ông Hưng nói huỵch toẹt: “Chỗ quen biết lấy anh 12.000 đồng/kg. Đây là hàng độc quyền, cả phía Nam chỉ ông Trung và ông Thế là có hàng này. Nhưng tôi nói trước hai ông này không bán cho người ngoài”.
Chiều 24-7, chúng tôi tiếp cận xưởng bã trà xanh quy mô lớn của ông Trung tại khu phố Bình Đức (P.Bình Hòa, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương). Tại đây, xưởng trà không có bảng hiệu, hoàn toàn là bãi đất trống nằm tiếp giáp với trường học, một mặt bao quanh bởi khu công nghiệp. Khu đất rộng khoảng 6.000m2 như một đại công trường la liệt các khu xưởng tạm bợ cùng lều bạt dã chiến, đập vào mắt là gần chục tấn bã trà không độ còn ẩm ướt được phơi tràn trên nền đất cát. Ở giữa là khu xưởng chính lợp mái tôn với chín lò sấy trà kêu xình xịch không ngớt. Lúc này một thanh niên cao to đi lại quơ tay chân chỉ đạo khoảng 20 công nhân đang hì hục làm các công đoạn sấy, phơi, trộn trà và đóng gói. Các công nhân tại xưởng cho biết bã trà được ông chủ lấy trực tiếp từ nhà máy trà xanh với giá rẻ mạt chỉ 500-1.000 đồng/kg. Sau khi phơi, sàng lọc, loại trà đẹp xuất bán lên Lâm Đồng và một số tỉnh miền Tây với giá khoảng 10.000 đồng/kg.
Do ông Trung không có mặt tại xưởng nên chúng tôi trao đổi qua điện thoại di động. Qua điện thoại, ông Trung nói nhát gừng: “Bã trà không có hàng. Thời gian này bị động nên không bán cho ai”. Tuy nhiên, khi chúng tôi trình bày do bị một đầu nậu cắt mất nguồn hàng, ông Trung lại nói ngắn gọn: “Giá một bao là 80.000 đồng (10kg một bao). Nếu muốn tự vận chuyển hàng hoặc tôi cho xe nhà vận chuyển đều được”.
Khoảng 8g ngày 25-7, xe tải biển số 51C-5... chạy xộc vào xưởng. Tám công nhân nam đang ngồi nghỉ bỗng nhổm dậy nhanh chóng cào bã trà xanh còn ướt sũng nước và bốc mùi chua xuống sân. Xe đi tới đâu, công nhân dùng chân trần đá tung bã trà ra sân như múa võ tới đó. 15g cùng ngày, chiếc xe biển số 51C-5... rời xưởng đi lấy hàng. Theo ghi nhận, chiếc xe trên cùng tài xế và lơ xe đi lòng vòng qua nhiều tuyến đường, sau đó đi thẳng vào cổng chính Công ty TNHH Tân Hiệp Phát (219 quốc lộ 13, xã Vĩnh Phú, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương) để lấy nguồn bã trà thải. Gần một giờ sau, xe tải biển số 51C-5... mới ì ạch rời khỏi cổng Công ty Tân Hiệp Phát. Trên đường đi, nước bã trà từ thùng xe chảy không ngớt xuống mặt đường nhựa. Ngay khi xe về tới xưởng, bã trà xanh nhanh chóng được cào xuống sân phơi trước khi đưa vào lò sấy. Trước đó, qua nhiều ngày theo dõi, chiếc xe này liên tục lấy nguồn hàng bã trà thải ra từ Công ty TNHH Tân Hiệp Phát.
Ngoài cơ sở phơi sấy chính tại Bình Đức chứa cả trăm tấn “trà bẩn”, ông Trung còn một điểm tập kết hàng lớn ở 245/61B Hòa Bình, phường Hiệp Tân, quận Tân Phú (TP.HCM). 19g ngày 27-7, xe tải biển số 51C-5... chất đầy hàng từ xưởng tại Bình Đức chở về điểm tập kết ở đường Hòa Bình. Tại đây, khoảng 20 tấn bã trà phần lớn được đóng bao chất đầy trong xưởng. Phần còn lại được công nhân đổ tràn ra nền đất. Sáng 29-7, một xe tải biển số 54C-0... tới mua 2 tấn bã trà tại điểm tập kết trên. Người làm tại đây cho biết số bã trà trên chở về một xưởng chế biến trà tại quận 12.
Phân phối đi các tỉnh
Tại TP Bảo Lộc (Lâm Đồng), giới buôn trà đều biết tiếng bà Linh là nguồn cung cấp bã trà xanh, trà phế, xác trà cực lớn. Sau thời gian thâm nhập đường dây tuồn trà bẩn từ các nhà xe, phóng viên Tuổi Trẻ đã phát hiện bà Linh nhập nguồn trà thải từ ông Trung, cơ sở làm trà thải lớn tại Bình Dương.
Trước đó, khoảng 4g sáng 9-7, tại xưởng của ông Trung xe tải biển số Lâm Đồng 49H-0... tấp vào tận trong khu xưởng chính. Chỉ trong ít phút, hai công nhân đã chất đầy khoảng 3,5 tấn bã trà lên xe. Ngay sau đó, tài xế cho xe rời xưởng trực chỉ quốc lộ 1 về Lâm Đồng.
Tới 8g cùng ngày xe về tới TP Bảo Lộc. Tuy nhiên, tài xế không đi thẳng về cơ sở trà số 1 trên đường Trần Phú, phường Lộc Tiến của bà Linh mà chạy thẳng tới nhà xe Mai Tiên ở thôn Đạ Nghịch, xã Lộc Châu, TP Bảo Lộc. Tới 14g, một tài xế khác của nhà xe Mai Tiên bất ngờ chở số trà trên tới cơ sở số 2 của bà Linh nằm sâu giữa vùng đồi núi ít người qua lại tại khu phố 6, phường Lộc Tiến. Tại đây, 3,5 tấn bã trà xanh được hai nam công nhân nhanh chóng quẳng lên đống trà chất ngồn ngộn trong xưởng.
Ở xưởng trà số 1 của bà Linh tại tổ 6, phường Lộc Tiến, khoảng 20 tấn trà phế được chất thành hai đống lớn, phía trên dùng bạt che đậy sơ sài. Trong khu xưởng rộng 2.000m2 nằm khuất phía sau khu dân cư, bà Linh cho chất nhiều lô bã trà thải loại đã xay nhỏ cao gần tới nóc nhà. Việc phơi trà phế và bã trà cám hoàn toàn do bà N. và ông Ng., hai công nhân lớn tuổi, đảm trách. Trưa 22-7, xưởng của bà Linh rầm rập hai máy xay trà phế, bụi khói mù mịt bốc lên. Bà N. giải thích: “Toàn là bã trà cả. Khi xay cho ra tới năm loại nhỏ như cám. Hiện giờ chủ yếu hàng mang về cơ sở 2 nên xe mua bán ra vào tại đây rất ít”.
Theo điều tra của chúng tôi, rất nhiều xưởng chế biến trà ướp hương mua hàng của bà Linh về đấu trộn để thu lợi nhuận. Một trong những xưởng mua lại trà của bà Linh về trộn là ông Vu. Xưởng nằm tại khu phố 4, phường Lộc Tiến. Ông Vu mua trà bẩn về pha chế, sau đó xuất bán đi các tỉnh ĐBSCL chứ không trực tiếp sản xuất. Sáng 17-7, khi chúng tôi ngỏ ý muốn mua số lượng lớn bã trà về trộn, ông Vu nói: “Trà này tôi chỉ xuất bán cho các mối ở miền Tây là chính. Chỗ anh em quen biết tôi chỉ chỗ mua chứ không bán trực tiếp”. Theo đó, nơi mua “trà bẩn” ông Vu chỉ là xưởng trà số 2 của bà Linh. Liên tiếp các ngày 15, 16, 20-7, chúng tôi quan sát nhiều xe tải mua hàng từ xưởng trà số 2 của bà Linh, trong số các xe lấy hàng về TP.HCM có ngày cả hai xe loại 20 tấn.
Công khai “danh sách đen”
Chiều 5-8, ông Nguyễn Văn Quy - trưởng Phòng kinh tế UBND TP Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) - cho biết ngay sau khi báo Tuổi Trẻ đăng bài điều tra về trà bẩn, UBND TP Bảo Lộc đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành gồm các ngành chức năng liên quan đến kinh tế, vệ sinh an toàn thực phẩm, công an. Đoàn sẽ kiểm tra các cơ sở sản xuất trà bẩn mà báo Tuổi Trẻ đã nêu, sau đó sẽ kiểm tra mở rộng tất cả đơn vị sản xuất trà trên địa bàn TP Bảo Lộc. Dự kiến đoàn sẽ lấy mẫu trà để kiểm tra chất lượng và các thông số liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm. Tất cả cơ sở sản xuất trà kém chất lượng, không đúng cam kết khi đăng ký kinh doanh sẽ bị đưa vào “danh sách đen” và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nếu vi phạm nặng sẽ bị rút giấy phép sản xuất kinh doanh.